Nếu thu nhập công khai không thể giải trình cho giá trị tài sản khổng lồ mà các quan chức sở hữu thì các tài sản ấy thuộc diện điều tra theo Luật tài sản bất minh.
Nhiều ngày nay, truyền thông trong nước tốn nhiều thời lượng cho những câu chuyện về các “biệt phủ”, “dinh thự khủng” của một số quan chức thuộc tỉnh Yên Bái.
Đề tài này không phải mới lần đầu được đề cập tới, nhưng hầu như tất cả đều chỉ được xới lên, lùm xùm dăm bữa nửa tháng, rồi lại chìm vào im lặng.
Công luận thì luôn thắc mắc về nguồn gốc khối tài sản kếch xù ấy của các quan chức.
Thắc mắc có lý, bởi thu nhập công khai chính đáng của các quan chức ấy không thể giải trình cho giá trị tài sản khổng lồ mà họ đang sở hữu. Nhưng các quan chức thì có đủ lý do để biện minh, rất “đúng quy trình” minh chứng cho sự “trong sáng, minh bạch” của họ.
Tài sản không giải trình được nguồn gốc phải bị điều tra
Thực tế cho thấy rất khó bắt quả tang tội phạm tham nhũng, rất khó thu thập chứng cứ pháp lý về hành vi tội phạm này.
Vì thế, cần phải có một luật quy định về tình trạng tài sản bất minh (tạm gọi tắt là Luật Tài sản bất minh), để bóc tách giữa chính và tà của các khối tài sản gây nhiều hoài nghi, bức xúc này.
Khi tình trạng tài sản không minh bạch được nhắc đến nhiều như hiện nay trong hàng ngũ cán bộ – công chức, nếu làm Luật Tài sản bất minh một cách thật hoàn chỉnh, chắc chắn khó khả thi. Một cách làm có tình, có lý và khả thi là đặt mốc thời gian cho việc ra đời của Luật Tài sản bất minh.
Ví dụ, có thể tính từ ngày Luật Tài sản bất minh có hiệu lực, bất cứ tài sản nào của công chức “có biểu hiện bất minh” so với thu nhập chính đáng (lương và các thu nhập chính đáng khác), đều bị coi là đối tượng điều chỉnh của luật này.
Luật quy định số tài sản có trước thời hạn điều chỉnh, mà đã thể hiện qua kê khai tài sản theo quy định với cán bộ – công chức, được coi là “tài sản khởi điểm được luật này ghi nhận”. Chỉ những tài sản mới phát sinh sau thời điểm này mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Tài sản bất minh.
Từ sau thời hạn luật này có hiệu lực thi hành, những trường hợp bị phát hiện, tố cáo là có tài sản nghi vấn bất minh, đều phải được làm rõ.
Khi một người đã bị điều tra theo Luật Tài sản bất minh thì toàn bộ tài sản không chứng minh được nguồn gốc thu nhập chính đáng, đều bị coi là tài sản bất minh.
Tài sản bất minh được bản án có hiệu lực xác định phải bị tịch thu, bán đấu giá. Tiền bán đấu giá tài sản bất minh được dùng để giải quyết thiệt hại tài chính do bị can gây ra cho bên bị hại. Số dư (nếu có), được dùng để tăng lương cho cán bộ, công chức, giảm bớt tình trạng tham nhũng vặt vì lương quá thấp.
Thay đổi phân cấp điều tra, xét xử
Luật Tài sản bất minh không chỉ nhằm chống tham nhũng, mà còn chống cả tình trạng “làm ăn phi pháp” trong kinh tế nói chung (buôn hàng cấm, buôn lậu, làm hàng giả… đều tạo ra khối lượng lớn tài sản bất minh).
Luật này cũng có hiệu lực xử lý những trường hợp phát hiện có tài sản bất minh khi điều tra đối với những người phạm tội khác.
Để Luật Tài sản bất minh có hiệu lực thực chất, cần quy định thay đổi phân cấp tố tụng, điều tra, xét xử đối với loại tội này.
Người bị nghi vấn tham nhũng, sở hữu tài sản bất minh phải được xử lý bởi các cơ quan điều tra, tố tụng, xử án ngoài phạm vi địa phương cấp tỉnh – thành phố trực thuộc trung ương – nơi đương sự sinh sống và hoạt động.
Không để kéo dài tình trạng bị cáo phạm tội ở địa phương nào thì do công an tỉnh ấy điều tra, viện kiểm sát tỉnh ấy truy tố và tòa án tỉnh ấy xét xử!
Nếu có Luật Tài sản bất minh này, hiện tượng tham nhũng phổ biến như hiện nay sẽ được chấm dứt trên diện rộng.
Hi vọng nhiều người đang quen thói làm ăn phi pháp sẽ phải dừng lại để khỏi dính vòng lao lý và bảo toàn khối tài sản đã có trước khi luật này có hiệu lực. Quyết tâm chống tham nhũng sẽ có hiệu quả tốt hơn khi thu hồi được tài sản bất minh triệt để hơn.
NGUYỄN NGỌC HÙNG
Kiểm soát tài sản tham nhũng qua giao dịch điện tử
Tài sản tham nhũng thường có giá trị vượt quá mức thu nhập của một cá nhân mà họ không chứng minh được, không giải trình thỏa đáng được về nguồn gốc. Đó là lý do vì sao dư luận xôn xao, cho rằng bất thường khi các cán bộ công chức sở hữu hàng trăm tỉ đồng, sở hữu biệt phủ, siêu xe trong khi mức lương hằng tháng không cao.
Nhưng thực tế, để chứng minh được nguồn gốc hình thành tài sản, nguồn tiền khủng đó có từ đâu thì rất khó bởi ở Việt Nam chủ yếu giao dịch bằng tiền mặt, giao dịch giữa hai người – mà các giao dịch này pháp luật không cấm. Chính vì thế rất khó chứng minh tiền giao dịch đó là hợp pháp hay bất hợp pháp, Nhà nước cũng không kiểm soát được.
Trong khi ở các nước chủ yếu giao dịch qua tài khoản, khi có một số tiền lớn bất thường trong tài khoản thì cá nhân đó phải có nghĩa vụ chứng minh nguồn tiền, tài sản đó có từ đâu và khi đó, Nhà nước kiểm soát được nguồn tiền.
Ở nước ta, Ngân hàng nhà nước cũng có hướng dẫn, quy định về giao dịch, chuyển khoản và hiện nay cán bộ công chức đã trả lương qua tài khoản ngân hàng nhưng thực tế vẫn chưa kiểm soát được nhiều.
Bởi tiền hối lộ, tham nhũng thường không được giao dịch qua ngân hàng mà hầu hết là đưa tận tay, bằng tiền mặt.
Với tài sản núp bóng người thân, chỉ có cách duy nhất là truy nguồn gốc hình thành tài sản đó và người đó phải có nghĩa vụ kê khai, chứng minh, giải trình. Giải trình không thỏa đáng, có thể bị tịch thu tài sản, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, chứng minh có dấu hiệu tội phạm để tiến hành xử lý.
Nên điều chỉnh luật theo hướng quy định tất cả các tài sản phải được đăng ký đúng tên người sử dụng, sở hữu để tránh tình trạng tài sản tham nhũng được chuyển dịch, núp bóng người thân.
Luật sư PHƯƠNG NGỌC DŨNG (Đoàn luật sư TP Cần Thơ)
Nguồn: tuoitre.vn