Cuộc gặp tại Alaska trước hết là của những quan chức hàng đầu Mỹ – Trung về chính sách đối ngoại. Hai bên đã rất “phi ngoại giao” trong hoạt động ngoại giao đầu tiên sau thời gian đóng băng.
Ở phần 2, Đại sứ Phạm Quang Vinh – cố vấn cao cấp Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) dự báo về quan hệ giữa hai cường quốc.
Đây là khúc dạo đầu của cuộc đụng độ về quan điểm chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời kỳ mới. Quan điểm, cách tiếp cận của Mỹ về thế giới và về Trung Quốc đã thể hiện rõ từ khi ông Biden cầm quyền cho đến trước cuộc gặp.
Mỹ trực diện, Trung Quốc không muốn lép vế
Mỹ tổ chức sự kiện này để tham vấn với Trung Quốc và để hai bên hiểu rõ những quan ngại của nhau.
Thành viên nội các Mỹ từ Ngoại trưởng đến Bộ trưởng Quốc phòng hay Cố vấn an ninh quốc gia đều nói rõ quan điểm và quan ngại về Trung Quốc với trật tự thế giới, vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, quan hệ với các nước khác như thương mại với Australia hay tranh chấp biên giới với Ấn Độ…
Như vậy, cả trong cách tiếp cận, cả trong trình bày của phía Mỹ đã được dự đoán trước khi có đối thoại. Nước Mỹ nhất quán với chính sách mới của chính quyền Biden là đối diện và sẵn sàng chia sẻ các quan ngại.
Cuộc gặp ở Alaska của những quan chức đối ngoại hàng đầu Mỹ – Trung |
Trung Quốc biết vậy, và phản ứng của họ có ý nghĩa gì? Thông điệp của Trung Quốc đưa ra có mấy điểm: Thứ nhất, phản đối cách đề cập và tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc dựa trên thế mạnh. Họ không thể chấp nhận bị áp đảo.
Thứ hai, Trung Quốc phê phán nền dân chủ và những vấn đề nội bộ nước Mỹ cũng để khẳng định rằng Mỹ và nền dân chủ không phải mô hình cho các nước khác.
Thứ ba, trật tự dựa trên luật lệ là trật tự của Mỹ và một nhóm nước chứ không phải là trật tự quốc tế để áp đặt với Trung Quốc. Bắc Kinh muốn bắn tín hiệu cho Mỹ, cả nội bộ Trung Quốc và những chỗ dựa của nước Mỹ là đồng minh và đối tác. Tín hiệu ấy là Trung Quốc bây giờ không còn ở “cửa dưới”; những vấn đề thuộc lợi ích cốt lõi thì Trung Quốc không bao giờ nhượng bộ.
Đến với đối thoại ở Alaska, Bắc Kinh cũng mong muốn Mỹ có cách tiếp cận nào đó trong quan hệ với Trung Quốc có thể chấp nhận được. Trung Quốc phải “nói to và nói rõ” quan điểm của mình rằng họ đã khác và Mỹ cũng phải đối xử khác.
Và không chỉ có vậy, đây là khúc dạo đầu để hai bên hiểu nhau và biết nhau. Trung Quốc rất cần: Cài đặt lại quan hệ với Mỹ một cách ổn định trên cơ sở hai bên cùng có lợi; Gỡ dần những áp đặt thời ông Trump. Cuộc gặp cũng là phát pháo hiệu cảnh báo Mỹ chớ thiết lập cơ chế và hệ thống đồng minh để kiềm chế và bao vây Trung Quốc.
Thách thức với Mỹ
Trong 2 tháng qua, khi vấn đề nội bộ còn rất nhiều nhưng nước Mỹ cũng đã khẩn trương triển khai chiến lược đối ngoại. Những hoạt động gần đây cho thấy, Mỹ rất coi trọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và coi trọng các thiết kế hợp tác trong khu vực này.
Trong thời gian tới, nhất là sau kết quả trao đổi hai bên tại Alaska, Mỹ muốn là ngoại giao, quan hệ dựa trên thế mạnh khiến Trung Quốc phải tính toán.
Như vậy, chiến lược của Mỹ với an ninh quốc gia và đối ngoại trong đó có Trung Quốc đang dần định hình nguyên tắc cơ bản. Để đi vào chương trình hành động còn nhiều vấn đề đặt ra. Đó là:
Việc nước Mỹ muốn lãnh đạo và và lãnh đạo trên thế mạnh dựa trên hệ thống đa phương và đồng minh, đối tác sẽ gặp không ít thách thức. Thứ nhất, Mỹ cũng gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, hệ thống đồng minh của Mỹ cũng đan xen lợi ích với Trung Quốc.
Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. |
Mỹ phải đối diện với một Trung Quốc đã khác. Trung Quốc những năm qua đang hướng tới giấc mơ thành cường quốc. Cách phát biểu tại Alaska là một minh chứng, là Trung Quốc không muốn bị lép vế và muốn một quan hệ quốc tế kiểu mới giữa các cường quốc.
Từ 2010, Trung Quốc đã nhiều lần đề nghị với Mỹ về cơ chế G2 nhưng Mỹ không chấp nhận. Sau 10 năm, Trung Quốc vẫn tiếp tục điều này. Khi nước Mỹ quay trở lại, muốn giá trị của mình, lợi ích, đồng minh và thế mạnh của mình thì cọ xát về chiến lược là rất lớn cả trước mắt cũng như lâu dài.
Lâu dài là vị thế số 1 thế giới, lãnh đạo và duy trì trật tự dựa trên luật lệ. Trước mắt là sự tổn hại trong 4 năm qua về thương mại, công nghệ, dân chủ… Tuy nhiên, dù muốn hay không Trung Quốc vẫn đang rất cần môi trường ổn định để phát triển, hiện thực hoá giấc mơ 100 năm.
Thứ hai là qua các phát biểu vừa qua, Bắc Kinh vẫn muốn cài đặt lại với Mỹ để tạo sự thuận lợi cho phát triển và vị thế của mình. Như vậy, Alaska chỉ là màn dạo đầu, hai bên sẽ có những sự nối tiếp.
Con đường tương lai
Cạnh tranh hai bên sẽ gia tăng nhiều. Nhìn từ góc độ nước Mỹ, có lẽ đây là bước chuyển thứ ba trong chính sách và chiến lược đối ngoại với Trung Quốc trong suốt hơn 5 thập kỷ qua tính từ những năm 1970.
Mẫu số chung đến thời kỳ của Obama là can dự và hợp tác để Trung Quốc vì lợi ích trong tham gia trật tự thế giới hiện hành mà điều chỉnh hành vi để trở thành cổ đông có trách nhiệm.
Đến thời của Trump, lần đầu tiên nhìn nhận quan hệ các nước lớn trong đó có Trung Quốc là cạnh tranh chiến lược và đối thủ chiến lược. Nhưng cách làm của Trump là đòi lại lợi ích nước Mỹ, nước Mỹ trên hết.
Và hiện tại là sự điều chỉnh lần thứ 3, không giống của Obama hay Trump, có sự thừa kế và cả điều mới mẻ. Có thể gọi là Biden 1.0, đó là: Cạnh tranh khi cần thiết; hợp tác khi có thể và phù hợp với lợi ích; sẵn sàng là đối thủ khi bắt buộc.
Ứng xử Biển Đông
Mỹ – Trung sẽ có những cạnh tranh lẫn nhau, cọ xát quan điểm chiến lược với nhau, còn to tiếng với nhau nhưng cách quản trị về ổn định chiến lược cũng sẽ tốt hơn. Như vậy sẽ còn đối thoại dù khác biệt, khó có hợp tác lớn trong thời gian tới.
Thông qua cách Mỹ nhấn mạnh về an ninh hàng hải và hàng không, có thể thấy thời gian tới, Mỹ sẽ tiếp tục rất coi trọng khu vực địa chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt là Biển Đông.
Những động thái của Mỹ thời gian qua thấy rõ sự tiếp nối thời Trump, đó là hoạt động tuần tra tự do an ninh hàng hải. Chính quyền mới của Mỹ đã tái khẳng định tuyên bố ngày 13/7/2020 của Ngoại trưởng Pompeo về quan điểm, lập trường với Biển Đông.
Cần lưu ý lại rằng, tuyên bố của Pompeo có 3 điểm rất quan trọng. Thứ nhất là bác bỏ yêu sách quá mức của Trung Quốc. Thứ hai, nhấn mạnh luật pháp quốc tế, Công ước Luật biển đồng thời nhấn mạnh phán quyết của Tòa trọng tài năm 2016, trong đó lớn nhất là bác bỏ đường lưỡi bò. Thứ ba là bác bỏ những hành vi Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển nước khác, ủng hộ quyền của các nước khác với vùng biển và thềm lục địa của mình.
Nguồn: vietnamnet