“Kiến thức, nếu không quyết định hành động, thì chỉ là một thứ đã chết” – câu nói của nhà hiền triết La Mã Plotinus từ thế kỷ thứ 3 đã thâu tóm toàn bộ sự chuyển dịch của ngành ngôn ngữ và công nghệ năm 2023.
Ảnh tác giả tạo ra bởi công cụ Bing Image Creator với yêu cầu: “Vẽ một bức tranh tương lai tuyệt đẹp về một chiếc máy tính giao tiếp với con người bằng ngôn ngữ tự nhiên”
Chỉ trong hai tuần qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển chóng mặt của những công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) dựa trên nền tảng ngôn ngữ như GPT-4, Microsoft 365 Copilot, Bing Image Creator hay Github Copilot X. Ngôn ngữ không còn chỉ là công cụ giao tiếp diễn đạt, mà đã thành phương tiện chủ chốt để tạo ra sản phẩm vượt khỏi trí tưởng tượng của con người.
Với nhiều người, ChatGPT vẫn chỉ là một con bot biết làm văn hay tạo những mẩu thoại hài hước trên mạng xã hội. Ngay đến giáo sư Yann Lecun, cha đẻ của mạng thần kinh tích chập nhận giải thưởng Turing năm 2018, cũng bình luận rằng các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT chỉ là “công cụ hỗ trợ viết lách”.
Nhưng nếu chỉ có vậy thì vì sao nó đã trở thành cơn đau đầu với giới hoạch định chính sách và các ông chủ tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong suốt những tháng qua?
Khi Google ra “báo động đỏ”
Cuối năm 2022, khi làn sóng ChatGPT bắt đầu “càn quét” trên truyền thông, mọi người chợt nhận ra có thể tra khảo kiến thức trực tiếp từ ChatGPT thay vì phải gõ vào ô tìm kiếm và tra cứu hàng chục kết quả, không ít trong số đó là đường dẫn quảng cáo mang lại cho Google doanh thu hơn 160 tỉ USD mỗi năm.
Google, vốn được coi là “cửa ngõ” Internet, đột nhiên phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan: làm sao để cạnh tranh với ChatGPT mà vẫn không bị thâm hụt doanh thu quảng cáo, vốn là nguồn sống chính của cả tập đoàn. CEO Sundar Pichai khi đó phải ra “báo động đỏ” trong nội bộ công ty, dừng hàng loạt hoạt động kinh doanh và phát triển theo lịch trình để tập trung đưa ra giải pháp đối phó.
Tháng 2-2023, Microsoft cho ra mắt Bing tích hợp công nghệ GPT-4, cho phép trả lời câu hỏi kèm theo dẫn nguồn trực tiếp để kiểm chứng câu trả lời. Quảng cáo từ tìm kiếm chiếm chưa tới 5% doanh thu của Microsoft, nhưng chiếm gần 90% doanh thu của Google.
Tích hợp tính năng trả lời câu hỏi vào công cụ tìm kiếm khiến biên lợi nhuận giảm đi nhiều lần, một điều gần như vô hại với Microsoft nhưng là đón chí mạng với Google, khi mà ông lớn này vẫn đang đốt tiền để đầu tư vào Google Cloud – nền tảng điện toán đám mây cạnh tranh trực tiếp với Azure của Microsoft.
Kỹ sư AI cũng lo… thất nghiệp
Cách đây chưa đầy sáu tháng, thị trường việc làm ngành AI vẫn tràn ngập yêu cầu về những kỹ năng tối ưu hóa mạng neuron học sâu, hay cách xây dựng và huấn luyện mô hình học máy để giải quyết các vấn đề cổ điển như phân loại hay xếp hạng.
Công việc của kỹ sư AI bao gồm thu thập hàng ngàn dữ liệu để chắt lọc và tinh chỉnh, xây dựng mô hình, huấn luyện và tối ưu hóa các tham số, rồi mới triển khai trên hệ thống sản xuất. Quá trình này có thể kéo dài hàng tháng trời.
Từ khi ChatGPT ra đời, vấn đề phân loại ngôn ngữ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết: Gõ vào yêu cầu, đưa ra vài ví dụ, rồi yêu cầu ChatGPT đưa ra câu trả lời phân loại. Tất cả hoàn thành trong vòng 10 phút, và một đứa trẻ cũng có thể làm được.
Không chỉ kỹ sư, giới nghiên cứu AI chuyên ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên cũng không tránh khỏi nỗi sợ đang dần lớn về tương lai của chính ngành này. Mô hình ngôn ngữ lớn đằng sau ChatGPT được ước chừng tốn khoảng 5 triệu USD để huấn luyện chỉ riêng chi phí phần cứng.
Trên thế giới chỉ một vài trung tâm nghiên cứu lớn có khả năng tài chính đủ mạnh để đi theo hướng này, còn các phòng lab nhỏ hay trường đại học phải tìm hướng nghiên cứu hẹp và độc đáo hơn mới có thể cạnh tranh.
Trong bối cảnh ChatGPT thể hiện những tính năng đáng kinh ngạc, các hướng nghiên cứu hẹp không tốn kém dần trở nên khô cằn. Nghiên cứu ngôn ngữ tự nhiên theo đó thành sân chơi độc quyền của một vài ông lớn.
Trên cả ngôn ngữ tự nhiên
Giữa tháng 3, cả Microsoft và Google đều ra mắt công cụ AI cho phần mềm Office. Chỉ từ một vài câu lệnh như “Tạo một bài PowerPoint thuyết trình về biến đổi khí hậu theo phong cách dí dỏm phù hợp với trẻ nhỏ”, hay “Phân tích dữ liệu kinh doanh quý 3 theo từng hạng mục”, các công cụ này có khả năng hiểu và biên dịch thành đoạn code tương tác với phần mềm, tạo ra những bản thuyết trình hay biểu đồ Excel tương ứng.
Cũng trong tuần vừa qua, GitHub cho ra mắt Copilot X, công cụ không chỉ có khả năng lập trình hộ mà còn có thể phân tích đoạn code của lập trình viên và đưa ra phương pháp tối ưu hơn.
OpenAI cũng cho ra mắt GPT-4, phiên bản nâng cấp của ChatGPT có khả năng hiểu và nhận diện hình ảnh, thậm chí dịch một bản vẽ phác thảo giao diện website vẽ trên tờ giấy ăn thành một phần mềm tạo lập website tương ứng hoàn chỉnh.
Những sản phẩm này chỉ là khởi đầu của một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên con người dùng ngôn ngữ tự nhiên để giao tiếp với công nghệ. Chỉ vài năm nữa thôi, những đứa trẻ sẽ không chỉ học cách đánh máy, nhấp chuột hay gạt màn hình, chúng sẽ còn học cách nói chuyện với máy để tạo ra những câu chuyện, bài hát, hay đoạn phim thỏa mãn trí tưởng tượng vô biên.
Còn với người lớn chúng ta thì sao? Cũng như Google hay các kỹ sư AI, tất cả sẽ buộc phải thay đổi để tồn tại. Bởi vậy mà kiến thức ta đang có, nếu không thể trở thành hành động, thì chỉ là một thứ đã chết.
Nguồn: tuoitre.vn