Tăng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa lên trên 12 tháng hay nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là những vấn đề nóng được nhiều người lao động quan tâm nhất khi bàn tới Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Thay đổi cách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) được Bộ Nội vụ chủ trì soạn thảo có nhiều nội dung mới liên quan tới việc hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Xung quanh vấn đề này, PV Báo Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn với bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam).
Vừa qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có một số đề xuất liên quan tới việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Xin bà nói rõ về những đề xuất này?
– Thời gian qua, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có đề xuất bỏ thời gian tối đa hưởng TCTN (12 tháng) đồng thời cũng đề xuất thưởng cho những người cả đời đóng BHTN khi về hưu chưa từng nhận TCTN.
Trước khi nói về đề xuất này, cần hiểu đúng về BHTN. Người lao động đóng BHTN không phải chờ để được thưởng hay mong thất nghiệp để được hưởng, đa phần lao động đóng BHTN để đề phòng rủi ro.
Tuy vậy, trong bối cảnh thay đổi công nghệ, hội nhập, người lao động tham gia BHTN cũng luôn phải đối mặt với nguy cơ rủi ro có thể giảm thu nhập, mất việc làm. Do vậy, theo tôi, các chính sách cần hướng tới giảm thiểu rủi ro, mất việc làm thay vì chỉ đợi khi lao động thất nghiệp rồi mới hỗ trợ.
Như vậy, có nghĩa là chính sách cần hỗ trợ người lao động ngay cả khi lao động còn việc làm nhưng có thể công việc bấp bênh, thu nhập thấp hoặc có nguy cơ mất việc.
Tôi lấy ví dụ như thế này: Tại doanh nghiệp đang chuyển đổi hoạt động sản xuất, lao động có thể mất việc, lúc này quỹ BHTN có thể hỗ trợ họ tái đào tạo, hoặc nâng cao tay nghề để thích ứng với môi trường làm việc mới hoặc chuyển đổi việc làm. Việc hỗ trợ giai đoạn này có hiệu quả hơn nhiều lần so với việc để họ mất việc làm rồi mới hỗ trợ tiền bằng cách chi trợ cấp thất nghiệp (TCTN).
Một lý do khác khiến lao động khi thất nghiệp không muốn học nghề nữa đó là khi lao động thất nghiệp, họ cần tìm việc làm ngay để có thu nhập duy trì cuộc sống vì tiền TCTN quá thấp.
Bà Hồ Thị Kim Ngân – Phó trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) trả lời PV Báo Dân Việt. Ảnh: NN
Khi nghiên cứu Luật Việc làm (sửa đổi), nhiều ý kiến cũng cho rằng nên bỏ thời gian hưởng TCTN tối đa là 12 tháng và nâng mức hưởng lên tới 75%? Quan điểm của bà thế nào về đề xuất này?
– Tôi thấy, dự thảo Luật Việc làm sửa đổi quy định lao động tham gia BHTN từ 144 tháng (12 năm) trở lên thì được hưởng tối đa 12 tháng TCTN. Trường hợp lao động chỉ hưởng 3 tháng TCTN có việc làm thì không được bảo lưu 9 tháng còn lại cho lần hưởng sau. Điều này là chưa hợp lý.
Mặt khác, dự thảo cũng hạn chế thời gian hưởng TCTN tối đa 12 tháng là chưa hợp lý vì có những người đã đóng BHTN lên tới 15 hoặc 20 năm thì phải được hưởng TCTN cao hơn. Ví dụ cứ mỗi năm tính 1 tháng TCTN, mức hưởng có thể bằng 60% tiền lương đóng BHTN. Việc hạn chế số tháng hưởng TCTN như vậy thì không đúng nguyên tắc đóng – hưởng, vô tình khiến một số lao động trục lợi chính sách, có lao động đóng đủ 144 tháng xong lại nghỉ việc để hưởng TCTN.
Trước đây, khi mình chưa có Luật Việc làm, theo quy định của Luật Lao động, khi lao động nghỉ việc thì chủ sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc cho người lao động. Theo đó, cứ mỗi năm làm việc tương ứng với ½ tháng lương.
Như vậy, ngay cả khi người lao động không đóng BHTN, chỉ mình doanh nghiệp đóng thì người lao động vẫn được nhận TCTN. Giờ lao động có đóng BHTN mà lại không được hưởng hoặc hưởng thấp hơn thì không được. Không thể lấy lý do “Lo ngại quỹ BHTN không cân đối” mà cắt bớt quyền lợi của người lao động.
Dự thảo Luật việc làm mới có quy định: lao động tự ý nghỉ việc không thuộc diện báo trước và lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật thì không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nhiều ý kiến cho rằng điều này chưa hợp lý, quan điểm của bà thế nào về vấn đề này?
– Tôi cho rằng khi đưa ra đề xuất trên có thể ban soạn thảo cũng đã có những tính toán, cân nhắc nhất định nhằm hạn chế việc lao động trục lợi chính sách TCTN, cũng như để ổn định thị trường lao động, tránh tình trạng lao động nhảy việc.
Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy người lao động có nhiều lý do chủ quan, khách quan để thôi việc. Ví dụ vì lý do khách quan, do công việc thay đổi, sáp nhập cơ quan cách quá xa nơi ở, không thuận lợi cho sinh hoạt, lao động… hoặc các tình huống do lao động bị chèn ép tại nơi làm việc; lao động nữ thời gian nuôi con nhỏ không đảm bảo sức khỏe; lao động chủ động nghỉ việc do trong tình huống bắt buộc, nhưng không thuộc diện báo trước…
Dù trong tình huống nào thì khi mất việc, người lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn vì thế không nên cắt hưởng TCTN. Nguyên tắc của BHTN là có đóng – có hưởng, BHTN ra đời nhằm đảm bảo, hỗ trợ lao động gặp rủi ro khi mất việc, nếu giờ lao động mất việc lại không được hỗ trợ thì sẽ làm giảm tính nhân văn của chính sách.
Nhiều lao động tự do kiến nghị nên mở rộng đối tượng tham gia BHTN theo hướng triển khai BHTN tự nguyện. Bà nghĩ sao về điều này?
– Hiện nay Dự thảo Luật (việc làm) sửa đổi đã mở rộng tham gia BHTN ra nhóm có quan hệ lao động từ 1 tháng trở lên. Ngoài ra, cả nhóm lao động thời vụ, có quan hệ lao động không liên tục. Riêng nhóm lao động tự do không có quan hệ lao động thì chưa được tham gia BHTN.
Theo tôi, trong bối cảnh kinh tế có nhiều biến động, lao động làm ở lĩnh vực nào cũng có thể đối mặt với nguy cơ, rủi ro mất việc làm nên Luật cũng cần quy định thêm chính sách nhằm hỗ trợ nhóm này tham gia BHTN.
Theo Dân Việt