Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng thông tin giúp kỹ thuật thông tin liên lạc ngày càng phát triển đa dạng, hiện đại. Công nghệ thông tin, truyền thông thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chi phối hoạt động của tổ chức, cá nhân. Cuộc cách mạng thông tin, truyền thông đã phát triển với trình độ cao, tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, dân tộc. Sự phát triển của cách mạng khoa học – kỹ thuật, công nghệ đã làm cho thông tin được vật chất hóa, trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo ra nhiều vận hội mới cho sự phát triển của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì quá trình này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với an ninh, lợi ích quốc gia. Nhìn từ chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia, cùng với sự phát triển phổ cập mạng lưới thông tin và xa lộ thông tin toàn cầu, khái niệm biên giới địa lý, hành chính của quốc gia bị tác động theo hướng mờ nhạt dần. Việc mở rộng biên giới thông tin và đảm bảo an toàn của nó trở thành nhiệm vụ quan trọng, song đó cũng là một thách thức đối với nước ta trong thời đại cách mạng thông tin và toàn cầu hóa. Cách mạng thông tin, với sự ra đời của mạng lưới thông tin toàn cầu, phi tập trung hóa đã tạo ra khả năng tổ chức xã hội theo kiểu mạng lưới. Trong điều kiện đó, việc thực thi quyền lực theo thứ bậc, đơn vị và kiểm soát tập trung đứng trước những sức ép lớn, nó thúc đẩy xu hướng phân quyền, tập trung quyền lực nhà nước và các thực thể tư nhân, tổ chức quốc tế. Đó chính là nguy cơ, thách thức lớn đối với chủ quyền và an ninh quốc gia nước ta trong tình hình hiện nay.
Các thế lực đế quốc, tư bản và thực dân mới có điều kiện sử dụng ưu thế về sức mạnh thông tin và công nghệ thông tin để tuyên truyền, phổ biến các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, kinh tế thị trường tự do, văn hóa… của chủ nghĩa tư bản nhằm phổ biến nó trở thành giá trị toàn cầu. Đây là mối đe dọa vô hình nhưng rất mạnh mẽ, nguy hiểm đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Những mối đe dọa đối với an ninh và lợi ích quốc gia trong lĩnh vực thông tin trở nên đa dạng, khó xác định hơn. Do vậy, việc kiểm soát, phát hiện và tổ chức đấu tranh trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Thông qua mạng thông tin toàn cầu, không cần nhà nước mà bất cứ kẻ khủng bố, một tổ chức tội phạm hay một đối tượng hacker… với một máy tính cá nhân và vài công cụ hỗ trợ, ở bất kỳ nơi đâu đều có thể thực hiện một cuộc tấn công xâm nhập, phá hoại cơ sở dữ liệu quan trọng hoặc trung tâm điều hành hệ thống thông tin, thậm chí phát động chiến tranh với cả một quốc gia.
Nguy cơ mất, lộ, lọt bí mật nhà nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, quân sự, an ninh rất hiện hữu trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin; hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp như lừa đảo, trộm cắp, đánh bạc qua mạng; truy cập bất hợp pháp vào cơ sở dữ liệu máy tính; tạo ra, lan truyền, tán phát virus; đưa thông tin trái phép lên mạng…
Theo thông tin được công bố tại hội thảo bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia do Bộ Công an phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 25-8 vừa qua cho thấy, hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia của Việt Nam luôn trong tình trạng nguy hiểm. Tình hình lộ, lọt bí mật nhà nước trên internet diễn ra nghiêm trọng. Từ đầu năm 2016 đến hết 6 tháng năm nay, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng. Các hệ thống thông tin quan trọng bị tấn công rất mạnh. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2017 có 4.605 trang/cổng thông tin điện tử có tên miền quốc gia (.vn) bị tấn công, chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, chỉnh sửa nội dung, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý là trong số này có 148 trang thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước (.gov.vn). Nếu tính từ năm 2014, con số này là hơn 18.000 trang/cổng thông tin điện tử bị tấn công.
Bảo vệ an ninh thông tin là một bộ phận quan trọng trong chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia. Để làm tốt công tác này, chúng ta cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh thông tin của Đảng, Nhà nước như Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 16-9-2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; Chỉ thị số 05/2012/CT-TTg ngày 21-2-2012 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17-6-2014 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng trong tình hình mới; Luật An toàn thông tin mạng năm 2015… nhằm triển khai công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn chống hoạt động khai thác, sử dụng hệ thống thông tin xâm phạm an ninh quốc gia; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các nước nhằm ứng dụng, ban hành các kế hoạch đảm bảo an ninh thông tin phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức khi trao đổi thông tin trên mạng. Phải coi đây là nhiệm vụ và giải pháp quan trọng bậc nhất vì con người là yếu tố tác động, quyết định trong bảo vệ an ninh thông tin.