Nhà tang lễ tỉnh Kon Tum được xây dựng hoành tráng trên chục tỉ đồng từ tiền ngân sách. Tuy nhiên từ ngày được đưa vào hoạt động cho đến nay vẫn chưa có ai đăng ký tổ chức tang lễ. Mỗi năm, công trình này lãng phí gần hai trăm triệu đồng để được duy tu, bảo dưỡng…
Công trình nhiều tỷ xây dựng chỉ để bảo dưỡng
Một công trình quy mô có tổng kinh phí quyết toán là 12.372.996.000( Mười hai tỉ, ba trăm bảy hai triệu, chín trăm chín sáu nghìn đồng) xây dựng bằng tiền ngân sách nhà nước đang nằm trơ giữa trời đã 4 năm qua không sử dụng.
Theo đó, công trình Nhà tang lễ tỉnh Kon Tum được khởi công và đưa vào hoạt động từ năm 2015 với tổng giá trị quyết toán là hơn 12 tỉ đồng nhằm phục vụ cho nhu cầu của cộng đồng.
Các hạng mục như nhà làm lễ, phòng chờ cũng như kết cấu được xây dựng khá hoành tráng. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay, công trình vẫn chỉ “án binh bất động” trong tâm thế sẵn sàng để được tổ chức lễ đưa tiễn người quá cố.
Bà Nguyễn Thị T- một người dân có rẫy gần khu vực nhà tang lễ cho biết: “Hàng ngày tôi và chồng thường đi làm vườn qua đây nên đã 4 năm qua khi xây dựng xong tôi chỉ thấy cổng mở suốt ngày, thi thoảng có mấy người vào đây quét dọn, trồng cây còn chưa bao giờ thấy có đám tang nào tổ chức ở đây. Họ làm nhà này ở đây thật là lãng phí”.
Ngày 19/7 chúng tôi vào ghi nhận thực tế thì chỉ thấy 3 công nhân Công ty Công trình Đô thị, đơn vị được thuê để chăm sóc, bảo dưỡng khu nhà này.
Chia sẻ với chúng tôi, một công nhân cho biết: “Hàng tuần chúng tôi được công ty cử vào cắt cỏ, quét dọn và trông coi khu nhà, còn từ khi khánh thành và công ty nhận bàn giao đến nay chưa phục vụ một tang lễ nào. Lãng phí hay không đó là chủ trương của trên chúng tôi không được bàn tới”.
Xây dựng nhà tang lễ vào lúc này là lãng phí ?
Để tìm hiểu rõ về vấn đề này, chúng tôi có làm việc với Công ty môi trường đô thị nơi được giao xây dựng và được Thành phố Kon Tum thuê quản lý, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Sáng – Phó Giám đốc Công ty Môi trường đô thị yêu cầu “phải có giấy giới thiệu của UBND Thành phố thì mới cung cấp thông tin”.
Sau khi có sự giới thiệu của UBND thành phố Kon Tum, chiều ngày 1/8 chúng tôi làm việc với ông Phạm Văn Khánh – Trưởng phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum, ông Khánh cho biết: “Về các vấn đề xoay quanh nhà tang lễ, trước đó, UBND tỉnh Kon Tum giao trực tiếp cho Công ty Môi trường đô thị xây dựng, chịu trách nhiệm quyết toán công trình.
Sau khi xây xong, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Kon Tum tại công văn số 2275/UBND-KTTH ngày 29/9/2015, Công ty Môi trường đô thị bàn giao công trình Nhà tang lễ cho UBND thành phố quản lý kể từ ngày 30/10/2015.
Từ năm 2016 đến nay, UBND thành phố đặt hàng cho công ty môi trường đô thị để thực hiện quản lý, bảo vệ nhà tang lễ. Kinh phí quản lý, duy trì vệ sinh, cây xanh và bảo vệ trung bình khoảng 190 triệu đồng / năm”.
Trước câu hỏi của PV, vậy nhà xây 4 năm kinh phí nhiều tỉ đồng mà giờ bỏ không, các anh và các cấp chính quyền có thấy lãng phí không?
Ông Khánh cho biết: “Nhà tang lễ được UBND tỉnh đầu tư với mục tiêu phục vụ việc tổ chức tang lễ cho nhân dân khi có nhu cầu. Mục đích là bảo đảm vệ sinh môi trường, văn minh đô thị.
Nhưng hiện nay do đời sống tâm linh của người dân trên địa bàn tỉnh nên dân tổ chức tang lễ tại nhà. Việc người dân có tổ chức tang lễ tại nhà tang lễ này hay không thì không biết trước được. Việc tỉnh đầu tư nhà tang lễ là cần thiết với sự phát triển đô thị văn minh”.
Kon Tum vẫn còn là một tỉnh nghèo, tại các huyện xã, vùng sâu vùng xa, nhân dân vẫn còn rất thiếu thốn, đời sống khó khăn.
Đến các huyện xa, nhà ở của dân vẫn còn hình ảnh của nhà dựng tạm, thậm chí cây cầu bắc qua sông là phương tiện duy nhất để người dân sinh hoạt cũng còn rất thô sơ, chỉ một người đi qua được.
Vỗn dĩ, mục đích nhà tang lễ tỉnh được đầu tư là để “phục vụ cho các hoạt động tang lễ của tỉnh, đáp ứng nhu cầu lễ tang của người dân khi có nhu cầu”.
Tuy nhiên, hiện nay do yếu tố tâm linh nơi đây, hầu hết người dân đều tổ chức tang lễ ở nhà rồi đưa thẳng ra nghĩa trang. Vì vậy, việc tổ chức buổi lễ cho người quá cố tại nhà tang lễ rất hiếm, nhu cầu chưa cần tới.
Như vậy,công trình được đầu tư chưa đúng trọng điểm, xây dựng xong lại để không, không ai sử dụng mỗi năm lại mất gần 200 triệu tiền bảo dưỡng, vừa mất của lại vừa mất công là biểu hiện của sự lãng phí.
Công trình nhà tang lễ của tỉnh Kon Tum như thách thức dư luận về sự lãng phí, những cán bộ phụ trách việc tham mưu, lãnh đạo duyệt không biết có tính đến việc “ án binh bất động” này không.
Nhìn qua tỉnh bạn Gia Lai xây nhà tang lễ trước Kon Tum cả chục năm trời nhưng cũng rất ít đám tang được tổ chức tại đây.
Vậy lãnh đạo tỉnh Kon Tum có biết? Trách nhiệm về sự lãng phí ai là người đứng ra nhận? người dân đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng liên quan của tỉnh Kon Tum.
Theo Phapluatplus.vn