Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã quyết định triển khai đợt xét tuyển đầu tiên theo Quyết định 37/2018/QĐ – TTg vào đầu năm 2019. Như vậy, năm 2018 không xét công nhận tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2018.
>> Công bố tiêu chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư mới
Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vừa có thông báo về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Theo thông báo, ngày 31 tháng 8 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); thủ tục hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS thay thế các Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm chức danh GS, PGS.
Thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đang khẩn trương phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng giáo sư các cấp; kiện toàn Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành; hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở và lên kế hoạch triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS đợt sắp tới.
Để có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS theo Quyết định mới của Thủ tướng Chính phủ, tại phiên họp ngày 18 tháng 9 năm 2018, Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã quyết định triển khai đợt xét đầu tiên theo Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg vào đầu năm 2019.
Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước thông báo để các Hội đồng Chức danh giáo sư các cấp, các cơ sở giáo dục đại học và ứng viên biết và chuẩn bị. Khi có kế hoạch chính thức, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ thông báo lịch cụ thể.
Nâng chuẩn GS,PGS và thành viên Hội đồng
Theo quy định 37/2018 về tiêu chuẩn chức danh GS, PGS mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành, tiêu chuẩn GS,PGS đều tăng lên và thành viên Hội đồng.
Cụ thể, ứng viên GS phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 (ba) bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 05 (năm) bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Với ứng viên PGS, công bố kết quả nghiên cứu khoa học,ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 02 (hai) bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 (ba) bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế.
Đặc biệt, theo quy định mới, hồ sơ điện tử của ứng viên phải công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước.
Đối với các thành viên Hội đồng, theo quy định mới để là thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở, tiêu chuẩn của ứng viên là người có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 05 (năm) gần đây. Sử dụng thành thạo ngoại ngữ phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.
Thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước phải có chức danh giáo sư; trường hợp khác do Thủ tướng quyết định. Thành viên Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành và Hội đồng Giáo sư cơ sở phải có chức danh giáo sư, phó giáo sư. Đang tham gia đào tạo, bồi dưỡng và quản lý từ trình độ đại học trở lên.
Theo Dân Trí