Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo “không phải cứ đỏ mắt là đến bệnh viện” và không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa kháng viêm corticoid trị đau mắt đỏ.

Phụ huynh đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám vì bị đau mắt đỏ - Ảnh: X.MAI

Phụ huynh đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) khám vì bị đau mắt đỏ 

Không phải cứ đỏ mắt là đến bệnh viện. Hiện số trẻ bị đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại ba bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đều tăng cao.

Số liệu thống kê của ngành y tế TP.HCM cho thấy số lượt khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ (còn gọi viêm kết mạc) trong ngày 12-9 trên địa bàn là 3.944 ca, trong đó chiếm đa số trẻ em dưới 16 tuổi với 2.663 ca.

Bệnh viện Mắt TP.HCM ghi nhận số ca đến khám và điều trị đau mắt đỏ giảm, trong khi ba bệnh viện chuyên khoa nhi gồm Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP.HCM đều tăng.

Có nhiều gia đình vì quá lo sợ nên đưa con đến bệnh viện, trong khi tình trạng thực tế chỉ cần ở nhà tuân thủ vệ sinh sạch sẽ ít ngày là có thể khỏi bệnh. Việc đến tập trung tại bệnh viện cũng sẽ tạo ra các nguy cơ lây bệnh.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu

Trẻ đến bệnh viện 10 ngày qua tăng 3-4 lần

Tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc bệnh viện – cho biết tám tháng đầu năm 2023 đơn vị ghi nhận 2.201 ca đau mắt đỏ, trong khi cùng kỳ 2022 chỉ 830 ca (tăng 153%).

Còn nếu tính từ ngày 1-9 đến 11-9, bệnh viện ghi nhận có 715 ca đau mắt đỏ, trong khi cùng kỳ chỉ khoảng trên 50 ca. Đáng lưu ý, chỉ tính số ca đau mắt đỏ 10 ngày cộng lại đã cao gấp đôi tháng 7, 8; gần gấp 3 tháng 1, 2, 3, 4, 6 và gần gấp 4 tháng 5.

Ngày cao điểm bệnh viện ghi nhận 155 ca, trong khi năm 2022 chỉ ghi nhận 10 ca.

Tương tự, tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số ca đau mắt đỏ tính từ ngày 1-9 đến 10-9 tăng gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, cao điểm có ngày ghi nhận 183 ca. Tại Bệnh viện Nhi đồng 2 tăng gấp 6 lần, có ngày ghi nhận đến 194 ca.

Thực tế này là lý do mới đây Sở Y tế TP.HCM yêu cầu bốn đơn vị, gồm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng ĐH Oxford (OUCRU), Bệnh viện Mắt TP.HCM và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) khảo sát nhanh trên những bệnh nhân đến khám, điều trị vì đau mắt đỏ.

Kết quả xác định enterovirus và adenovirus là hai tác nhân chính gây ra bệnh đau mắt đỏ hiện nay ở TP.HCM, trong đó chiếm ưu thế là enterovirus (86%).

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết thời gian tới ngành y tế sẽ tiếp tục khảo sát thêm một lần nữa để đánh giá tình hình dịch bệnh.

Không tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa kháng viêm corticoid

TS.BS Châu cho biết giữa các loại vi rút nêu trên chỉ khác nhau về mức độ lây, còn độ nặng chưa có bằng chứng nào khẳng định có sự khác biệt. Và trong các loại vi rút này, enterovirus nổi lên với độ lây lan mạnh hơn. Đó cũng chính là lý do trên thế giới từng xảy ra các trận dịch đau mắt đỏ do vi rút này gây ra.

Cụ thể, theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố năm 1973, enterovirus type 70 đã gây đại dịch tại nhiều nước châu Phi, châu Á và Vương quốc Anh trong giai đoạn từ 1969 – 1971.

Gần đây vào năm 2014, nhóm vi rút này gây đau mắt đỏ xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng ba tháng.

Còn theo các chuyên gia của Bệnh viện Mắt TP.HCM và các tài liệu khoa học trên thế giới, tác nhân enterovirus gây ra viêm kết mạc mắt vẫn có thể gây ra bệnh cảnh nặng nhưng thường là cấp tính, khác với tác nhân adenovirus có thể gây ra viêm giác mạc mạn tính.

Bác sĩ Châu khẳng định bệnh đau mắt đỏ không phải mới, hầu như năm nào cũng có và bùng lên một thời gian sẽ từ từ “giảm nhiệt”. Trước thực tế số ca đến bệnh viện tuyến cuối có tăng so với cùng kỳ, theo ông có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc lây lan khi trẻ nhập học.

Theo khuyến cáo, người bị đau mắt đỏ có thể dùng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất rửa mắt.

Các loại thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh có nhiều loại, đều có thể sử dụng cho bệnh đau mắt đỏ như ofloxacin, levofloxacin, ciprofloxacin, neomycin, tobramycin, tobrex.

Tuy vậy, các chuyên gia cảnh báo cần được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng…) hoặc phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.

“Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa kháng viêm corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng” – lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo.

Tăng học sinh bị đau mắt đỏ, các trường phòng chống ra sao?

Trẻ có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà để tránh biến chứng - Ảnh: X.MAI

Trẻ có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà để tránh biến chứng 

Phát hiện học sinh bị đau mắt đỏ, trường sẽ báo phụ huynh đón con về và tích cực dùng những biện pháp phòng chống để tránh nguy cơ lây lan thành dịch.

Tại Trường THCS Hoàng Văn Thụ, quận 10, TP.HCM đến nay ghi nhận 12 trường hợp học sinh bị đau mắt đỏ. Con số này tăng nhanh chỉ sau mấy ngày.

Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, dù bệnh đau mắt đỏ lan nhanh nhưng do kịp thời phát hiện, khám bệnh và điều trị nên học sinh bị đau mắt đỏ ở trường nhanh khỏi bệnh.

Đến nay, cơ quan y tế địa phương đã khử khuẩn toàn bộ bàn ghế và nếu phát hiện ca bệnh nào thì tiếp tục khử khuẩn – một đại diện Trường THCS Hoàng Văn Thụ cho biết.

Ghi nhận tại Trường tiểu học Lê Thị Riêng, quận 10, TP.HCM, sáng 12-9 phòng y tế trường chưa phát hiện thêm học sinh nào đi học bị đau mắt đỏ.

Biện pháp chống dịch tại Trường tiểu học Lê Thị Riêng cũng giống như triển khai chống dịch cấp bách. Ngay khi phát hiện ca bệnh thì nhà trường cho nghỉ học và báo về trạm y tế phường để trạm y tế phối hợp với gia đình phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, nhân viên y tế nhà trường sẽ phụ trách triển khai các vấn đề khử khuẩn và phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường đảm bảo việc học sinh vệ sinh, khử khuẩn phòng học, thiết bị học tập đúng cách.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : đau mắt đỏthuốc nhỏ mắt

Các tin liên quan đến bài viết