Với đức tính cần cù, mạnh dạn và quyết đoán của tuổi trẻ, anh Võ Minh Châu (1988), ấp Suối Da, xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã và đang đi đầu trong phong trào khởi nghiệp ở địa bàn xã bằng mô hình nuôi thỏ cho hiệu quả kinh tế cao.

Tốt nghiệp Khoa Công nghệ thông tin, Đại học Bình Dương năm 2010, anh Võ Minh Châu được nhận vào làm tại một công ty ở Bình Dương đúng với chuyên ngành đào tạo. Năm 2013, anh tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Rèn luyện trong môi trường quân đội đến năm 2015, anh xuất ngũ về quê, quyết tâm lập nghiệp từ chăn nuôi khép kín. Sau thời gian tham khảo thị trường, anh bắt đầu làm chuồng trại và tìm mua giống thỏ về nuôi. Dù mới bắt đầu nuôi nhưng nhờ nắm bắt cơ bản kỹ thuật nên đàn thỏ phát triển khá tốt. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm từ phương pháp chăm sóc, xây chuồng, tìm kiếm nguồn thức ăn, kiểm tra sức khỏe, trị bệnh…, anh đều đảm đương và dần thuần thục. Sở dĩ anh chọn nuôi thỏ để gây dựng kinh tế bởi theo anh thị trường vật nuôi này khá ổn định, thỏ lại dễ chăm sóc, có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, như: rau, cỏ, lá cây…, trong khi thời gian sinh trưởng ngắn (thỏ thịt từ khi sinh đến xuất chuồng chỉ từ 3-3,5 tháng) và khả năng thu hồi vốn nhanh.

Thanh niên Võ Minh Châu ở ấp Suối Da, xã Tân Hưng (Đồng Phú) phát triển kinh tế từ nuôi thỏ

Thỏ là loài ăn tạp, tuy nhiên thức ăn phải tránh bị ẩm ướt, mốc. Một ngày anh cho thỏ ăn 3 bữa, với lượng thức ăn 70% cỏ và 30% cám để tăng cường chất dinh dưỡng. Anh sử dụng 4 sào đất trồng cỏ voi, rau lang, rau muống… để chủ động nguồn thức ăn xanh cho thỏ. Thỏ rất nhạy cảm nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng. Bệnh thường gặp ở thỏ là cầu trùng, tuy nhiên trị rất dễ. Để phòng bệnh, anh còn tiêm vắc-xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi tiêm 1 lần đến khi xuất bán. Trên diện tích nuôi thỏ, anh thiết kế các ô chuồng nuôi đặt cách mặt đất 50cm và có lắp hệ thống máng uống nước tự động. Anh đặc biệt lưu ý vệ sinh chuồng trại và thức ăn sạch, bởi đây là 2 yếu tố quan trọng giúp thỏ tránh được nhiều bệnh như: nấm, ghẻ, tiêu chảy, đầy hơi… “Trong quá trình nuôi, nhờ nắm bắt được cơ chế, bệnh, chu kỳ sinh sản của thỏ nên tôi đã kiểm soát được 90% dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt ngày càng thấp. Nuôi thỏ dễ mà khó, yêu cầu cao về kỹ thuật nuôi và khâu chọn giống. Chuồng trại phải thoáng mát, sạch sẽ, khử trùng kịp thời, thức ăn bảo đảm…” – anh Châu chia sẻ.

Với tốc độ sinh sản nhanh, đều, mỗi thỏ mẹ có thể sinh sản từ 6-7 lứa/năm, mỗi lứa từ 6-8 con, trung bình mỗi tuần anh xuất bán 70-80kg thỏ thịt với giá từ 70-90 ngàn đồng/kg và 10-20kg thỏ giống có giá từ 130-140 ngàn đồng/kg. Hằng ngày, anh kiểm tra chuồng trại, sức khỏe của thỏ, nếu một con bị bệnh mà không kịp xử lý sẽ ảnh hưởng đến cả đàn. Do đó, phải tách đàn, chăm sóc riêng khi phát hiện thỏ kém ăn, có biểu hiện mệt mỏi. Anh ghi chép vào sổ theo dõi hằng ngày cho từng con như ngày phối giống, ngày đẻ, số con trên lứa, từ đó tính toán con nào đẻ kém để loại thải kịp thời.

Trong quá trình nuôi, anh tận dụng nguồn chất thải của thỏ để bón cây trồng. Anh xử lý khu vực nuôi bằng đệm lót sinh học, rải mùn cưa, trấu trộn với men vi sinh để khử mùi. Với cách xử lý này, anh trồng thêm 2 sào ớt hiểm để tận dụng nguồn phân bón sẵn có. Ớt hiểm dễ chăm sóc, ít bệnh, chỉ tưới nước đầy đủ, bón thêm phân chuồng có sẵn, mỗi ngày trung bình anh bán 4kg với giá 70 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm 10 con dê, gần 300 con gà, vịt. Với cách làm chăn nuôi khép kín này đã đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm cho gia đình anh.

Bí thư Đoàn xã Tân Hưng Thiều Thị Thảo cho biết: “Thanh niên Võ Minh Châu năng động, dám nghĩ, dám làm, không những làm giàu cho bản thân mà còn giúp người dân trong ấp, xã tìm hướng phát triển kinh tế mới. Thời gian tới, Đoàn xã sẽ phối hợp chính quyền quan tâm khuyến khích, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân địa phương, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên”.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24htin 24hTin tức Bình Phước

Các tin liên quan đến bài viết