Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người uy tín giảm sút; ‘lợi ích nhóm’; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 sáng nay, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng ghi nhận công tác tổ chức xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống chạy chức, chạy quyền có chuyển biến mạnh mẽ.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: Nói không có chạy chức quyền thì không dám nhưng nay đã giảm rất nhiều |
Chạy chức, chạy quyền đã giảm nhiều
Thường trực Ban Bí thư điểm lại một số kết quả mà ngành tổ chức xây dựng Đảng đạt được trong năm và nhìn lại 4 năm qua, trong đó có công tác chuẩn bị Đại hội Đảng 13, công tác quy hoạch cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược.
Ông cũng nhấn mạnh kết quả thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đã tiết kiệm cho ngân sách hàng chục ngàn tỉ đồng.
“Đây là vấn đề cực khó, không phải lần đầu tiên làm, trước đây đã có nhiều chủ trương, nhưng cứ nói giảm đầu mối thì đầu mối tăng, bộ máy cồng kềnh; cứ nói giảm biên chế thì biên chế tăng. Vừa qua chúng ta làm quyết liệt, thực sự làm”, Thường trực Ban Bí thư nói.
Ông cũng ghi nhận việc chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ cho trước mắt và lâu dài, chủ động trong việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội 13 của Đảng.
Ông ghi nhận việc này đang đi đúng hướng và có hiệu quả, tác động tích cực đến công tác lựa chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; tình trạng chạy chức, chạy quyền bước đầu được kiềm chế, ngăn chặn.
Riêng việc luân chuyển cán bộ, lần này tham mưu của cơ quan tổ chức với Bộ Chính trị, Ban Bí thư cách làm khác. Trước đây làm tập trung từng đợt nên hậu quả giải quyết khó khăn, nay làm xuất phát từ yêu cầu của địa phương, bộ ngành.
“Từ đầu nhiệm kỳ luân chuyển nhiều rồi nhưng thấy rất tốt. Các đồng chí đi luân chuyển đều giữ vị trí quan trọng và phát huy tác dụng. Đây là cơ sở để chuẩn bị cho nhân sự đại hội tới đây. Trước đây chúng ta làm từng đợt, không tránh khỏi có chuyện “chạy”. Bây giờ, nếu khẳng định không có gì thì chưa dám nhưng giảm rất nhiều”, ông Vượng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, trong đó biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp.
Không chấp nhận mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, “vận động”
Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh 5 nhiệm vụ năm 2020. Trong đó, trọng tâm là tham mưu chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội 13 của Đảng, trước hết là công tác nhân sự.
Công tác nhân sự nhiệm kỳ tới phải bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là BCH TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp uỷ, ban thường vụ cấp uỷ.
Đặc biệt coi trọng chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất, uy tín, thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong tình hình mới.
Thường trực Ban Bí thư lưu ý, ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc 13 tiến hành bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp và bầu các chức danh lãnh đạo của Nhà nước. Do vậy, chuẩn bị cho nhân sự của nhiệm kỳ cấp ủy phải gắn liền với chuẩn bị cho nhân sự của nhiệm kỳ nhà nước.
“Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp uỷ những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, quan tâm cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.
Việc đánh giá cán bộ phải chặt chẽ và thực chất, đặc biệt coi trọng phẩm chất, uy tín, hiệu quả công tác cụ thể.
Chúng ta không chấp nhận mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, “vận động” trong quá trình giới thiệu, bầu cử |
“Người được giới thiệu tham gia cấp ủy phải toàn tâm, toàn ý với công việc của Đảng, của Nhà ước, đoàn thể; đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân trên hết. Chúng ta không chấp nhận mọi biểu hiện cục bộ, bè phái, vận động trong quá trình giới thiệu, bầu cử”.
Đồng thời, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh việc chủ động phòng ngừa, cảnh giác, ngăn chặn, đấu tranh, không để tác động, chi phối bởi những thông tin giả, thông tin không chính thức, xấu độc, có dụng ý bịa đặt, xuyên tạc, gán ghép trên Internet, mạng xã hội liên quan đến công tác chuẩn bị nhân sự.
Ông nêu thực tế, bắt đầu có biểu hiện những thông tin không đúng, phải hết sức cảnh giác và chủ động ngăn chặn. Chính từ những thông tin này, người tốt bị đánh giá thành người xấu và ngược lại.
Không đủ điều kiện thì tự nguyện không tham gia khoá tới
Cùng với đó, tiếp tục rà soát quy hoạch cấp uỷ các cấp, chủ động tham mưu điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ gắn với chuẩn bị nhân sự; lựa chọn những cán bộ thực sự tiêu biểu, có đức, có tài, “vừa hồng, vừa chuyên” tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ tới.
“Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp uỷ khoá mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, ‘lợi ích nhóm’; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh
Theo ông Vượng, cán bộ là vấn đề quyết định, là then chốt của then chốt. Do vậy phải đặc biệt chú ý, thành bại là do cán bộ.
Thường trực Ban Bí thư cũng yêu cầu có giải pháp phù hợp để thực hiện có hiệu quả việc nêu gương, tạo sức lan toả mạnh mẽ, trở thành việc làm tự giác, thường xuyên. Đồng thời, tăng cường giám sát việc thực hiện nêu gương trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và trong công tác nhân sự.
“Nếu như cán bộ đảng viên thực sự nêu gương, thấy mình không đủ điều kiện, tiêu chuẩn cấp uỷ, phải tự nguyện xin không tham gia cấp uỷ khoá tới”, ông nhấn mạnh.
Nguồn: vietnamnet