Trong Nghị quyết Trung ương 5 “Về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, ngoài mệnh đề trên, không có sự giải thích nào khác để làm sáng tỏ thêm.

Người đọc không khỏi liên tưởng đến mệnh đề đã trở nên quen thuộc suốt mấy chục năm qua được ghi trong Cương lĩnh Đảng “Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH)” tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII năm 1991: “Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể là nền tảng của nền kinh tế quốc dân”. Mệnh đề đó được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (có sửa đổi, bổ sung) năm 2013.

So sánh giữa hai mệnh đề thì thấy mệnh đề trong Nghị quyết Trung ương 5 có sự thay đổi lớn về tư duy lý luận và đường lối. Cái mới ở đây là KTTN được nâng lên đóng vai trò nòng cốt của nền kinh tế, bên cạnh kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể.

Theo suy nghĩ của chúng tôi, sự thay đổi đó là cần thiết, đúng đắn và phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Thực ra, trong những năm gần đây, vai trò KTTN trong nền kinh tế được đánh giá ngày càng rõ. Đảng đã có nghị quyết riêng về KTTN. Đã có chủ trương xây dựng tập đoàn KTTN. Đã nói đến KTTN là một động lực của nền kinh tế.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

Đến Văn kiện Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII (tháng 6-2017), vai trò của KTTN được đánh giá đầy đủ hơn và chính xác.

Ở nước ta, không chỉ vấn đề KTTN mà còn một số vấn đề khác, trước đây, chúng ta thường lấy ý chí chủ quan thay cho thực tế khách quan để đưa ra lời giải.

Đối với KTTN ở nước ta hiện nay, lời giải phải xuất phát từ thực tế khách quan là nước ta đang ở trong thời kỳ quá độ lên CNXH.

Là thời kỳ quá độ thì như các nhà sáng lập Chủ nghĩa Mác – Lê-nin luận giải: Vừa có CNXH vừa chưa có CNXH, cùng tồn tại CNXH và chủ nghĩa tư bản, thậm chí cả tiền tư bản chủ nghĩa.

Sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, V.I.Lê-nin đưa ra khái niệm “hai nửa của CNXH”. Một nửa của CNXH là chính quyền Xô-viết được thiết lập ở nước Nga sau khi lật đổ chế độ Nga hoàng. Nửa thứ hai là cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại nằm ở các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây.

Cho nên CNXH có ở nước Nga lúc đó, theo V.I.Lê-nin, mới có trên danh nghĩa.

Để có nửa thứ hai này, đòi hỏi phải có một thời kỳ quá độ. Đó là “thời kỳ đau đẻ kéo dài” thai nghén chế độ mới.

Không có phép màu nào giúp ta nhảy vọt lên trước, bỏ qua tiến trình phát triển tự nhiên mà nhân loại phải trải qua.

Huống hồ nước ta không chỉ lạc hậu về kinh tế, mà còn phải trải qua mấy cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc kéo dài hao người tốn của, không tập trung được nguồn lực để phát triển kinh tế. Khẩu hiệu lúc đó là “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để chiến thắng”.

Thời chiến tranh nay đã lùi xa. Ngày nay “nhiệm vụ chính trị lớn nhất của chúng ta là xây dựng nước nhà về kinh tế”, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Có một thời gian, một số người quá nóng vội vì tình trạng lạc hậu của nền kinh tế, đưa ra giải pháp quan hệ sản xuất (QHSX) đi trước “mở đường” thúc đẩy lực lượng sản xuất (LLSX) phát triển. Giải pháp đó dựa trên lý luận triết học về mối quan hệ biện chứng giữa LLSX và QHSX, về sự tác động ngược của QHSX đối với LLSX. Nếu vận dụng đúng thì rất tốt. Nhưng trên thực tế, một lần nữa, tư duy chủ quan, duy ý chí lại bộc lộ ở đây. Người ta đồng loạt đưa QHSX từ hình thức thấp lên hình thức cao cả về quy mô và tính chất, bỏ xa trình độ của LLSX. Rõ nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả là phá vỡ quy luật về sự phù hợp giữa QHSX và LLSX, kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Quá trình “thai nghén” “nửa thứ hai” của CNXH ở nước ta phải chăng là quá trình:

Một mặt, phải phát huy nội lực, tận dụng mọi sức sản xuất hiện có và phát triển lên của kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân, kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước và các hình thức liên kết, liên doanh giữa chúng, nhất là hình thức công-tư kết hợp, cổ phần.

Mặt khác, phải tận dụng tối đa thời đại toàn cầu hóa về kinh tế, tranh thủ đầu tư trực tiếp của nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Các thể chế kinh tế và cơ chế kinh tế phải được đổi mới tích cực và mạnh mẽ để phù hợp với định hướng cơ bản trên.

Một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay mà Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 5 đề cập là KTTN.

Phần trên, về lý luận đã ít nhiều nói đến sự cần thiết phát triển KTTN.

Trên thực tế ở nước ta hiện nay, KTTN đang chiếm tỷ trọng lớn về một số chỉ tiêu của nền kinh tế.

Về GDP, tỷ trọng của KTTN chiếm khoảng 39-40% nền kinh tế, kinh tế nhà nước khoảng 30%, kinh tế tập thể 5%.

Tương quan giữa các thành phần kinh tế về tỷ trọng GDP nhiều năm nay ít thay đổi. Khả năng trong tương lai, KTTN sẽ phát triển cao hơn hiện nay.

Về việc làm, theo thống kê hằng năm khu vực tư nhân tạo ra khoảng 85% việc làm trong nền kinh tế. Trong khu vực nhà nước, việc làm hầu như không tăng. Còn khu vực tập thể tăng không đáng kể.

Với chủ trương xã hội hóa đầu tư và chủ trương doanh nghiệp Nhà nước thoái vốn khỏi những nơi không phải là ngành chính, dư địa cho đầu tư của KTTN mở ra rộng lớn.

Từ Bắc vào Nam, các tập đoàn và doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực như kết cấu hạ tầng giao thông, các phương tiện vận tải hàng không, đường bộ, đường thủy; xây dựng; sản xuất cơ khí; khu vui chơi giải trí,v.v… Họ cũng đang từng bước vươn ra nước ngoài, một số trong họ đã có thương hiệu.

Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017 đã có hơn 60.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh mới ra đời, chủ yếu là tư nhân, đã tạo ra nguồn lực đầu tư mới, góp phần tăng trưởng GDP, tạo thêm công ăn việc làm.

Chúng ta đã nói và thực hiện quan hệ công-tư từ lâu. Trước thời kỳ đổi mới đã tiến hành công-tư hợp doanh. Nhưng thực ra lúc đó là quan hệ áp đặt, không bình đẳng, nặng công nhẹ tư. Vì vậy, nó mang tính hình thức, ít có hiệu quả thực tế. Muốn phát triển tiềm năng của KTTN trong quan hệ công-tư, thì cần đề cao tính minh bạch, bình đẳng, thỏa thuận lợi ích đôi bên.

Với Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII về KTTN, dư luận xã hội nói chung phấn khởi đón nhận, tin tưởng thành công. Trong nghị quyết này, từ quan điểm đến nhiệm vụ và giải pháp đặt ra toàn diện, bài bản và đúng tầm, với tinh thần nói đi đôi với làm.

Hiện nay trong xã hội, vấn đề kỳ thị KTTN tuy chưa hết hoàn toàn nhưng đã giảm bớt rất nhiều. Bên cạnh một số lo ngại, dư luận đánh giá mặt tích cực của KTTN nhiều hơn. Nhân dân vui mừng vì có những tập đoàn KTTN thành đạt ở trong nước và khu vực, được ghi danh trên bảng xếp hạng qua từng năm.

Về lâu dài, khi KTTN phát triển thành một lực lượng mạnh, trong hàng ngũ của họ xuất hiện tầng lớp tư bản tư nhân có tầm vóc. Đảng và Nhà nước ta hướng họ đi theo con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước – nấc thang trung gian giữa chủ nghĩa tư bản và CNXH. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể với KTTN. Điều đó bảo đảm cho KTTN phát triển đúng hướng và cùng với hai thành phần kinh tế trên giữ vai trò nòng cốt của nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Quyết không vì khó khăn trong quản lý mà dùng biện pháp hành chính cản trở KTTN phát triển.

Trước đây, chúng ta đã cổ vũ kinh tế nhiều thành phần. Đã cổ vũ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Nhưng sau đó lại bùng lên câu chuyện sản xuất hàng hóa nhỏ hằng ngày, hằng giờ “đẻ ra” chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, KTTN không được khuyến khích phát triển. Một cao trào kinh tế tập thể được phát động trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại…

Ngày nay, Đảng và Nhà nước, với Nghị quyết Trung ương 5, khóa XII, tạo điều kiện để KTTN phát triển, trong đó có cả tập đoàn KTTN, phát triển đến mức trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, không chỉ hiện nay mà cả thời gian lâu dài. Điều đó bắt nguồn từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Tất nhiên, chỗ nào và khi nào, sự phát triển đó trái với lợi ích đại cục thì phải “thổi còi” chấn chỉnh.

Phát triển KTTN và tập đoàn KTTN phải chăng là đặc thù của việc xây dựng CNXH trong điều kiện một nước kinh tế lạc hậu, chưa trải qua chủ nghĩa tư bản?

Trong điều kiện đó, sự phát triển của KTTN không phải là quá trình tự phát. Buông lỏng lãnh đạo quá trình này thì hệ lụy là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Dưới CNXH, nó phải là quá trình tự giác dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN. KTTN được sản xuất kinh doanh ở những ngành nghề, lĩnh vực nào mà pháp luật không cấm. Mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp với người lao động, xã hội và Nhà nước cũng có khác với chủ nghĩa tư bản.

Dù KTTN có phát triển tới đâu, vai trò chủ đạo trong nền kinh tế vẫn thuộc về kinh tế nhà nước (dĩ nhiên đây là một quá trình tiến dần từ thấp đến cao).

Một mặt, chúng ta tạo điều kiện thuận lợi cho KTTN hoạt động, tôn vinh xứng đáng những đóng góp của họ cho xã hội và đất nước. Mặt khác, tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt để hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, lợi ích nhóm về kinh tế và chính trị, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Là một thành phần nòng cốt của kinh tế quốc dân, KTTN phải không ngừng được củng cố về mọi mặt. Trong đó, đáng chú ý hiện nay là quy mô nhỏ và phân tán, phần lớn là hộ gia đình; trình độ công nghệ thấp, vốn ít; sức cạnh tranh yếu; ý thức tôn trọng pháp luật trong sản xuất kinh doanh còn nhiều vi phạm… Đồng thời, quan tâm công tác xây dựng Đảng. Người lao động và chủ doanh nghiệp tiêu biểu phải được giới thiệu đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Là quá trình tự giác đối với sự phát sinh, phát triển của KTTN và tư bản tư nhân, Đảng và Nhà nước ta phải làm chủ quá trình này. Mục tiêu hướng tới là xây dựng thành phần KTTN thành một bộ phận quan trọng của kinh tế dân tộc và tư bản tư nhân là tư bản dân tộc. Đó là nhà tư bản coi trọng lợi ích quốc gia và dân tộc, vì sự phồn vinh của đất nước, bên cạnh lợi ích của bản thân và gia đình.

Phát triển thành phần KTTN đáp ứng vị thế mới trong nền kinh tế là nhiệm vụ chính trị phức tạp và khó khăn. Toàn bộ hệ thống chính trị cần có kế hoạch sớm thực hiện nhiệm vụ đó ngay từ bây giờ.

Theo Báo Quân đội nhân dân online

Từ khóa : kinh tế tự chủVăn kiện Trung ương Đảng lần thứ 5

Các tin liên quan đến bài viết