Theo lý giải của người dân huyện Yên Dũng (Bắc Giang), sở dĩ gọi là cua Da vì chúng có lớp da trên càng. Chân cua Da dài, 2 càng có lớp lông giống như rêu bám vào…Loài cua Da là sản vật ngon nức tiếng của đất Yên Dũng.
Huyện Yên Dũng (Bắc Giang) có đặc sản nức tiếng khiến ai một lần thưởng thức sẽ nhớ mãi, đó là cua Da.
Cua Da Yên Dũng được chế biến thành nhiều món. |
“Thú thực dù rất hay tiệc tùng, giao lưu ở nhiều nơi nhưng chưa bao giờ mình được ăn loại cua này, ngon tuyệt! Nhất định vài hôm nữa, mình sẽ đưa các bạn thân về đây để thưởng thức”, anh Trần Văn Long, một người bạn thân của tôi quê ở Hà Nội tấm tắc khen sau khi được mấy anh em quê ở Yên Dũng chiêu đãi món cua Da cách đây ít ngày. Tâm sự của anh Long cũng là lời ngợi khen của nhiều thực khách khi thưởng thức đặc sản cua Da.
Theo lý giải của người dân Yên Dũng, sở dĩ gọi là cua Da vì chúng có lớp da trên càng, cũng có người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua Da vẫn được gọi phổ biến hơn cả. Loại cua này sống chủ yếu trong các ghềnh đá dọc sông Thương và một phần sông Cầu chảy qua địa phận các xã: Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Thắng Cương…
Về hình thức, cua Da gần giống cua đồng nhưng kích thước và trọng lượng tối đa lớn gấp 3-4 lần (trung bình 0,8-2 lạng/con). Chân cua dài, hai càng có lớp lông giống như rêu bám vào. Mùa cua Da chỉ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch.
Món cua Da hấp bia được nhiều thực khách ưa thích. |
Anh Trần Đức Chiến, đầu bếp “cừ khôi” của nhà hàng Thương Cúc, thị trấn Neo (Yên Dũng) chia sẻ: So với cua đồng, cua biển, hay ghẹ, thịt cua Da ngọt, đậm hơn; mai mềm, mỏng; khi chế biến vỏ vàng óng trông rất hấp dẫn, bắt mắt; ăn không phải dùng kìm để bẻ mai, càng.
Cua Da có thể chế biến thành nhiều món như hấp bia, rang muối, rang me, nấu canh, làm lẩu riêu… song có lẽ món cua hấp bia cùng xả, gừng, bột canh chấm mù tạt hấp dẫn hơn cả. Nếu như 1 bàn ăn có 6 người chỉ ăn món cua kèm theo một số món phụ, chi phí khoảng 1,5-1,8 triệu đồng. Do là đặc sản hiếm nên đôi khi khách muốn ăn phải đặt trước từ 1-2 ngày.
Để “săn” được cua Da, những cư dân miền sông nước phải lao động vất vả, nhọc nhằn, đặc biệt phải hiểu đặc tính, môi trường sống của chúng.
Anh Trần Văn Luận, quê ở xã Đồng Việt có gần 20 năm làm nghề chài lưới và cũng là “thợ săn” cua Da dày dặn kinh nghiệm cho biết: Trước kia, loại cua này có rất nhiều nhưng vài năm gần đây, do môi trường sống thay đổi cộng với nhu cầu tiêu thụ tăng nên cua ít dần. Chúng thường sống ở đáy sông, muốn bắt cua phải sử dụng lưới bát quái, nước to cua nổi, đi lại nhiều, nước rút cua nằm một chỗ, ít di chuyển nên khó bắt hơn.
Món lẩu riêu cua Da. |
Hằng ngày, vào khoảng 7 giờ tối, anh dùng thuyền đi đặt lưới tận đáy sông, đến khoảng 2-3 giờ sáng hôm sau thì kéo lên, số lượng nhiều nhất cũng chỉ được 3-4kg/ngày. “Nếu nhà hàng muốn lấy nhiều, anh em chúng tôi cùng gom lại mới đủ”, anh Luận nói.
Trung bình, mỗi kg cua Da giao cho nhà hàng có giá từ 300-400 nghìn đồng, tùy loại. Nhiều thương lái ở Bắc Ninh, Hải Dương cũng lặn lội sang mua nhưng số lượng cũng không được nhiều. Hiện dọc sông Cầu và sông Thương có khoảng 20 người chuyên săn cua Da. Các món ăn từ cua Da giờ đây đã xuất hiện trên những bàn tiệc sang trọng ở các nhà hàng, khách sạn.
Về Yên Dũng những ngày này, trong tiết trời cuối thu se lạnh, du khách không những được thỏa sức tham quan, vãn cảnh những danh lam nổi tiếng trên đất Phượng Hoàng mà còn được thưởng thức món cua Da vô cùng hấp dẫn. Đó cũng là lý do tại sao trong lòng du khách đọng lại nhiều ấn tượng mỗi khi về với vùng đất này.
Nguồn: vietnamnet