Mặc dù Thủ tướng đã nói rõ chủ trương của cách ly xã hội là hạn chế đi lại nhưng không được ‘ngăn sông cấm chợ’, người dân có nhu cầu chính đáng vẫn được đi lại, tuy nhiên một số địa phương kiểm soát ‘quá tay’.
Ngày 3-4, ba ngày sau thời điểm chỉ thị thực hiện cách ly xã hội của Thủ tướng có hiệu lực, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, nhiều địa phương đã kiểm soát việc đi lại quá mức, thậm chí “ngăn sông cấm chợ”, gây bức xúc cho người dân.
Phạt nếu ra khỏi nhà sau 22h không lý do
Tại Hải Phòng, tính đến ngày 3-4 địa phương này đã thành lập tổng cộng 10 chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ đường bộ.
Về ý kiến Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng một số địa phương “ngăn sông cấm chợ” không đúng tinh thần chỉ thị của Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Chuyến – phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng – khẳng định TP lập các chốt kiểm soát để giám sát và hạn chế việc đi lại của người dân không phải là “ngăn sông cấm chợ”.
Theo ông Chuyến, ngoài các xe chở hàng hóa, xe chở công nhân lao động, chuyên gia nước ngoài… thì người và xe cá nhân từ địa phương chưa có dịch COVID-19 vẫn được vào TP sau khi khai báo y tế, hành trình đi lại.
“Chỉ thị của Thủ tướng có nêu một ý là không để người từ vùng có dịch sang địa phương khác. Mặc dù Thủ tướng có quyết định công bố dịch trên phạm vi toàn quốc nhưng phải hiểu những địa phương nào đã có dịch COVID-19 bùng phát thì cần phải hạn chế tối đa người từ vùng đó vào địa phương mình” – ông Chuyến nói.
Cũng theo ông Chuyến, nếu người từ Hà Nội đến mà có lý do cấp thiết, chính đáng thì vẫn được cho vào Hải Phòng sau khi kiểm tra sức khỏe. Tuy nhiên, nếu người đến chỉ để thăm thân bình thường thì các trạm kiểm soát sẽ đề nghị người đó quay trở lại.
Không chỉ kiểm soát cửa ngõ, Hải Phòng có hơn 2.560 tổ kiểm soát, phòng chống dịch bệnh ở cơ sở.
Ngoài kiểm soát ban ngày, ông Nguyễn Văn Tùng – chủ tịch UBND TP Hải Phòng – chỉ đạo sau 22h hằng ngày, lực lượng công an phải chuyển từ trạng thái kiểm soát dịch bệnh sang chốt điểm an ninh trật tự.
Trước mắt trong các ngày đầu, Công an TP nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm việc không ra khỏi nhà sau 22h và bắt đầu từ ngày 5 đến 15-4 sẽ xử phạt hành chính với mức tối đa những trường hợp ra khỏi nhà sau 22h không có lý do chính đáng, không mang theo giấy tờ tùy thân.
Theo lãnh đạo TP, những biện pháp này hoàn toàn không gây khó khăn cho người thực sự có việc cần kíp phải ra ngoài vào thời gian nói trên, mà mục đích kiểm soát chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch bệnh và an ninh trật tự trên địa bàn.
Hạn chế người dân từ các tỉnh có ca bệnh
Theo ông Đặng Trọng Thăng – chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, việc tỉnh này ra công điện khẩn yêu cầu các ban ngành, địa phương tạm dừng việc di chuyển của người dân từ vùng có dịch về địa bàn tỉnh Thái Bình kể từ 0h ngày 3-4 là dựa vào nội dung chỉ thị của Thủ tướng và các quyết định công bố dịch.
“Việc tạm dừng di chuyển người dân từ vùng có dịch thì cần hiểu đó là những tỉnh thành đã có dịch bùng phát thời gian vừa qua và hiện nay tỉnh cũng tập trung kiểm soát những người từ các vùng này.
Nếu người dân từ các tỉnh thành đã có dịch đến mà không có lý do đặc biệt thì đương nhiên phải tạm dừng đi vào địa phương nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh” – ông Thăng nhấn mạnh.
Ghi nhận thực tế trong ngày 3-4, người dân và xe cộ từ nơi khác vào tỉnh Thái Bình đều phải dừng lại để khai báo y tế, đo thân nhiệt, nếu không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe thì được phép đi lại bình thường.
Ngày 3-4, lãnh đạo tỉnh Thái Bình cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh để xảy ra tình trạng rào chặn lối đi lại của người dân phải gỡ bỏ, đồng thời vẫn bố trí sắp xếp tổ công tác làm nhiệm vụ kiểm soát y tế đối với người dân ra vào.
Cách ly tập trung người về từ Hà Nội, TP.HCM
Theo phản ảnh của người dân, tại huyện Nông Sơn (Quảng Nam), địa phương này đã lập 3 chốt kiểm soát tại các tỉnh lộ ĐT610, ĐT611, đường Trường Sơn Đông để kiểm soát những người qua lại.
Người dân từ nơi khác nếu có hộ khẩu tại Nông Sơn thì cho qua, không có thì cán bộ ở chốt khuyên họ quay trở lại.
Sau khi được nhân viên chốt kiểm soát “vận động” khá gay gắt, những người không chứng minh được có hộ khẩu tại Nông Sơn đã phải quay trở lại trong sự khó chịu.
Ông Nguyễn Văn Hòa – chủ tịch UBND huyện Nông Sơn – cho biết huyện chỉ vận động người dân cố gắng “ở đâu thì ở yên đó”.
“Ở huyện cũng có những trường hợp đi lại các nơi khác nhưng về khai báo y tế không trung thực gây khó khăn trong việc kiểm soát dịch. Chúng tôi chỉ vận động người dân là chính chứ không phải quyết liệt đóng cửa không cho ra vào” – ông Hòa lý giải.
Hiện nay tỉnh Quảng Nam đã lập 8 chốt trên các tuyến quốc lộ 1, tỉnh lộ để kiểm soát y tế đối với người vào địa bàn tỉnh.
Ông Lê Trí Thanh – chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết tỉnh không “ngăn sông cấm chợ”, chỉ kiểm soát chặt chẽ khai báo y tế đối với người ngoài tỉnh.
Chiều 3-4, tỉnh họp trực tuyến với các địa phương và quán triệt bất cứ chỗ nào “ngăn sông cấm chợ”, phong tỏa thì phải dỡ bỏ.
Ông Nguyễn Văn Hai – giám đốc Sở Y tế kiêm người phát ngôn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam – cho biết từ ngày 1 đến 3-4, toàn tỉnh có gần 400 người từ nơi khác trở về (chủ yếu từ TP.HCM), toàn bộ được cách ly tập trung và ngành y tế đã lấy mẫu xét nghiệm.
Ông Hai cho rằng Thủ tướng đã chỉ thị cách ly xã hội, những người về quê chứng tỏ họ không có trách nhiệm với cộng đồng nên phải chịu cách ly tập trung.
Theo quy định của UBND tỉnh, những người được cách ly tập trung phải chi trả chi phí chăm sóc y tế, xét nghiệm, ăn uống…
Nhiều tỉnh gỡ lệnh cấm chạy phà
Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ Lê Tiến Dũng cho biết Cần Thơ thông báo tạm dừng hoạt động các bến khách ngang sông từ 0h ngày 1 đến 15-4. Các trường hợp phục vụ công vụ, cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết và chở bệnh nhân đi cấp cứu vẫn hoạt động.
Ví dụ, cấm hoàn toàn bến đò Cồn Khương vì người dân từ thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) có thể đi bằng đường bộ qua cầu Cần Thơ.
Ngược lại, bến phà từ Thốt Nốt qua cồn Tân Lộc là tuyến độc đạo nên vẫn hoạt động nhưng có bảng thông báo chỉ phục vụ các trường hợp được phép qua lại.
Trong khi đó, Sở GTVT tỉnh Long An đã tạm ngưng tất cả bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh từ 0h ngày 1-4, trừ hai bến phà có lưu lượng công nhân đông là Tân Thanh (huyện Cần Giuộc) và Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ) chỉ hoạt động hạn chế buổi sáng từ 6h-7h và buổi chiều từ 17h-18h.
Tuy nhiên ngày 3-4, ông Đặng Hoàng Tuấn – phó giám đốc Sở GTVT – cho biết sở đã gỡ bỏ lệnh tạm ngưng và đề xuất UBND tỉnh cho thêm 4 bến phà ở hai huyện Đức Hòa và Đức Huệ hoạt động trở lại một lượt sáng và một lượt chiều trong thời gian khoảng 1 giờ.
“Sau khi xem xét ý kiến một số địa phương về việc ngăn phà có thể gây ảnh hưởng đến việc đi lại, sản xuất, lao động, sở đã trình UBND tỉnh điều chỉnh để đảm bảo vừa phòng chống dịch vừa hạn chế việc ảnh hưởng đến làm ăn, kinh tế của người dân” – ông Tuấn nói.
Tương tự, ngày 2-4 Sở GTVT tỉnh Sóc Trăng cũng đã thu hồi văn bản buộc dừng các bến phà, bến khách ngang sông để ngăn ngừa dịch COVID-19.
Sở chỉ yêu cầu doanh nghiệp dừng các chuyến tàu chở khách từ bờ ra đảo, còn các bến phà, bến khách ngang sông chỉ bị hạn chế lượng khách vận chuyển.
Tại Tiền Giang, ông Trần Văn Bon – giám đốc Sở GTVT – cho biết theo chủ trương của UBND tỉnh, 15 bến phà liên tỉnh từ 0h ngày 1 đến hết ngày 15-4 tạm ngưng hoạt động.
Tuy nhiên, việc cấm phà những ngày qua đã gây khó khăn cho người dân trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đặc biệt là việc vận chuyển trái cây, cây giống giữa huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) với huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) gặp khó khăn vì trước đây có phà chạy ngang sông Tiền nhưng nay phải chạy vòng xa hơn 60-70km.
Sau nhiều kiến nghị, chiều 3-4 một số bến phà nối giữa tỉnh Tiền Giang – Bến Tre đã chạy trở lại với tuần suất thưa hơn ngày thường.
Quảng Ninh chấn chỉnh việc đào hố, đổ đất ngăn đường
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh ngày 3-4 cho biết tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát người dân ra vào địa bàn tỉnh theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng. Vừa qua có một số địa phương trong tỉnh thực hiện chưa linh hoạt và UBND tỉnh đã chấn chỉnh kịp thời.
Tỉnh yêu cầu các địa phương không được đào hào, đổ đất ngăn đường để hạn chế giao thông mà báo chí đã phản ánh. Những trường hợp cần thiết phải lắp đặt rào chắn thì phải có biển báo hướng dẫn hoặc tổ chức các chốt kiểm soát làm nhiệm vụ theo quy định.
28 xe khách phải quay đầu, không được vào TP.HCM
Lực lượng chức năng kiểm tra một xe chở công nhân trên quốc lộ 1, quận Thủ Đức, TP.HCM
Ông Đàm Phan Phát – phó chánh thanh tra Sở GTVT TP.HCM – cho biết từ ngày 1-4 đã phối hợp lực lượng CSGT lập 10 chốt trên các tuyến cửa ngõ (quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 50, đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây…) để kiểm soát xe chở khách ra vào TP.
Các chốt chặn này còn có nhiệm vụ kiểm tra y tế với người có nhu cầu di chuyển liên tỉnh.
Các tổ công tác đã kiểm tra 76 xe, trong đó nhắc nhở và yêu cầu 28 xe khách từ các tỉnh đi vào cửa ngõ TP quay đầu trở lại nơi xuất phát.
Các tài xế xe khách này giải thích do chưa nắm rõ quy định về việc tạm ngưng vận chuyển hành khách vào TP. “Các xe khách vào cửa ngõ TP đều buộc phải quay đầu.
Xe đưa rước công nhân, chuyên gia phải chấp hành đúng quy định về phòng dịch mới được lưu thông” – ông Phát nói.
Tại cuộc họp báo chiều 3-4, ông Trần Quang Lâm – giám đốc Sở GTVT TP.HCM – cho biết từ ngày 1-4 toàn bộ giao thông công cộng, xe khách, taxi, xe công nghệ đã tạm dừng nên sở sẽ bố trí 200 ôtô để hỗ trợ người dân trong các trường hợp cấp bách như tai nạn, bệnh tim mạch, phụ sản, bệnh nhi, bệnh nhân đau ốm, đột quỵ… phải đi đến bệnh viện mà không thể di chuyển bằng xe máy.
“Các xe này túc trực và dưới sự điều hành của bệnh viện để chở bệnh nhân, sản phụ xuất viện… Người dân ở ngoài đường gặp trường hợp cấp thiết thì gọi cấp cứu 115, bệnh viện sẽ điều phối xe tới” – ông Lâm nói.
ĐỨC PHÚ – THẢO LÊ
Đà Nẵng dừng bán hàng mua mang về
Mấy ngày qua Đà Nẵng yêu cầu dừng hoạt động các nhà hàng, quán ăn bán đồ ăn sáng kể cả hình thức mua online, mua mang về. Theo Sở Công thương, việc này nhằm hạn chế tối đa tụ tập đông người và giảm lượng người ra đường hằng ngày.
Ngoài ra, hạn chế việc tiếp xúc của người dân với người giao hàng vì đây là lực lượng tiếp xúc thường xuyên với nhiều người mỗi ngày, tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm dịch bệnh.
Theo Sở Công thương, các lò sản xuất mì, bún, phở, bánh mì vẫn được phép hoạt động bình thường. Người dân có thể đến mua trực tiếp hoặc đến chợ mua về tự chế biến.
Nguồn: tuoitre.vn