LTS: Thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Đoàn ĐBQH, trong các ngày từ 10 đến 17-4-2018, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tổ chức cho các ĐBQH tiếp xúc cử tri trên địa bàn tỉnh. Tại những buổi tiếp xúc, cử tri đã có những kiến nghị với các cấp, ngành ở Trung ương và tỉnh. Những kiến nghị đối với Chính phủ và các bộ, ngành ở Trung ương đã được Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tổng hợp như sau:
Về quản lý thông tin di động: Ngày 24-4-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6-4-2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng sim rác, sim ảo. Tuy nhiên, hiện các thuê bao di động chính chủ đã thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của doanh nghiệp viễn thông nhưng quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông vẫn chưa được bảo vệ thỏa đáng, còn nhiều tin nhắn rác với nội dung lừa đảo, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra và có biện pháp xử lý.
Cử tri xã Tân Khai phát biểu ý kiến trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 17-4-2018, tại trụ sở UBND xã Tân Khai (Hớn Quản) – Ảnh: T.ly
Về công tác phòng, chống tham nhũng: Hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đang triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống tham nhũng và nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được khởi tố, điều tra, đưa ra xét xử. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa được giải quyết triệt để, nhất là việc thu hồi tài sản đã bị thất thoát còn hạn chế. Đề nghị Quốc hội tăng cường chức năng giám sát tối cao, đồng thời đề nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn trong công tác quản lý kê khai tài sản, xác minh tài sản kê khai, thu hồi tài sản tham nhũng. Cử tri đề nghị công khai rộng rãi việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức cho nhân dân được biết để nhân dân giám sát và có những phản ánh kịp thời trong quá trình thực hiện, giúp công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả.
Về công tác quản lý giáo dục: Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc ứng xử phản cảm, thiếu nhân cách của một bộ phận giáo viên và học sinh gây bất bình trong xã hội, thể hiện thái độ vô cảm, thiếu trách nhiệm và xuống cấp về đạo đức của một bộ phận giáo viên, làm ảnh hưởng đến uy tín, nhân cách của nhà giáo và ngành giáo dục. Đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan có giải pháp cụ thể, thiết thực để khôi phục hình ảnh, đạo đức nhà giáo và vị thế của nền giáo dục nước nhà.
Về công tác xây dựng nông thôn mới: Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí cơ bản được đặt ra và áp dụng chung cho tất cả địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, để thực hiện được các tiêu chí cơ bản như: Xây dựng trường học đạt chuẩn, hoàn thành 70% hệ thống bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đào tạo dạy nghề và giải quyết việc làm… ở các địa phương đang xây dựng nông thôn mới vùng sâu, xa còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh lại các tiêu chí cơ bản cho phù hợp với một số địa phương vùng sâu, xa điều kiện kinh tế khó khăn và địa bàn rộng, đồng thời xem xét bổ sung thêm nguồn vốn về địa phương để thực hiện các tiêu chí cơ bản nêu trên.
Về công tác tổ chức, bộ máy: Theo quy định hiện hành, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thuộc quyền quản lý của Sở Tài nguyên và Môi trường, do đó UBND cấp huyện không có quyền quản lý đối với hoạt động cũng như quản lý cán bộ, công chức của các văn phòng này, dẫn đến việc xử lý các khiếu kiện xảy ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của các văn phòng không được kịp thời, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Đề nghị Chính phủ xem xét, giao thẩm quyền quản lý các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện cho UBND cấp huyện quản lý để thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm tra.
Về cải cách thủ tục hành chính: Cử tri đồng tình với các biện pháp thực hiện của Chính phủ nhằm cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho người dân khi tham gia giao dịch như: thủ tục đăng ký làm lại giấy chứng minh nhân dân do bị mất; thủ tục cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… Đề nghị Chính phủ nghiên cứu có biện pháp giảm bớt các loại giấy tờ không cần thiết, rút ngắn thời gian thực hiện đối với các thủ tục hành chính nêu trên để tránh gây phiền hà cho người dân khi đăng ký làm thủ tục hành chính.
Theo Báo Bình Phước