Viện trưởng VKSND Tối cao nêu khó khăn trong công tác cán bộ “không phải thấy làm không ngon là kiểm điểm, rồi cho nghỉ ngay” để lý giải bài toán án oan hay bỏ lọt tội phạm.
Giải đáp băn khoăn của các đại biểu tại phiên họp toàn thể UB Tư pháp hôm qua, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí tán thành với việc phải quan tâm đến vấn đề oan sai, sau đó mới đến bỏ lọt tội phạm.
Còn làm là còn có đúng có sai
“Tôi có nói với anh em trong ngành là oan sai phải là 10 còn lọt là 9. Ý tôi muốn nói là, lọt còn có cơ hội khắc phục, có cơ hội làm lại nhưng oan thì khó khắc phục lắm”, Viện trưởng VKSND Tối cao lý giải.
Theo ông, luật pháp vẫn cho phép một tỷ lệ nào đó tuyên án không phạm tội, oan sai, lọt vì “còn làm là còn có đúng có sai, không thể tuyệt đối được”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí |
“Một năm mấy chục nghìn vụ án hình sự, giả sử có 10 vụ án tuyên không phạm tội, mình cũng băn khoăn quá. Tất nhiên không có vụ nào thì tốt, nhưng trong điều hành hiện nay, đòi tuyệt đối là không có”, người đứng đầu VKSND Tối cao nói.
Nói về chuyện trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, ông Trí cho rằng, vấn đề là động cơ, mục đích cũng như kết quả cuối cùng, còn việc trả hồ sơ luật cho phép nhưng phải kiểm soát tránh bị lạm dụng.
“Thực tế trong nghiệp vụ, việc quyết định trả hồ sơ bổ sung là một động tác để làm rõ bản chất tội phạm, buộc chúng ta phải trả lại hồ sơ”, Viện trưởng VKSND Tối cao giải thích thực tế vừa qua một số vụ án đưa ra xét xử là phải làm động tác này.
Ông Trí nhắc lại có lần báo cáo với QH vì sao án tham nhũng, kinh tế cứ bị trả đi trả lại và chỉ ra một loạt nguyên nhân: đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác.
Người đứng đầu VKSND Tối cao cho rằng, những vụ án như vậy mà nói kết thúc ngay thì chỉ có không làm, chứ làm thì phải trả đi trả lại. Vừa rồi chính nhờ trả đi trả lại mà có những vụ án xét xử được. Trong lúc khó khăn, trả đi trả lại để làm cho bằng được là tích cực; còn làm cho qua rồi trả tới trả lui thì xử lý trách nhiệm.
“Đấu tranh tội phạm đối với những án mình cho là đặc biệt nghiêm trọng và có đặc thù cần phải mạnh tay. Mà mạnh tay thì dễ oan sai, dễ lố, còn thận trọng, cẩn trọng thì ít có oan sai nhưng dễ lọt tội phạm. Giờ muốn khám phá nhiều tội phạm thì phải mạnh tay, mà mạnh tay thì chính sách đối với bồi thường nhà nước thế nào?”, ông nêu.
Ông cũng nhấn mạnh: “Mình dám yêu cầu tấn công tội phạm để đẩy kết quả lên cao thì phải có chính sách an toàn cho anh em” và đề nghị ngành công an, tòa án cũng phải đồng bộ để anh em yên tâm làm.
Viện trưởng VKSND Tối cao nêu thực tế, hơn 100 nghìn vụ án hình sự mỗi năm không thể nào nói không có lọt. “Ngay cán bộ bây giờ muốn thay, muốn đổi cũng không dễ dàng, cũng phải chờ hết tuổi, chờ đến nghỉ hưu, chứ không phải thấy làm không ngon là kiểm điểm, rồi cho nghỉ ngay. Không làm được thế”.
Hơn nữa đào tạo cán bộ phải có lộ trình. Rồi luật mới ban hành rất nhiều nhiệm vụ, rất nhiều yêu cầu, áp lực, đè nặng lên trách nhiệm của anh em như thế nhưng yêu cầu chống oan sai và chống bỏ lọt rất cao.
Người dân có chấp nhận tấn công tội phạm cho phép oan sai?
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga |
Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc trả hồ sơ là một trong những nội dung mà luật cho phép, nhưng không thể nói là trả nhiều lần và trả thoải mái. Những án lớn cũng du di ở một tỉ lệ nhất định.
“Nhưng hàng năm trả hồ sơ những án nghiêm trọng, phức tạp tới hơn 40%, liên tục các năm như thế, nếu đồng chí Viện trưởng là cơ quan thẩm tra thì sẽ nói thế nào với cử tri và QH?”, bà Nga hỏi.
Chủ nhiệm UB Tư pháp đồng ý với việc tấn công tội phạm thì phải có biện pháp bảo vệ cho anh em. Luật hình sự cũng có những điều luật loại trừ trách nhiệm của cán bộ tố tụng trong những trường hợp nhất định, chống oan sai và chống bỏ lọt luôn đi kèm với nhau.
Tuy nhiên bà lưu ý: “Nếu là gia đình có người bị oan sai, chúng ta có chấp nhận việc để tấn công tội phạm mà cho phép oan sai không?”.
Hôm nay, Bộ Công an, TAND Tối cao tiếp tục giải trình các vấn đề liên quan đến công tác phòng chống tội phạm.
Nguồn: vietnamnet