Sau vụ hàng loạt học sinh tại Nha Trang bị ngộ độc, đa số phụ huynh đều cho rằng cần kiểm soát chặt nguồn thực phẩm nhằm bảo vệ bữa ăn cho các học sinh được an toàn.
Thế nhưng vẫn còn đó những nỗi lo về bữa ăn cho học sinh.
Ban giám hiệu tiếp phẩm mỗi ngày
Tại TP.HCM, từ 4h30 sáng 22-11, ba nhân viên cấp dưỡng và một nhân viên y tế của Trường tiểu học Bông Sao, quận 8, đã có mặt làm nhiệm vụ tiếp phẩm để chuẩn bị buổi ăn trưa cho học sinh ăn bán trú tại trường.
Cô Nguyễn Thị Minh Phương, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao, cho biết công tác tiếp nhận thực phẩm bao gồm kiểm tra thực phẩm có đúng về chất lượng, xuất xứ sản phẩm, chủng loại yêu cầu, độ tươi, đủ định lượng theo yêu cầu của trường hay không.
Trường tiểu học Bông Sao thực hiện bữa ăn bán trú và bữa ăn xế cho 1.600 học sinh nên công tác tiếp phẩm thông thường sẽ thực hiện trong vòng 1 giờ và luôn có sự giám sát của ban giám hiệu hoặc nhân viên y tế nhà trường mỗi sáng.
Sau khâu tiếp phẩm là khâu sơ chế, chế biến. Lúc này, các bảo mẫu sẽ vào làm công tác sơ chế, chế biến để chuẩn bị cho việc nấu ăn. Các bồn rửa thực phẩm tại đây được chia ra ba chuyền riêng gồm: chuyền để rửa thực phẩm, chuyền để cắt, thái và chuyền cho vệ sinh.
Để đảm bảo khẩu phần ăn với bốn món: cơm, mặn, xào và canh, nhà bếp của trường tiểu học này có ba cấp dưỡng và 23 nhân viên bảo mẫu thực hiện các công đoạn và khoảng 9h30 cơm, canh sẽ chín.
Lúc này, nhân viên y tế của trường cùng với cấp dưỡng sẽ thực hiện lưu mẫu thực phẩm, niêm phong mẫu trước khi chia các khẩu phần ăn theo từng lớp, từng học sinh. Năm 2020, Trường tiểu học Bông Sao được sửa chữa và có một khu vực bếp ăn hiện đại, trang bị các thiết bị bếp đảm bảo công suất phục vụ gần 1.610 suất ăn cho trẻ mỗi ngày.
Đánh giá bữa ăn bán trú phải được chuẩn bị kỹ về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thầy Lê Thành Sơn – hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao – nói trường phân công ban giám hiệu trực tiếp tiếp phẩm theo ngày và giám sát các công đoạn nấu ăn ở trường. Nhà trường tuân thủ quy trình thực hiện bếp ăn theo quy định của Ban an toàn vệ sinh thực phẩm TP.
“Tất cả các công ty mà trường đề nghị cung cấp thực phẩm đều phải có hợp đồng cung cấp hàng hóa với đơn vị, có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm của các đối tác, giấy kiểm dịch đối với các mặt hàng tươi sống”, thầy Sơn chia sẻ thêm.
Ăn cùng học sinh để kiểm tra
Không may mắn có bếp ăn tại trường, Trường THCS Sương Nguyệt Anh, quận 8, tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh bằng suất ăn công nghiệp. Hiện nay, mỗi bữa trưa sẽ có hơn 330 học sinh ăn trưa tại trường bằng suất ăn công nghiệp. Khoảng 9h30, xe cung cấp suất ăn sẽ đưa suất ăn tới cho học sinh, sau đó nhà trường sẽ phân thức ăn ra các khẩu phần để học sinh ăn trưa.
“Chúng tôi chọn công ty cung cấp thức ăn ở không xa trường để tiện quản lý, thực phẩm khi mang đến cho học sinh vẫn nóng sốt.
Ngoài yêu cầu chung về nguồn thực phẩm nằm trong chuỗi cung ứng được Ban an toàn vệ sinh thực phẩm đưa ra, nhà trường cũng đặt luôn công ty cung cấp các phần ăn cho ban giám hiệu và giáo viên của trường để kịp thời điều chỉnh khẩu vị cũng như kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm.
Mỗi ngày như vậy, giáo viên và cán bộ nhà trường đều ăn cơm cùng với học sinh” – cô Nguyễn Thị Minh Châu, hiệu trưởng Trường THCS Sương Nguyệt Anh, kể.
Không có chức danh cấp dưỡng, bảo mẫu ở trường, Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, tổ chức suất ăn công nghiệp trong bữa ăn bán trú cho học sinh theo hướng cho công ty đặt bếp ăn tại trường để dễ bề kiểm soát thực phẩm ra vào và cung cấp thức ăn nóng sốt cho học sinh.
“Cấp dưỡng, bảo mẫu của công ty cung cấp suất ăn nhưng trường sẽ kiểm tra được khâu tiếp phẩm, quy trình rửa rau, quy trình vệ sinh chén đũa, quy trình làm đồ tươi sống… hằng ngày và trực tiếp lấy thức ăn tại bếp để lưu mẫu trong tủ lạnh theo đúng quy trình bếp ăn.
Trường cũng liên tục kiểm tra các nguồn thực phẩm mà công ty cung cấp để yên tâm về bữa ăn bán trú, bữa xế cho học sinh” – cô Tạ Thị Thái, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, chia sẻ thêm.
Tiêu chí đánh giá nhà trường hằng năm
Ông Dương Văn Dân, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8, cho biết đến nay quận 8 có 100% trường học tổ chức bán trú (51/51 trường). Trong đó trường có bếp nấu tại chỗ là 35 và 16 trường sử dụng suất ăn. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cân đối khẩu phần dinh dưỡng, đảm bảo suất ăn cho học sinh bán trú là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng phục vụ của nhà trường hằng năm.
“Chúng tôi yêu cầu hiệu trưởng các trường có kế hoạch tổ chức theo dõi chặt chẽ hằng ngày về chất lượng bữa ăn của học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 cũng ban hành văn bản điều hành để cụ thể hóa trách nhiệm của bộ phận phụ trách bán trú tại các trường trong công tác quản lý, tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh”, ông Dân nói.
Còn theo ông Trịnh Duy Trọng – trưởng phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học được TP.HCM kiểm soát bằng việc ký kết liên tịch giữa sở với Ban quản lý an toàn thực phẩm TP. Hằng năm đều có những hướng dẫn, những yêu cầu các cơ sở thực hiện các quy định, quy trình phối hợp các cơ quan để đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường.
Trong năm học 2022-2023, tháng 9 và tháng 10, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Ban an toàn thực phẩm TP mở tám lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP bao gồm các cơ sở có thực hiện bếp ăn trong trường cũng như cung cấp suất ăn công nghiệp… Từ đó giúp các trường cập nhật các quy định mới, thực hiện đúng quy trình và có thêm nhiều kinh nghiệm để triển khai các hoạt động an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Sở GD-ĐT và Ban an toàn thực phẩm TP đầu năm học cũng kiểm tra đồng loạt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc giám sát, kiểm tra đột xuất cũng được thực hiện tùy thời điểm.
Ban ATTP TP.HCM: đã kiểm tra hàng ngàn cơ sở
Theo Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, đã tiến hành kiểm tra ATTP đối với bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học đợt 1 (năm học 2021-2022) với tổng số cơ sở thanh tra, kiểm tra là 1.708 cơ sở. Đợt 2 (2022-2023) tổng số cơ sở thanh tra, kiểm tra là 2.231. Qua kiểm tra có 2 cơ sở bị phát hiện vi phạm.
Theo cơ quan này, đa số cơ sở chấp hành nghiêm về thủ tục, nguồn nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng, được lấy tại những đơn vị đã được cấp giấy chứng nhận (ISO; chuỗi thực phẩm an toàn; HACCP; VietGAP; GLOBAL…).
Hiện ban đang kết hợp với các trường đẩy mạnh công tác tập huấn cho cán bộ, công nhân viên chức thực hiện công tác kiểm tra ATTP; khuyến khích các trường, đơn vị cung cấp suất ăn cho trường học sử dụng nguyên liệu được cung cấp từ đơn vị được cấp giấy chứng nhận chất lượng; kiến nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học tại TP.HCM…
Bộ Giáo dục – đào tạo: kiểm soát chặt nguồn thực phẩm
Sau vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng ở Nha Trang, Bộ GD-ĐT có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục.
Theo đó, Bộ GD-ĐT lưu ý đến việc kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Cụ thể phải tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm theo quy định.
Các trường chỉ sử dụng thực phẩm đã nấu chín, nước đã đun sôi cung cấp cho học sinh khi tổ chức bán trú. Nghiêm cấm các cơ sở sản xuất, cung cấp thực phẩm không đảm bảo đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Hà Nội: sơ hở trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Chị Hạnh, đại diện ban phụ huynh tại một trường thuộc quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tham gia đợt kiểm tra bếp ăn bán trú, chia sẻ: “Tôi làm việc trong ngành y tế nên được mời đại diện phụ huynh tham gia kiểm tra suất ăn của các con. Nhìn chung trang thiết bị phục vụ bữa ăn được đầu tư tốt, vệ sinh sạch sẽ.
Tuy nhiên, nguyên liệu được nhập từ bên ngoài, đều có giấy phép, cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng việc giao nhận thực phẩm, lưu mẫu thực phẩm hằng ngày còn chưa chặt chẽ. Tôi cho rằng việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, kiểm soát quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm là vấn đề quan trọng nhất mà hiện vẫn còn có sơ hở”.
Tính đến thời điểm tháng 11-2022, Hà Nội có 4.538 trường học có bếp ăn bán trú, căng tin, trung bình một ngày cung cấp 117.024 suất ăn. Đa số các trường tự tổ chức nấu ăn (87%), có khoảng 600 trường liên kết với nhà thầu hoặc ký hợp đồng cung cấp suất ăn từ bên ngoài đưa vào.
Bà Lê Thị Hằng – trưởng phòng chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội – cho biết quá trình kiểm tra cho thấy có những chuyển biến tốt từ nhận thức đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình chế biến thực phẩm trong trường học. Thế nhưng bếp ăn bán trú, căng tin trong các trường vẫn bộc lộ những hạn chế như nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Ý thức thực hành an toàn thực phẩm của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm và cô nuôi còn chưa tốt.
Trong các năm 2022 và 2023, Sở Y tế Hà Nội đã xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể và thí điểm thực hiện ở 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện. Với mô hình này, Sở Y tế Hà Nội đặt ra mục tiêu 100% bếp ăn tập thể trường tiểu học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ký cam kết chịu trách nhiệm, niêm yết công khai địa chỉ nguồn gốc nguyên liệu chế biến thực phẩm tại bảng tin nhà trường.
Theo ông Đặng Thanh Phong – chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong thời gian tới sẽ tập trung rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người. Đặc biệt là xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm.
Từ đầu năm đến tháng 9-2022, Hà Nội thành lập hơn 900 đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn bán trú khu công nghiệp; xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền phạt 132 triệu đồng.
Khánh Hòa: thanh tra toàn bộ bếp ăn bán trú
Sau vụ ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản chỉ đạo các sở ngành liên quan tổ chức những đoàn kiểm tra các bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học, trường có tổ chức bán trú; nhất là các trường tư thục, trường quốc tế đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Kiên quyết đình chỉ hoạt động bếp ăn bán trú đối với các trường không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ông Đỗ Hữu Quỳnh – phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa – cho biết đầu tháng 12 sẽ tiến hành thanh tra các bếp ăn tập thể tại các trường. Phía sở đã có văn bản thông báo về đoàn thanh tra cũng như có văn bản yêu cầu các trường chấp hành nghiêm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đà Nẵng: nhà trường và phụ huynh cùng giám sát
Ghi nhận tại một số trường tiểu học, mầm non có tổ chức bán trú ở TP Đà Nẵng, các khâu tiếp phẩm, chế biến cho đến khi phần cơm tới tay học sinh được thực hiện khá bài bản.
Tại Trường mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nơi có 100% trẻ ăn ngày ba bữa (sáng, trưa, xế) ở bếp ăn nấu trực tiếp tại trường, các cô cấp dưỡng tiếp nhận thực phẩm vào 5h sáng mỗi ngày. Toàn bộ thức ăn được chế biến một tiếng trước mỗi bữa ăn và không dùng lại thực phẩm sơ chế sẵn từ ngày hôm trước. Việc lấy mẫu thức ăn được thực hiện mỗi ngày và công khai thực phẩm, thực đơn để phụ huynh cùng theo dõi.
Tất cả khâu giám sát được phân công phó hiệu trưởng phụ trách nuôi dưỡng theo dõi, điều hành và báo cáo giao ban mỗi tuần. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm – hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “100% nguồn thực phẩm cho bếp ăn trường học đều được hợp đồng với công ty thực phẩm do Nhà nước cấp phép. Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đầy đủ bốn nhóm thực phẩm giúp trẻ phát triển hài hòa cân đối được đặt lên hàng đầu”.
Bà Đặng Thị Cẩm Tú – trưởng phòng mầm non, Sở GD-ĐT Đà Nẵng – thông tin hiện TP có hơn 700 cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức bán trú. 100% các cơ sở đều thực hiện việc chế biến thức ăn cho trẻ tại bếp ăn an toàn, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vận hành bếp ăn một chiều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở GD-ĐT Đà Nẵng đã yêu cầu các trường phải có bản ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm giữa doanh nghiệp với nhà trường, thực hiện nghiêm quy định sử dụng nguyên liệu thực phẩm. Các loại thực phẩm, hàng hóa cung ứng cho các đơn vị trường học phải có bao bì, nhãn mác quy định hạn sử dụng, cung ứng thực phẩm gia súc, gia cầm phải có giấy kiểm dịch.
Các phòng GD-ĐT thường xuyên phối hợp với y tế kiểm tra đột xuất công tác bán trú tại cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để xử lý kịp thời nếu có xảy ra vi phạm.
“Ngành giáo dục cũng phối hợp với Ban an toàn thực phẩm TP tổ chức tuyên truyền, tập huấn đảm bảo an toàn thực phẩm và thông tin về hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm cho cán bộ quản lý các trường có bán trú”, bà Tú cho hay.
Bếp ăn tại Trường tiểu học Ngô Quyền thực hiện lưu mẫu thức ăn và các bước theo quy định
Cần Thơ: 11/36 trường có nước uống chưa đạt chỉ tiêu
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, TP hiện có 171 trường mầm non, mẫu giáo có tổ chức bếp ăn bán trú. Ở cấp tiểu học có 168 trường (công lập và tư thục), trong đó 71 trường tổ chức bán trú tại trường với 52 trường có tổ chức bếp ăn tại trường. Số lượng học sinh được ăn bán trú tại trường ở hai cấp học này đạt trên 90%.
Tại Trường tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), nơi có bếp ăn bán trú với hơn 1.700 học sinh ăn tại trường. Để đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào có nguồn gốc và đúng tiêu chuẩn, đầu năm trường tổ chức lựa chọn các đơn vị cung cấp nguyên liệu thực phẩm và đưa ra cho hội phụ huynh đồng ý thống nhất. Hiện trường có ký hợp đồng với hơn 10 đơn vị cung cấp thực phẩm, gồm gạo, thịt, cá, rau củ, trái cây, sữa…
Cô Mạch Lệ Xuân – hiệu trưởng Trường tiểu học Ngô Quyền – cho biết tất cả thực phẩm cung cấp vào bếp ăn của trường phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng và mỗi ngày cung cấp vào bếp có sự giám sát kiểm tra của cô phụ trách y tế nhà trường.
Bên cạnh đó, thực hiện lưu đầy đủ mẫu thức ăn đã chế biến trong 24 giờ, có tủ lưu mẫu thức ăn riêng. Bếp có chín cô chế biến thức ăn, các cô thường xuyên được tập huấn về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, được khám sức khỏe định kỳ đúng quy định.
Thực hiện công tác đảm bảo về y tế trường học, trong đó có đảm bảo an toàn cho các bếp ăn tại trường, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế và Sở Giáo dục và Đào tạo Cần Thơ cũng đã kiểm tra tại 36 trường trên địa bàn.
Bác sĩ Phạm Phú Trường Giang – phó giám đốc Sở Y tế – đánh giá: qua kiểm tra, các trường quan tâm, thực hiện khá tốt công tác chăm lo cho sức khỏe học sinh, trong đó có việc tổ chức bếp ăn bán trú tại trường.
Đối với các bếp ăn bán trú, hầu hết đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm, thực hiện đúng quy định kiểm tra ba bước và lưu mẫu thức ăn đúng quy định. Đối với nguồn thực phẩm đầu vào, các bếp ăn có hợp đồng với các đơn vị cung cấp có đầy đủ hồ sơ đúng quy định.
Tuy nhiên, vẫn có trường có căng tin hoặc bếp ăn chưa nắm nguyên tắc một chiều trong chế biến thực phẩm, lưu mẫu thức ăn chưa đúng. Nguồn nước uống tại trường chưa được xét nghiệm và kiểm tra đúng quy định (có 11/36 trường chưa đạt chỉ tiêu về nước uống cho học sinh)…
“Chúng tôi yêu cầu các đơn vị y tế địa phương thường xuyên cùng ngành giáo dục kiểm tra giám sát công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn, căng tin trường nhằm đảm bảo quy tắc ba bước, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh”, ông Giang nói.
Nguồn: tuoitre.vn