Ngày 24.3 vừa qua, báo Lao Động từng đăng bài “Con nợ – cưỡng chế ghế, võng Bà mẹ VN Anh hùng” phản ánh nỗi khổ của ông Lê Anh Thảo (sinh 1962, thường trú xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) xung quanh việc ngành thuế đã cưỡng chế, thu giữ tài sản cơ sở gỗ của ông Thảo, do ông nợ thuế, gây bao khó khăn cho gia đình và mẹ ông Thảo – vốn là Bà mẹ VN Anh hùng. 

Tiếp tục tìm hiểu sự việc, PV Lao Động còn được biết: Số phận ông Thảo còn bi đát hơn, khi đáo tụng đình trong một vụ thi hành án (THA) chiếc máy cày ở tỉnh Bình Phước, mà ông Thảo đã mua cách đây hơn 21 năm…

Mua xe máy cày – gánh luôn rủi ro, thưa kiện…

Vào ngày 14.7.1995, ông Lê Anh Thảo (lúc đó sinh sống ở thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Sông Bé – nay là tỉnh Bình Phước) có mua của ông Nguyễn Tấn Phước (thường trú xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM) một chiếc máy cày đã qua sử dụng, với giá bán là 28 triệu đồng. Hai bên lập bản giao kèo.

Theo đó, ông Thảo đưa trước cho ông Phước 12 triệu đồng; còn lại 16 triệu đồng, hẹn đúng ngày 31.7.1995 sẽ trả đủ. Sau khi thanh toán xong tiền, ông Phước có trách nhiệm lo hoàn tất thủ tục giấy tờ xe cho ông Thảo… Tuy nhiên, sau khi mang xe về, phát sinh hư hỏng. Ông Thảo yêu cầu ông Phước sửa chữa, nhưng ông Phước không đến sửa chữa.

Do vậy bắt buộc ông Thảo phải bỏ tiền ra sửa chữa toàn bộ hỏng hóc của chiếc xe. Thấy ông Thảo chậm thanh toán khoản tiền còn lại, ông Phước khởi kiện ông Thảo ra tòa. Theo ông Thảo, do xe hư hỏng, ông Thảo phải sửa xe hết 12,5 triệu đồng. Ông Thảo đề nghị khấu trừ, phần còn lại ông Thảo sẽ hoàn trả ông Phước.

Kỳ án hy hữu ở tỉnh Bình Phước: 21 năm, thi hành án...chiếc máy cày vẫn chưa xong ảnh 1
Ông Thảo cho biết, chiếc máy cày đã bị rã, cắt làm 3 đoạn. Toàn bộ máy móc, linh kiện đã bị lấy cắp, còn trơ lại vài  chiếc lốp xe. Ảnh C.H

Song, bản án sơ thẩm (18.3.1996)  và phúc thẩm (14.8.1996) của TAND huyện Lộc Ninh và tỉnh Sông Bé (lúc bấy giờ) chỉ chấp nhận mức chi phí sửa chữa là 1,85 triệu đồng. Sau khi khấu trừ chi phí sửa chữa xe, ông Thảo có trách nhiệm phải trả ông Phước 14,1 triệu đồng. Do chưa có tiền THA, nên ngày 28.9.1996, Đội THA Lộc Ninh đã kê biên, tạm giữ chiếc máy cày của ông Thảo. Chiếc máy cày đã được Đội THA đưa về trụ sở THA  trong bối cảnh ông Thảo tố là “xe chưa đổ nước, thiếu nhớt”.

Mặt khác, phía gia đình ông Thảo không được giao biên bản THA. Ngày 29.11.1996, ông Thảo nộp đủ tiền trả ông Phước như án đã tuyên. Song, khi đội THA giao trả lại xe, thì ông Thảo phát hiện chiếc xe đã bị hư hỏng, không thể khởi động máy để chạy về nhà…

Ông Thảo khiếu nại đội THA đã gây ra hư hỏng máy cày. Bên cạnh đó, ông Thảo yêu cầu ông Phước sang tên giấy tờ chủ quyền xe. Tuy nhiên, khi ông Phước đến cơ quan công an, thì nơi đây trả lời chiếc xe không thể sang tên trước bạ được, vì không có hồ sơ gốc v.v…

21 năm, THA vẫn chưa xong

Kể từ đây, ông Thảo bắt đầu con đường “đáo tụng đình” xung quanh chuyện THA chiếc máy cày. Giải quyết khiếu nại của ông Thảo, ngày 18.3.1997, Viện KSND huyện Lộc Ninh đã  kết luận: Đội THA Lộc Ninh cưỡng chế tạm giữ và cho người lái máy cày về trụ sở, trong tình trạng xe không có nước, thiếu nhớt, mà không kiểm tra…, nên ông Thảo khiếu nại là “có cơ sở”.

Viện KSND huyện Lộc Ninh yêu cầu Đội THA  “phục hồi toàn bộ những thiệt hại do việc cưỡng chế gây ra, đồng thời làm thủ tục giao trả lại chiếc xe máy cày cho ông Thảo”… Thay vì phải thực hiện đúng chỉ đạo trên, thì trái lại, suốt thời gian dài, Đội THA vẫn không “phục hồi” thiệt hại cho ông Thảo, nên ông Thảo từ chối nhận xe.

Hơn thế, trong lúc ông Phước chưa hoàn tất giấy tờ xe cho ông Thảo, lẽ ra Đội THA phải giữ lại số tiền ông Thảo nộp; đằng này, Đội THA giao hết tiền cho ông Phước. Từ đó, việc buộc ông Phước tiếp tục làm thủ tục trước bạ sang tên cho ông Thảo càng thêm khó khăn, vô vọng, do ông Phước … phủi trách nhiệm.

Kỳ án hy hữu ở tỉnh Bình Phước: 21 năm, thi hành án...chiếc máy cày vẫn chưa xong ảnh 2
Ông Thảo vẫn quyết tâm kiện Đội THA dân sự Lộc Ninh để đòi bồi thường giá trị chiếc xe máy cày, dù thời gian đã … 21 năm- Ảnh C.H

Trao đổi với PV Lao Động vào ngày 12.4, ông Lê Anh Thảo, nói: “Tôi vẫn quyết tâm khiếu nại việc THA chiếc máy cày trên, từ năm 1996 cho đến hôm nay (2017). Thời gian khiếu nại đã tròn 21 năm. Hiện chiếc máy cày vẫn còn nằm trong trụ sở của Đội THA dân sự Lộc Ninh. Tuy nhiên, chiếc xe đã mục nát hoàn toàn. Giờ chỉ là đống sắt vụn. Tệ hơn, dù nằm trong trụ sở của cơ quan thực thi luật pháp, nhưng ai đó vẫn thoải mái… rã xe, cắt thân xe ra làm 3 đoạn và lấy cắp toàn bộ linh kiện, máy móc quan trọng.v.v… Tôi đã tố cáo dấu hiệu tổ chức trộm cắp tài sản lên cơ quan điều tra, nhưng vẫn không thấy ai đoái hoài”.

Trả lời xung quanh việc THA chiếc máy cày hy hữu này, ông Nguyễn Văn Triệu – Trưởng THA dân sự tỉnh Bình Phước – thừa nhận: “ Qua xác minh thực tế cho thấy xe máy cày đã bị mục nát hư hỏng hoàn toàn là đúng sự thật… Việc ông Thảo tố cáo ông Phạm Duy Thiện (trưởng THA dân sự huyện Lộc Ninh) cưỡng chế xe máy cày của ông Lê Anh Thảo đem về trụ sở không bảo quản, làm mất mát, hư hỏng là có vi phạm pháp luật, nên phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, ông Triệu cho rằng,  “giá trị chiếc xe tại thời điểm kê biên (năm 1996) chỉ… 12,5 triệu đồng. Do đó, ông Thảo nên liên hệ Đội THA dân sự Lộc Ninh để thỏa thuận bồi thường”. Trong lúc đó, ông Thảo cho rằng, “giá trị bồi thường tài sản phải được tính theo giá trị thực tế tại thời điểm ra quyết định bồi thường”. Việc bồi thường chiếc xe máy cày, căn cứ thời giá cách đây… 21 năm là không thể chấp nhận.

Theo nguoilaodong.com.vn

Từ khóa : 21 nămBÌNH PHƯỚCchiếc máy càyđội thi hành án dânLê Anh Thảolộc ninhTHA

Các tin liên quan đến bài viết