Theo lời kể của bệnh nhân, sau 2 tuần sử dụng, mặt mụn của mình gần như không còn. Tuy nhiên, sau khi ngừng bôi kem, vùng da mặt lại xuất hiện nhiều mụn hơn.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương, vừa tiếp nhận một trường hợp nam sinh 16 tuổi ở Hải Phòng với khuôn mặt chi chít mụn.
Nguyên nhân xuất phát từ việc bệnh nhân dùng một sản phẩm kem trị mụn trứng cá được rao bán trên mạng xã hội. Theo lời kể của nam sinh này, sau 2 tuần sử dụng, mặt mụn của mình gần như không còn. Tuy nhiên, sau khi ngừng bôi kem, vùng da mặt lại xuất hiện nhiều mụn hơn. Càng tăng số lần bôi kem, số mụn lại giảm và ngược lại.
Nam sinh với khuôn mặt chi chít mụn sau khi bôi một loại kem mua trên mạng xã hội |
Cảm thấy có điều bất ổn, nam sinh này quyết định dừng hẳn việc bôi kem. Lúc này, vùng da mặt bắt đầu xuất hiện nhiều mụn hơn và lần này là mụn mủ, gây ngứa ngáy, khó chịu. Thấy da mặt con trai bất thường, gia đình đưa bệnh nhân tới bệnh viện chữa trị.
Theo bác sĩ Tâm, khi nhập viện, da mặt bệnh nhân bị nhiễm khuẩn và chi chít mụn mủ. Bệnh nhân được chẩn đoán bị biến chứng do kem trộn có chứa corticoid, đồng thời rơi vào tình trạng nghiện corticoid bôi.
Theo bác sĩ Tâm, đặc điểm của các loại kem được quảng cáo có tác dụng chữa mụn, trắng da, trị nám, ban đầu có tác dụng nhanh. Sau 2-3 tháng, thậm chí một năm sử dụng, người bệnh bị phụ thuộc thuốc, sắc tố da biến đổi, mặt chi chít mụn.
Ngoài ra, người dùng sẽ gặp các tác dụng phụ khác như rậm lông, teo da, dãn mạch, mỏng da, rạn da… Tình trạng này cứ tái đi tái lại cho đến khi người bệnh xuất hiện các biểu hiện ngoài da như ban đỏ, phù nề và mụn mủ.
Khi đã ở tình trạng nghiện thuốc, việc điều trị sẽ phải kéo dài từ 3-12 tháng, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, làn da không thể phục hồi như cũ.
“Nhiều bệnh nhân khi đến khám có mang theo sản phẩm được quảng cáo có thành phần trên nhãn là thảo dược, thế nhưng với kinh nghiệm điều trị và triệu chứng bệnh nhân gặp phải trong suốt thời gian sử dụng, tôi chắc chắn sản phẩm chứa chất làm trắng và corticoid. Đây đều là những chất cấm trong mỹ phẩm. Corticoid là thuốc không được sử dụng để điều trị mụn trứng cá và nếu bôi ngoài da phải được bác sĩ chỉ định và theo dõi để tránh những biến chứng nguy hiểm”, bác sĩ Tâm cảnh báo.
Nguồn: tuoitre.vn