Có lẽ hiếm doanh nhân nào dám khởi nghiệp từ một ý tưởng khá nhiều rủi ro như anh Yusuke Mitsumoto: trả tiền trước để mua đồ cũ rồi trông cậy vào chữ tín của người bán hàng.
Với mô hình độc đáo và thành công trong lĩnh vực buôn bán đồ xài rồi, anh Mitsumoto, 36 tuổi, người Nhật, đã chứng minh lòng tin đã được đặt đúng chỗ và đền đáp.
Thắng nhờ nhanh gọn, đơn giản
Từng bán hàng trên mạng từ năm 1996, anh Mitsumoto thường suy ngẫm nhiều về tình huống mua lại đồ cũ rao bán trên mạng và thanh toán ngay thì liệu người bán sẽ giao hàng và bao nhiêu người sẽ giữ đúng cam kết.
“Tất nhiên tôi tin là người tốt thì luôn nhiều hơn người xấu, nhưng câu hỏi ở đây là họ nhiều hơn bao nhiêu. Và đó là điều bạn sẽ không thể biết nếu không thử nghiệm” – anh Mitsumoto chia sẻ.
Sau khi thống kê, anh Mitsumoto nhận ra chỉ có chưa tới 1/10 những người bán đồ cũ thất hứa. Tỉ lệ đó đã đủ tốt để tới tháng 8-2017 anh khởi động lại ứng dụng mua bán có tên là Cash với cách thức mới gom hàng cho cái “chợ trời” online của mình.
Tổng giá trị hàng hóa mua vào mỗi ngày có mức trần là 10 triệu yen (88.800 USD) và chỉ giới hạn với các loại hàng hóa gồm smartphone, túi xách hàng hiệu, đồng hồ, quần áo và một số vật phẩm khác. Khách hàng chụp ảnh món đồ và được Cash chào một giá mua không được mặc cả.
Các mức giá này thường được tự động đặt ra căn cứ vào dữ liệu thu thập từ các chợ đồ cũ khác và sau đó Cash kiếm lời bằng cách bán lại những món hàng cũ này qua trang web Stores.jp – một phiên bản kiểu Nhật của trang Shopif.
Điểm khác biệt ở dịch vụ của Mitsumoto chính là anh đã khám phá ra cách thức giúp loại bỏ chút trở lực cuối cùng thường khiến những người bán hàng ngần ngại không muốn vứt bỏ đồ đạc hay giải quyết các tài sản giá trị vẫn bị bỏ phí trong các tủ đồ.
Anh đã tiếp cận vào thị trường của những người vốn thiếu cả thời gian cũng như sự kiên nhẫn để chụp những bức ảnh “chất nhất” cho món hàng chào bán, viết giới thiệu sản phẩm cũng như cò kè giá cả với người mua. Với Cash, việc bán đi những thứ không còn cần tới trở nên đơn giản hơn bao giờ hết.
Thị trường trị giá hơn chục tỉ USD
Buôn bán đồ cũ là một lĩnh vực kinh doanh rất phát triển tại Nhật Bản. Theo báo Reuse Business Journal có trụ sở tại Tokyo, thị trường đồ cũ tại Nhật hiện có giá trị khoảng 1.600 tỉ yen (14,2 tỉ USD).
Quan sát thị trường, anh Mitsumoto cảm nhận rất rõ việc các đối thủ sừng sỏ hơn trong cùng lĩnh vực kinh doanh sẽ đưa ra những mô thức kinh doanh giống những gì anh đang làm sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Và đó là lý do anh đi tới quyết định khi nhận được đề nghị chào mua ứng dụng Cash từ “đại gia” Kameyama trong tháng 10 qua.
Ông Keishi Kameyama là một trong những người giàu nhất Nhật Bản, là nhà sáng lập Công ty DMM.com, một đế chế truyền thông và công nghệ với tổng doanh thu/năm đạt 1,6 tỉ USD. Sau khi cân nhắc, Mitsumoto đồng ý bán Cash cho DMM với giá 7 tỉ yen (62,16 triệu USD) và vẫn tiếp tục công việc kinh doanh của mình.
Ông Keishi Kameyama cho biết tập đoàn của ông nhận ra tiềm năng của thị trường “ngách” mà doanh nhân trẻ Mitsumoto đã khám phá ra, song cũng thừa nhận mức giá hơn 62 triệu USD để thâu tóm công ty với 6 nhân viên vừa được thành lập chưa đầy năm của anh Mitsumoto thực chất là một sự thâu tóm cả những kiến thức và kinh nghiệm của các thành viên trong đó.
Lối sống tối giản
Nhiều chuyên gia cho rằng có thể sự phát triển mạnh và giá trị thị trường mua bán đồ cũ gia tăng tại Nhật những năm qua có liên quan tới một xu hướng mới về nếp sống, vốn đã được một số người nâng lên tầm mức chủ nghĩa về lối sống tối giản.
Lối sống tối giản là cách sống giảm thiểu tối đa các vật dụng trong nhà, chỉ trang bị những vật dụng thực sự cần thiết, từ đó tạo không gian sống thoáng đãng, ngăn nắp một cách tự nhiên. Cùng với cuộc sống không còn nặng nề về vật chất, con người cũng thanh thản, nhẹ nhõm và có nhiều thời gian chăm chút hơn cho những giá trị tinh thần.
Nguồn: tuoitre.vn