Anh Minh An (28 tuổi, quê Quảng Ngãi), đang làm việc tại TP.HCM, đăng câu hỏi có nội dung Tết về quê bằng gì trong cộng đồng về đi lại trên mạng xã hội, bất ngờ nhận rất nhiều lượt tương tác và chia sẻ.
Hành khách đi chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM -Quảng Nam xuống máy bay tại sân bay Chu Lai
Khó khăn nên “thôi” máy bay?
Theo anh Minh An, năm nay kinh tế khó khăn nhưng giá vé máy bay neo ở mức khá cao khiến việc để dành tiền về quê là mối bận tâm lớn của anh. Mua vé dịp Tết chặng khứ hồi cho gia đình bốn người (TP.HCM – Chu Lai, tỉnh Quảng Nam) hơn 16 triệu đồng, trong khi hằng năm anh mua khoảng 12 – 14 triệu đồng.
Chưa tính các chi phí di chuyển từ sân bay đến quê và tiền mua sắm Tết, theo tính toán đã tăng lên khá nhiều. Do đó, anh Minh An đang băn khoăn sẽ lựa chọn phương tiện di chuyển khác bằng đường sắt hoặc xe khách để tiết kiệm chi phí hơn.
Trước tình hình kinh tế biến động dịp cuối năm, nhiều lao động bị mất việc hoặc giảm lương nên việc về quê ăn Tết càng có nhiều trăn trở, tính toán khi theo thông lệ, một số chuyến bay về các tỉnh miền Trung, miền Bắc giá kịch trần trong những ngày cao điểm.
Chẳng hạn, chặng bay TP.HCM – Thanh Hóa ngày thường 2 – 2,7 triệu đồng/chặng khứ hồi thì Tết đã lên 6-7 triệu đồng.
“Năm nay công ty tôi và vợ bị giảm đơn hàng, lương chỉ còn một nửa. Giờ mua vé máy bay cho ba người về chắc không còn đồng nào” – ông Nguyễn Cũng, công nhân công ty phân bón tại Bình Dương, chia sẻ.
Khảo sát vé máy bay giai đoạn từ ngày 6-2 đến 15-2-2024 (tức từ 27 tháng chạp đến mùng 6 tháng giêng), giá chặng bay trục TP.HCM – Hà Nội rẻ nhất của Vietjet là 6,2 triệu đồng/vé khứ hồi; Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines đang bán với giá 7 triệu đồng/vé khứ hồi.
Giá vé có xu hướng giảm vào những ngày càng cận Tết, tuy nhiên vẫn ở mức rất cao. Thực tế, dù hãng mở bán sớm trước đến năm tháng, mức giá này không khác gì mua gần ngày bay.
Đối với chặng TP.HCM đi Vinh, giá vé rẻ nhất vẫn là của Vietjet Air (gần 7 triệu đồng/vé khứ hồi), tiếp đến là của Vietnam Airlines với xấp xỉ 7,1 triệu đồng và Bamboo Airways là 7,2 triệu đồng. Hành trình TP.HCM đi Thanh Hóa, Hải Phòng hiện cũng có mức giá tương đương. Mức giá này cao gấp hơn ba lần so với giá hiện tại.
Có bị thiếu máy bay?
Cứ đến Tết, hàng không lại căng thẳng chuyện có tăng tần suất bay, chậm trễ chuyến, giá vé cao… khiến nhiều người mỏi mệt. Thế nhưng, Tết 2024 loại hình vận tải như đường sắt, xe khách, thậm chí thị trường thuê xe tự lái, bất ngờ sôi động.
Nhiều doanh nghiệp vận tải dự báo sẽ “ngon ăn” hơn khi lượng khách hàng không sẽ chuyển sang di chuyển các loại hình khác nhiều hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một hãng bay cho biết năm nay sẽ có nhiều điểm mới trong phục vụ Tết của hàng không.
Một số hãng bay đang dần thu hẹp quy mô, giảm số lượng máy bay rất mạnh. Khi nguồn cung sụt giảm nhưng cầu tăng đột biến khiến việc phục vụ đi lại của khách trong dịp Tết sẽ có nhiều thách thức.
Vị này phân tích: thị trường hàng không có sáu hãng bay, trong đó Vietnam Airlines và Vietjet chiếm thị phần lớn, tần suất bay nhiều hơn; số hãng còn lại như Pacific Airlines, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Vasco khai thác ít hơn.
Vài năm trở lại đây, Bamboo Airways tham gia thị trường với 30 máy bay, cùng cạnh tranh khai thác với Vietnam Airlines, Vietjet tạo ra bức tranh phục vụ Tết sôi động, khách có nhiều sự lựa chọn.
Tuy nhiên, năm nay Bamboo Airways giảm mạnh máy bay, tính tới ngày 29-10 chỉ còn 15 máy bay, tương tự Pacific Airlines có 8, Vietravel Airlines chỉ còn 3…
“Thiếu hụt máy bay nên nguồn cung sẽ khá căng thẳng. Chưa kể các chặng bay ngắn như TP.HCM – Nha Trang, Phan Thiết hoặc Đà Nẵng đang mất dần lợi thế khi cao tốc rút ngắn thời gian di chuyển, khách sẽ có nhiều lựa chọn hơn là đi máy bay”, vị này thẳng thắn nhìn nhận.
Dù vậy, các hãng bay vẫn có lợi thế ở đường bay rất đông khách trong dịp Tết như TP.HCM – Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa, Vinh, Huế…
Giá vé thường 6-8 triệu đồng chặng khứ hồi ở các chặng bay trên nhưng khách vẫn sẵn sàng mua vì đi nhanh, tiết kiệm thời gian hơn đi xe khách, tàu lửa…
Trong khi các hãng chật vật để duy trì đội tàu, Vietjet tiếp tục nhận thêm máy bay và đạt quy mô 101 chiếc hoạt động.
Nói với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Vietjet cho rằng không quá lo về nguồn cung trong dịp lễ, hiện hãng vẫn thừa năng lực vận chuyển khách trong dịp Tết, thậm chí có lượng khách từ hãng khác dồn qua vẫn đảm bảo khả năng đảm nhận.
Các loại hình vận tải bớt lệch pha
Theo một chuyên gia hàng không, Tết là mùa làm ăn, đặc thù của hàng không bay lệch đầu nên giá vé cao là chuyện không mới.
Tuy nhiên dải vé rẻ ít, giá vé chạm trần, tức là hãng mở bán giá cao nhất có thể trong khung quy định để tăng doanh thu trong mùa Tết. Trong khi túi tiền của người dân eo hẹp do kinh tế khó khăn, khi giá vé ở mức cao, phần lớn khách sẽ lựa chọn phương tiện khác.
“Nếu có sự dịch chuyển khách sang phương tiện khác, không quá tập trung vào hàng không cũng là điều tốt. Giá vé máy bay kéo về gần giá đi tàu, đi xe sẽ tạo ra sự lệch pha, phát triển không đồng bộ ở loại hình vận tải. Nơi quá tải, nơi vắng vẻ.
Theo tôi, nên có các mức phí khác nhau phù hợp với túi tiền từng khách hàng để doanh nghiệp có thể tồn tại được”, chuyên gia này nói và dự báo sẽ có sự xê dịch lượng khách giữa các loại hình vận tải trong dịp Tết này.
Nguồn: tuoitre.vn