Hồ tiêu đang vào mùa thu hoạch năm 2017. Khác với những năm gần đây, nhà nông cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu đang “đứng ngồi không yên”, vì giá tiêu giảm từng ngày và giảm mạnh. Theo tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 3-3, giá tiêu trên địa bàn tỉnh dao động từ 105-110 ngàn đồng/kg, trong khi thời điểm này năm 2016 khoảng 180 ngàn đồng/kg. Vì sao và “ai” đã khiến giá tiêu giảm mạnh như vậy?

download

Số liệu thống kê 15 năm qua cho thấy, sản lượng và diện tích của các nước trồng hồ tiêu lớn trên thế giới tăng không đáng kể. Riêng Việt Nam, diện tích trồng tiêu đã tăng chóng mặt, đặc biệt là trong khoảng 5 năm gần đây. Năm 2001, diện tích hồ tiêu nước ta chỉ 36.106 ha, nhưng đến năm 2015 lên 101.623 ha và năm 2016 đạt 110.258 ha – vượt 60.258 ha so với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bình Phước là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất cả nước và cũng tăng mạnh những năm gần đây. Năm 2012, toàn tỉnh có 10.010 ha, năm 2013 lên 10.753 ha… đến tháng 9-2016 lên 14.406 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 9.727 ha, sản lượng vụ 2016 đạt 26.626 tấn (quy hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có 14.500 ha, năng suất bình quân 3,2 tấn/ha).

Cũng trong 15 năm qua, Việt Nam sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, đến năm 2016 chiếm 56% sản lượng thương mại toàn cầu. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 133.569 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt kỷ lục 1 tỷ 276,2 triệu USD. Năm 2016, kỷ lục này bị “phá sâu” khi xuất khẩu 179.233 tấn, kim ngạch 1 tỷ 439,87 triệu USD. Tuy nhiên, năm 2016 đã cho thấy dấu hiệu chững lại của nhu cầu hồ tiêu thế giới khi sản lượng xuất khẩu tăng 34% nhưng kim ngạch chỉ tăng 13%.

Là nước xuất khẩu lớn nhất, vì thế diện tích và sản lượng của Việt Nam sẽ quyết định giá hồ tiêu trên thế giới. Khi nhu cầu thị trường tăng không đáng kể, nhưng diện tích và sản lượng tăng mạnh, tất yếu giá hồ tiêu sẽ giảm. Chưa kể khi nguồn hàng dồi dào, chất lượng khó kiểm soát do tăng nóng diện tích, nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam có thể phải gánh chịu thêm hệ lụy bị đối tác nước ngoài lợi dụng ép giá.

Đây là bài toán rất đơn giản nhà nông cũng như doanh nghiệp nào cũng hiểu. Thế nhưng, bất chấp điều đó, nông dân Bình Phước và các tỉnh, thành vẫn không cưỡng lại được sức hấp dẫn “siêu” hiệu quả kinh tế của cây tiêu so với cây trồng khác. Hàng ngàn hộ nông dân đã bỏ ngoài tai mọi khuyến cáo, lao vào trồng tiêu. Còn doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất để bảo đảm chất lượng cũng như ổn định nguồn nguyên liệu, xây dựng thương hiệu toàn cầu. Chưa nói tới vốn đầu tư lớn, nguy cơ thiên tai do khô hạn hay lốc xoáy, yêu cầu kỹ thuật cao trong trồng, chăm sóc, chế biến… chỉ riêng việc thị trường tiềm ẩn nhiều rủi ro đã cho thấy rất nhiều người đang “đánh đu” với hồ tiêu.

Đã đến lúc không chỉ nhà nông, mà cả doanh nghiệp không thể “nhắm mắt đánh bạc” với hồ tiêu được nữa. Để ngành hồ tiêu Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng phát triển ổn định, đóng góp nhiều cho nền kinh tế, không bị ép hay mất giá và tiếp tục “thống trị” thị trường thế giới, chúng ta không chỉ phải kiểm soát được chất lượng sản phẩm, mà các chuyên gia cũng như ngành chức năng cần có ngay một chiến lược xuyên suốt, bài bản, cụ thể từ quy hoạch, từ những “nhát cuốc đầu tiên” xuống mảnh vườn đến các container xuất khẩu sản phẩm từ hồ tiêu. Đặc biệt trong thời buổi cạnh tranh quốc gia ngày càng khốc liệt, yêu cầu cần có những doanh nghiệp chế biến sâu để gia tăng giá trị từ hồ tiêu càng trở nên cấp thiết.

Trần Phương

Từ khóa : đánh bạcgiá hồ tiêunăng suấtnhắm mắt

Các tin liên quan đến bài viết