Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi các ngân hàng và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đề nghị hưởng ứng và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ ngày Không tiền mặt 16-6 năm nay.
Công văn nêu rõ triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng (NH) Nhà nước; tiếp nối thành công 2 năm 2019, 2020 của chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt 16-6” và theo đề nghị của Báo Tuổi Trẻ, NH Nhà nước đề nghị các NH và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hưởng ứng và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 16-6 của năm nay.
Sẽ có “mưa khuyến mãi” ngày Không tiền mặt
NH Nhà nước đề nghị các NH nghiên cứu áp dụng các chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, tặng quà… để khuyến khích khách hàng, đặc biệt khách ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận trải nghiệm dịch vụ NH như mở thẻ NH, mở mới tài khoản thanh toán…
Các hoạt động chuyển khoản, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt như bằng thẻ hay qua ứng dụng điện thoại di động, mã QR, trích nợ tự động… cũng cần có chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, các NH cũng cần phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán dịch vụ như điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm… thực hiện các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng.
Để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức khuyến mại có thể áp dụng như tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng…
Ngoài ra, các NH cũng nên xem xét ưu đãi phí chiết khấu đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia các chương trình khuyến mại, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.
Đối với các tổ chức trung gian thanh toán, NH Nhà nước đề nghị phối hợp với các tổ chức đơn vị liên quan nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích như giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tích điểm thưởng… cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán không dùng tiền mặt.
Riêng các tổ chức trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử thì nên xem xét miễn, giảm phí, phiếu quà tặng… cho khách hàng đăng ký thành công tài khoản ví với tài khoản thanh toán mở tại NH.
Hệ thống thanh toán xử lý khoảng 25 tỉ USD/ngày
Ông Phạm Tiến Dũng – vụ trưởng Vụ Thanh toán NH Nhà nước – cho biết dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, song hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 3, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, QR code đã thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng. Giá trị giao dịch qua kênh QR code tăng mạnh nhất 146% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.479 tỉ đồng với đạt 5,3 triệu món.
Hàng ngày, các hệ thống thanh toán quan trọng của NH Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỉ USD. Con số này tăng trưởng rất ấn tượng.
Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được NH Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Về định hướng trong thời gian tới, ông Dũng cho hay là NH Nhà nước sẽ trình Thủ tướng ban hành đề án phát triển Thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, NH Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money)…
Xu hướng thanh toán qua ví điện tử, thanh toán “một chạm” tăng mạnh
Thông tin từ các tổ chức thanh toán lớn cũng cho thấy thanh toán không tiền mặt đã có bước phát triển rất nhanh do người dân có xu hướng “online” nhiều hơn. Trước đại dịch, người Việt Nam dành 3,1 giờ trực tuyến mỗi ngày, nhưng trong thời gian giãn cách xã hội, con số đó đã tăng vọt lên 4,2 giờ một ngày vào lúc cao điểm.
Khảo sát về Thái độ thanh toán của người tiêu dùng của Visa cho thấy, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR.
85% người tiêu dùng được khảo sát cho biết đang sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa và dịch vụ ít nhất một lần một tuần. Trong đó 44% người tiêu dùng lần đầu tiên mua sắm qua các kênh mạng xã hội kể từ khi đại dịch lan rộng.
Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tỉ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230% so với cùng kỳ. Tỉ lệ tăng trưởng hằng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử trong giai đoạn quý 1 năm 2021 tăng 5,5 lần so với quý 4 năm 2020.
Thanh toán thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng tăng cường sử dụng phương thức này trong năm 2020. Thanh toán qua mã QR cũng đã tăng vọt trong đại dịch, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (tăng 71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (tăng 58%) và tại siêu thị (tăng 57%).
Trong đó thanh toán không tiếp xúc bằng di động dần trở nên phổ biến, với mức tăng cao nhất trong các giao dịch thuộc lĩnh vực sức khỏe và thể thao.
Theo bà Đặng Tuyết Dung, giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thói quen mua sắm và thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam đã thay đổi đáng kể. Chính sự an toàn và tiện lợi là yếu tố thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ tiền mặt sang các hình thức thanh toán số.
Còn theo kết quả khảo sát “Chỉ số thanh toán mới” mà Mastercard thu thập từ 18 thị trường trên toàn cầu, thì 84% người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp cận với nhiều hình thức thanh toán hơn so với một năm trước.
Mối quan tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương đối với phương thức thanh toán qua mã QR, ví điện tử và tiền mã hóa đã vượt mức trung bình toàn cầu.
Ông Sandeep Malhotra, phó chủ tịch điều hành phụ trách sản phẩm và đổi mới sáng tạo của Mastercard khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho biết nghiên cứu của Mastercard chỉ ra rằng người dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương không chỉ sử dụng các công nghệ thanh toán mới, mà còn chủ động có những thay đổi dựa trên sự cần thiết và cân nhắc về những mối quan tâm tối quan trọng như an toàn cá nhân, tính bảo mật và sự tiện lợi.
Trong tương lai, việc sử dụng nhiều công nghệ thanh toán có xu hướng gia tăng khi người dân ngày càng hiểu rõ và thoải mái khi sử dụng những công nghệ này.
Trái lại, việc sử dụng tiền mặt sẽ giảm dần. Trên thực tế, 69% người tiêu dùng châu Á – Thái Bình Dương tham gia nghiên cứu dự định sẽ ít sử dụng tiền mặt hơn trong năm tới. Trong khi đó, ví điện tử hay ví di động đã trở nên khá phổ biến đối với người tiêu dùng tại khu vực này. 68% số người được hỏi dự định sẽ sử dụng loại hình thanh toán này trong năm tới – cao hơn mức trung bình toàn cầu 62%.
Do vậy các doanh nghiệp có khả năng cung cấp nhiều cách thức mua sắm và thanh toán sẽ có lợi thế nhất trong việc đáp ứng những nhu cầu đặc biệt đang đóng vai trò định hình tương lai ngành thương mại trong nhiều năm tới.
Người tiêu dùng “né” cửa hàng chỉ nhận tiền mặt
Đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra 60% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tránh những cửa hàng không chấp nhận bất kỳ hình thức thanh toán điện tử nào. Khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô sẽ phải đối mặt với kỳ vọng lớn hơn trong việc cung cấp nhiều phương thức mua sắm và thanh toán.
Tuy nhiên an ninh vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Hơn 40% người dùng nói rằng những lý do hàng đầu khiến họ không thử sử dụng các phương thức thanh toán là do lo ngại các vấn đề an ninh và lo ngại về bảo mật dữ liệu. Họ muốn dùng phương thức thanh toán mới nhưng cần có sự đảm bảo nhất định các phương thức thanh toán do người bán đưa ra là an toàn.
Nguồn: tuoitre.vn