Theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, từ tháng 6-2022 tại các trạm thu phí BOT chỉ còn duy nhất một làn thu phí hỗn hợp, còn lại là thu phí tự động (thu phí không dừng – ETC). Thậm chí có tuyến cao tốc chỉ có làn ETC.

Không lắp đủ thu phí tự động: Sẽ dừng thu phí, được không? - Ảnh 1.

Đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang chuẩn bị mời thầu để lắp thêm các làn ETC. Trong ảnh: trạm thu phí Long Phước chiều 3-5

Những chủ đầu tư BOT nào không hoàn thành đúng tiến độ lắp đặt hệ thống ETC sẽ bị xử lý, thậm chí bị buộc dừng thu phí. Điều này đòi hỏi các nhà xe cũng phải xúc tiến nhanh việc dán thẻ ETC. Liệu mục tiêu này có được thực hiện sau nhiều lần lỡ hẹn?

Chỗ chen chúc, nơi vắng xe qua

Chiều 3-5, ghi nhận tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân cuối đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ vào cửa ngõ Hà Nội cho thấy dù lưu lượng xe không lớn, do nhiều người đã chủ động trở về Hà Nội ngày trước đó hoặc từ sáng sớm, nhưng có thời điểm vẫn có nhiều xe xếp hàng chờ trả tiền thu phí bằng tiền mặt tại các làn thu phí thủ công.

Còn các làn thu phí ETC lại khá thoáng, không ùn ứ do xe băng qua trạm không phải dừng.

Anh Gia Hải, người lái xe từ Ninh Bình về Hà Nội, cho hay đã di chuyển khá thuận tiện do lượng xe chiều 3-5 thay vì “bò” trên đường như sáng 30-4 hoặc những dịp lễ khác khi có nhiều xe tập trung rời Hà Nội vào một thời điểm.

“Tại các trạm thu phí trên đường chỉ đông xe ở làn thu phí tiền mặt, còn làn thu phí ETC rất vắng, xe dán thẻ ETC qua trạm không phải dừng. Dịp lễ Tết nào cũng thấy cảnh đó”, anh Hải chia sẻ.

Tương tự, anh Hoàng Vĩnh Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết thường về quê ở Nam Định nên chủ động sử dụng ETC từ vài năm trước.

“Dùng ETC có cái tiện là không mất thời gian dừng tại trạm trả tiền, mưa nắng gì cũng không phải hạ kính, đỡ nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Những lúc làn trả tiền mặt có nhiều xe xếp hàng chờ qua trạm, mình vẫn bon bon qua làn ETC mà không phải dừng xe”, anh Thắng nói.

Với anh Nguyễn Anh Tuấn (ở Linh Đàm, Hà Nội), người thường về quê ở Hải Phòng bằng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, dùng ETC có nhiều tiện lợi nhưng cũng không ít bức xúc, nhất là có tình trạng những xe không sử dụng ETC lại đi vào làn ETC, gây cản trở giao thông. Nếu nhân viên trạm thu phí kiên quyết bắt xe đó lùi lại để chuyển sang làn trả phí bằng tiền mặt, vừa mất an toàn vừa khổ những xe sau vì cũng phải lùi.

“Với những trường hợp này, theo tôi, cảnh sát giao thông nên phạt nặng để bảo vệ quyền lợi cho những người dùng ETC. Ngoài ra các trạm BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC cũng cần thường xuyên kiểm tra, bảo trì để duy trì hệ thống ETC không gây những sự cố bất ngờ như đứt cáp quang, lỗi hệ thống ETC… khiến cho xe có tiền trong tài khoản thu phí nhưng vẫn phải trả tiền mặt”, anh Tuấn nói.

Không lắp đủ thu phí tự động: Sẽ dừng thu phí, được không? - Ảnh 2.

Tổng hợp 

Không lắp đủ ETC sẽ dừng thu phí?

Ngày 26-4, ông Nguyễn Văn Thể đã ban hành kết luận về triển khai ETC, trong đó giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với từng địa phương, từng nhà đầu tư BOT để thống nhất phương án lắp đặt các làn thu phí ETC còn lại tại tất cả các trạm thu phí, hoàn thành trong tháng 6-2022.

Theo đó, cơ quan này rà soát hợp đồng, quy định pháp luật kịp thời xem xét dừng thu phí đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý không hoàn thành đúng tiến độ lắp đặt hệ thống ETC.

Với các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, khai thác, ông Thể yêu cầu khẩn trương thực hiện đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

Trường hợp đến ngày 30-6-2022, việc triển khai không đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp xử lý trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan nếu để chậm tiến độ hoàn thành.

Trước đó ngày 22-11-2021, Phó thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các nhà đầu tư dự án BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí khẩn trương lắp đặt ETC tại các làn thu phí còn lại, đảm bảo trong quý 1-2022 mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp (kết hợp cả ETC và một dừng – trả tiền mặt) trên mỗi chiều lưu thông.

Tuy nhiên vì nhiều lý do, trong đó có dịch COVID-19, mục tiêu này đã không thực hiện được.

Trong 113 trạm thu phí trên toàn quốc (đều đưa vào vận hành hệ thống ETC với 575 làn ETC), chỉ mới có 63 trạm đã lắp 100% làn ETC. Do đó, Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng lùi đến hạn chót là 30-6-2022. Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp trong quý 2-2022, Bộ GTVT cho biết cần lắp 106 làn ETC tại 24 trạm thu phí.

Đối với 11 trạm thu phí thuộc 5 địa phương quản lý cần lắp 58 làn ETC (Quảng Ninh 22 làn/7 trạm, Bình Phước 24 làn/6 trạm, Bình Dương 4 làn/2 trạm, Lâm Đồng 2 làn/1 trạm), vào tháng 2-2022 vừa qua, Bộ GTVT đã có công điện đề nghị các địa phương đôn đốc thực hiện.

Riêng tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, từ 1-6-2022, Bộ GTVT sẽ thí điểm chỉ thu phí ETC, xe không sử dụng ETC có thể đi quốc lộ 5 song song với đường cao tốc này, trả tiền mặt tại làn hỗn hợp.

Không lắp đủ thu phí tự động: Sẽ dừng thu phí, được không? - Ảnh 3.

Nhân viên trạm thu phí Liên Đầm (trên quốc lộ 20, Di Linh, Lâm Đồng) đã “tận dụng” làn thu phí ETC (ở giữa) cho xe đi qua theo hướng ngược để giảm lượng xe đông hơn từ làn khác 

Cần xử nghiêm tài xế vi phạm

Theo ông Nguyễn Huy Thiêm – phó phòng công nghệ thông tin, Công ty Quản lý khai thác cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tuyến cao tốc này đã lắp toàn bộ làn ETC nhưng tỉ lệ xe dán thẻ vẫn còn thấp. Nhiều xe không dán thẻ, tiền trong tài khoản thu phí không đủ vẫn đi vào làn ETC gây cản trở xe khác.

“Các trạm thu phí đều có dữ liệu hình ảnh xe qua trạm. Vì vậy nên chuyển dữ liệu xe vi phạm để cảnh sát giao thông phạt nguội nhằm đảm bảo quyền lợi cho xe dán thẻ”, ông Thiêm kiến nghị.

Theo ông Lâm Đại Vinh – phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, việc sử dụng thu phí ETC sẽ giúp giảm ùn tắc, giúp cho doanh nghiệp vận tải giảm chi phí nhiên liệu, giảm thời gian vận chuyển hàng hóa…

Vì tiện đủ đường nên hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều ủng hộ và đã thực hiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC từ lâu. Trên thực tế, một số trạm thu phí vẫn chưa hoàn thành việc lắp đặt làn ETC, dẫn đến bất cập là xe của đơn vị vận tải đã dán thẻ nhưng khi qua trạm thu phí lại không sử dụng được.

“Do đó tôi đồng tình với quan điểm là dừng thu phí đối với các trạm chậm trễ lắp đặt ETC. Khi lắp đặt xong theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, các trạm mới thu phí trở lại”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, ông Lê Trung Tính – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách TP.HCM – cho hay các doanh nghiệp vận tải hành khách ở TP.HCM đang triển khai rất khẩn trương việc dán thẻ. Chẳng hạn, các công ty nhờ hiệp hội công bố danh sách các doanh nghiệp có xe chưa dán để cử người tới dán tại chỗ.

Các công ty còn khuyến khích một số hợp tác xã và doanh nghiệp vận tải làm cộng tác viên dán thẻ. Với các giải pháp như trên, cộng với việc tổ chức dán ở trạm đăng kiểm và các trạm thu phí…, tỉ lệ các xe sử dụng dịch vụ thu phí ETC sẽ tăng lên, đạt yêu cầu theo mục tiêu đề ra.

Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây: 10 làn thu phí thủ công vẫn tắc

Chiều 3-5, ghi nhận của chúng tôi cho thấy tại trạm thu phí Long Phước của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây hướng từ tỉnh Đồng Nai về TP.HCM đã trưng dụng 11 làn thu phí nhằm tránh gây ùn tắc cục bộ trước trạm. Trong 11 làn thu phí chỉ có duy nhất một làn thu phí ETC. Trong khi làn thu phí ETC khá ít xe chạy vào, 10 làn thu tiền mặt có lượng xe chạy vào khá đông.

Ở chiều ngược lại, từ TP.HCM đi tỉnh Đồng Nai, trong 3 làn thu phí cũng chỉ có 1 làn thu phí ETC. Hầu hết các xe đều đi vào hai làn thu phí tiền mặt, rất ít xe đi vào làn thu phí ETC. Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC-E) cho hay trong dịp lễ vừa qua, lượng xe qua cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây rất đông, cao điểm nhất là ngày 29-4 với hơn 74.000 lượt. Với lượt xe thông qua như trên khiến cao tốc quá tải.

Xử phạt 1 – 2 triệu đồng, tước bằng lái xe 1 – 3 tháng

Tại công văn số 8544 ngày 22-11-2021 về triển khai ETC, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ ETC xử phạt nghiêm với người lái xe không đủ điều kiện thu phí đi vào làn ETC gây cản trở giao thông.

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 25-11-2020, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các đơn vị quản lý dự án BOT và nhà cung cấp dịch vụ ETC trích xuất dữ liệu tại các trạm thu phí để xử phạt xe không dán thẻ thu phí ETC nhưng đi vào làn ETC, gây cản trở giao thông.

Theo nghị định 123 của Chính phủ, người điều khiển “xe không đủ điều kiện để thu phí ETC (xe không gắn thẻ đầu cuối hoặc gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn ETC) đi vào làn đường thu phí theo hình thức ETC sẽ bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng, tước bằng lái xe từ 1 – 3 tháng.

Quảng Trị: tỉ lệ qua làn thu phí ETC cao, xe không lo tắc

Những ngày nghỉ lễ vừa qua, lưu lượng xe qua lại trạm thu phí BOT Quảng Trị (quốc lộ 1 đoạn qua xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) tăng cao hơn rất nhiều so với ngày thường nhưng vẫn không xảy ra ùn ứ. Theo quan sát của Tuổi Trẻ, trong khoảng nửa giờ chiều 3-5, có khoảng 200 xe các loại qua lại trạm. Trong đó hơn 2/3 số xe qua trạm trên làn thu phí ETC. Với làn thu phí bằng tiền mặt, thời điểm nhiều nhất cũng chỉ có khoảng 3 – 4 chiếc xe cùng qua trạm, nhiều thời điểm không có xe qua.

Theo ông Hoàng Gia Đại – giám đốc Công ty BOT Quảng Trị, thống kê sơ bộ của đơn vị quản lý trạm cho thấy có trên 10.000 lượt xe qua trạm mỗi ngày, trong đó chủ yếu đều qua trạm ở làn thu phí ETC. Ở Quảng Trị, tỉ lệ các chủ xe đăng ký hình thức ETC rất cao. “Xe qua trạm ở làn thu phí ETC gần như chưa bao giờ bị tắc lại, thuận lợi cho tài xế hơn nhiều lần so với việc xe phải qua làn thu phí có dừng”, ông Đại nói.

Bình Phước: sẽ hoàn thành lắp đặt đúng tiến độ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Phước cho biết đến nay cả 4 trạm thu phí BOT trên địa bàn Bình Phước (tuyến quốc lộ 13 và ĐT741) đều có ít nhất 1 làn thu phí ETC/chiều.

Dự kiến đến ngày 30-6, các trạm thu phí sẽ cơ bản hoàn thành lắp đủ làn thu phí ETC, chỉ còn 1 làn hỗn hợp/chiều. Nếu trạm BOT nào không lắp đủ làn thu phí ETC trước 30-6 sẽ bị đề xuất ngừng thu phí theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Tuy nhiên vị này cũng thừa nhận lượng xe dán thẻ qua lại các trạm chưa nhiều.

Ông Hùng – một người dân thường xuyên đi lại trên tuyến đường này – cho biết từ khi dán thẻ thu phí ETC, việc qua lại trạm rất nhanh so với những xe vào làn thu phí thủ công. “Nhưng nhiều xe vẫn chưa dán thẻ ETC nên làn thu phí một dừng lúc nào cũng đông xe hơn làn thu phí ETC”, ông Hùng nói.

Cần Thơ: xử nghiêm

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Tiến Dũng – giám đốc Sở GTVT Cần Thơ – cho biết sau ngày 1-6-2022, cơ quan này sẽ chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông đóng chốt tại 2 trạm thu phí là BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp (quận Cái Răng) và trạm BOT T2 (quận Ô Môn) để kiểm tra, xử lý các trường hợp được xác định vi phạm hành chính, liên quan việc thu phí ETC.

Theo ông Dũng, cơ quan này đã có văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc triển khai dán thẻ định danh đối với ôtô để sử dụng dịch vụ thu phí ETC khi qua các trạm thu phí và không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1-6-2022. “Ngành chức năng Cần Thơ sẽ xử lý nghiêm đối với xe không đủ điều kiện đi vào làn thu phí ETC, gây ùn tắc giao thông”, ông Dũng nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Phương – chủ tịch HĐQT Công ty TNHH BOT quốc lộ 1 – Sóc Trăng, 2 trạm thu phí tại Sóc Trăng và Bạc Liêu đã triển khai thu phí ETC từ lâu, mỗi trạm 2 làn xe. Công ty cũng đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thiết bị vận hành hệ thống thu phí ETC. “Theo thỏa thuận đã ký, hạn chót đến ngày 30-5 phải xong 4 làn thu phí ETC còn lại”, ông Phương khẳng định.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : ETCthu phíthu phí tự độngtrạm thu phí BOT

Các tin liên quan đến bài viết