“Để nâng cao chất lượng kiểm định phương tiện, quản lý nhà nước cần hướng tới việc quy trách nhiệm ràng buộc giữa các trung tâm đăng kiểm với cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện” – nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên đề xuất.
Tăng cường giám sát, kiểm tra đột xuất
Nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) Nguyễn Văn Thanh cho rằng, công tác đăng kiểm thời gian qua tồn tại nhiều vi phạm rất nghiêm trọng. Người dân, báo chí đã phản ánh nhiều, nhưng chỉ đến khi công an vào cuộc điều tra những sai phạm mới được chỉ ra cụ thể.
Theo ông Thanh, những tồn tại của hoạt động kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ đang gây tác hại rất lớn cho xã hội. Việc các đơn vị đăng kiểm bỏ qua các lỗi như: Cơi nới thành thùng, lắp đặt phụ tùng không theo quy chuẩn, lốp mòn… không đảm bảo an toàn đã gián tiếp gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng, làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông.
Để giải quyết những tồn tại của hoạt động đăng kiểm, cơ quan quản lý nhà nước mà cụ thể ở đây là Cục Đăng kiểm và các Sở GTVT địa phương phải tăng cường kiểm tra giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất. Khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm, có như vậy các trung tâm đăng kiểm mới luôn ý thức được việc phải làm chuẩn chỉnh, không dám nghĩ đến việc làm sai.
Công tác đăng kiểm cần được giám sát chặt chẽ hơn.
Đồng thời phải nhanh chóng ứng dụng khoa học công nghệ thông qua việc lắp camera soi chiếu tại tất cả các khâu kiểm định của đăng kiểm viên. Giữ liệu giám sát truyền về Cục Đăng kiểm qua camera giám sát chia sẻ cho cả các Sở GTVT địa phương quản lý cần được lưu trữ thời gian bảo mật suốt quá trình kiểm định để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động giám sát đăng kiểm.
Theo phân tích của một số chuyên gia giao thông, thời gian qua dù hoạt động đăng kiểm đã được xã hội hoá mạnh mẽ, nhưng vẫn còn các trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý kinh doanh dịch vụ. Thực tế này dẫn đến tình trạng quản lý nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, không loại trừ bỏ qua các lỗi tại trung tâm do Cục Đăng kiểm quản lý.
“Hoạt động đăng kiểm là loại hình kinh doanh dịch vụ, do vậy cần phải tách bạch giữa quản lý nhà nước và hoạt động kinh doanh. Có như vậy quá trình kiểm tra giám sát mới đảm bảo khách quan, minh bạch”, ông Nguyễn Văn Thanh lý giải.
Nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên chia sẻ, ở Việt Nam với lưu lượng phương tiện tăng khoảng 8-10% mỗi năm, nhà nước cũng không thể “ôm” hoạt động đăng kiểm mà cần tiếp tục xã hội hoá, giao cho tư nhân làm. Vấn đề là quản lý nhà nước phải giám sát để việc cấp giấy kiểm định đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu hành.
Gắn trách nhiệm đăng kiểm với bảo dưỡng, sửa chữa
Ông Bùi Danh Liên nêu thực tế ở nước ta hiện nay có một bộ phận chủ phương tiện chưa ý thức được vai trò trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình khi đưa xe đi kiểm định. Không ít người có cách nghĩ đi đăng kiểm chỉ để đảm bảo điều kiện được cấp chứng nhận cho xe lưu hành trên đường mà bỏ qua khuyết điểm mất an toàn phương tiện.
Thậm chí có tình trạng người đưa xe đi đăng kiểm chủ ý “bỏ quên” tiền trên xe, chủ động tiếp tay cho sai trái của đăng kiểm kiểm viên để được bỏ qua các lỗi của phương tiện kiểm định.
Để giám sát hoạt động đăng kiểm, một chuyên gia giao thông cho rằng về lâu dài cần hướng tới gắn trách nhiệm giữa các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện với các trung tâm đăng kiểm.
Vị chuyên gia này nói rõ, hiện nay luật quy định đăng kiểm chỉ chịu trách nhiệm tại thời điểm kiểm định, còn duy trì đảm bảo kỹ thuật, chất lượng phương tiện giữa hai kỳ đăng kiểm lại giao cho chủ xe và người lái xe. Do vậy ngay cả khi xe đưa đi bảo dưỡng sửa chữa theo định kỳ, được lắp các phụ tùng không đảm bảo an toàn, chẳng may xảy ra tai nạn giao thông tất cả đều vô can, chỉ lái xe và chủ xe chịu trách nhiệm.
Do vậy, quản lý nhà nước cần hướng tới ràng buộc trách nhiệm giữa các đơn vị này. Có như vậy cơ quan đăng kiểm mới không dám dễ dãi cấp chứng nhận kiểm định; cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa cũng không dám tự động lắp phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cho cho xe lưu thông trên đường.
Nguồn: vietnamnet