Cần tăng tốc phát triển nhưng cũng vẫn phải đảm bảo tính bền vững, châu Á đang đối mặt áp lực kép trong bối cảnh ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong bức tranh kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN+3 tại cuộc họp ở Incheon, Hàn Quốc ngày 2-5
Ngày 2-5 Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) khai mạc Hội nghị thường niên lần thứ 56 tại quận Songdo ở thành phố Incheon (Hàn Quốc). Khoảng 70 phiên thảo luận sẽ diễn ra từ ngày 2 tới 5-5 với số lượng đại biểu tham gia kỷ lục, gần 5.000 người từ các nước thành viên.
Động lực mới từ Đông Bắc Á
COVID-19 đã phá hủy mọi thứ nhưng cũng đặt ra cảnh báo cho những thay đổi cần thiết. Chủ đề của cuộc họp ADB năm nay vì vậy nhấn mạnh các nỗ lực tái sinh và cải cách: “Châu Á tái sinh: Hồi phục, Tái kết nối và Cải cách”.
Năm nay, ba nền kinh tế lớn Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có màn tái ngộ đáng chú ý. Ngày 2-5, lãnh đạo tài chính của ba nước đã có cuộc họp đầu tiên sau bảy năm bên lề sự kiện của ADB. Các bên cũng nhất trí quay lại các đối thoại thường xuyên.
Ưu tiên của các nhà làm chính sách châu Á trong tuần lễ Incheon là thảo luận về thách thức và phương án chống những cú sốc kinh tế trong tương lai. Tuyên bố chung ngày 2-5 của lãnh đạo tài chính ba nước Đông Bắc Á cảnh báo rủi ro cho kinh tế khu vực, kêu gọi cảnh giác trước bất ổn gần đây trong ngành ngân hàng ở Mỹ và châu Âu.
Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung Ho, Hàn Quốc và Nhật Bản cần tăng cường hợp tác cả trong khu vực tư nhân lẫn chính phủ, với ưu tiên là các ngành công nghệ cao như pin và bán dẫn. Căng thẳng nhiều mặt giữa Mỹ và Trung Quốc gần đây đã khiến Washington có những chính sách bị cho là đang gây áp lực buộc công ty nước ngoài rút bớt sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến công ty của Hàn và Nhật.
Đây cũng là bài toán khó cho châu Á khi Trung Quốc đóng vai trò quan trọng, là một trong những động lực phục hồi kinh tế trong khu vực. Việc Trung Quốc mở cửa và áp lực lạm phát thuyên giảm khiến châu Á trở thành động lực tăng trưởng toàn cầu, và có thể tăng tỉ trọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu lên hơn 50% tính tới 2023, theo ADB.
Đông Nam Á cần đầu tư sáng tạo
Tại cuộc họp giữa bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba đối tác Nhật – Trung – Hàn (ASEAN+3) ngày 2-5, các bên đã công bố báo cáo “Tăng cường cách tài trợ cho cơ sở hạ tầng bền vững và thích ứng trong ASEAN+3”.
Theo báo cáo này, châu Á sẽ cần 13,8 ngàn tỉ USD, tương đương 1,7 ngàn tỉ USD mỗi năm từ 2023 tới 2030 để duy trì tăng trưởng, giảm nghèo và ứng phó biến đổi khí hậu. Với riêng ASEAN, khu vực cần đầu tư ít nhất 2,8 ngàn tỉ USD cho hạ tầng, tương đương nhu cầu 184 tỉ USD/năm trong cùng giai đoạn trên. Các nước như Philippines, Myanmar và Thái Lan nằm trong nhóm 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất từ thiên tai và nguy cơ liên quan tới khí hậu.
Đông Nam Á là điểm nóng trong các thảo luận của giới quan sát tại sự kiện thường niên của ADB. ASEAN đã cho thấy khả năng chống chịu đáng kể, dẫn đầu sự phục hồi kinh tế khi trở thành một trong những khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2022. ADB dự báo GDP của ASEAN sẽ tăng 4,7% trong năm 2023, và 5% trong năm 2024.
Tuy nhiên chính phủ các nước ASEAN+3 đều nhìn nhận sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, và việc tài trợ theo cách cũ đang ngày càng gặp nhiều thách thức. Các nhà hoạch định chính sách cho rằng thách thức hiện nay không phải xây dựng cơ sở hạ tầng nhanh chóng, mà là hạ tầng lâu dài và bền vững.
Ngoài ra câu chuyện hạ tầng ở châu Á và Đông Nam Á còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn, nền kinh tế cần được đầu tư theo hướng bắt kịp xu thế chuyển đổi năng lượng sạch, các tiêu chuẩn mới về phát thải, đa dạng chuỗi cung ứng…
Điều này đòi hỏi sự cải cách trong đầu tư và các giải pháp tài trợ. Hôm 2-5, ADB công bố sáng kiến Quỹ Tài chính đổi mới cho khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương (IF-CAP). Theo chương trình này, ADB đang thảo luận với các đối tác như Đan Mạch, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Mỹ.
Họ sẽ đảm bảo một số khoản vay của ADB, chia sẻ các khoản lỗ trong trường hợp các bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Rủi ro được giảm đi nhờ vào các khoản bảo lãnh sẽ cho phép ADB giải phóng vốn để đẩy nhanh các khoản vay mới cho các dự án khí hậu.
1 vào, 5 ra
IF-CAP giới thiệu mô hình “1 USD vào, 5 USD ra”, tức mỗi USD được bỏ vào sẽ tạo ra 5 USD cho các dự án liên quan tới biến đổi khí hậu. Và với 3 tỉ USD bảo lãnh ban đầu, ADB muốn tạo ra những khoản vay mới lên tới 15 tỉ USD cho các dự án khí hậu cấp bách trên khắp châu Á – Thái Bình Dương.
Nhóm các thành viên thuộc diện quốc gia đang phát triển của ADB sẽ là đối tượng được hỗ trợ trong IF-CAP. Tuy nhiên đến giai đoạn hiện nay, chưa có thông tin cụ thể về việc phân bổ nguồn tài chính trên, theo Chủ tịch ADB Asakawa Masatsugu.
Nguồn: tuoitre.vn