Bà Dorris Francis |
“Nếu tôi có thể cứu được dù chỉ là một cuộc đời, điều đó cũng có nghĩa là tôi đã cứu được khoảng 10 thành viên trong gia đình người ấy thoát khỏi nỗi đau mất mát” – bà Dorris Francis, người mẹ ấy, chia sẻ. Đó là lý do vì sao suốt 7 năm qua dù nắng hay mưa, vào những ngày trong tuần, cứ 7h sáng người ta lại thấy bà Dorris có mặt với một cây gậy dài trong tay tham gia điều tiết giao thông tại nơi từng xảy ra tai nạn với con gái bà. Điểm giao thông đó thuộc quốc lộ 24, là tuyến đường đông đúc nhất nối giữa thủ đô Delhi và vùng Ghaziabad, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Tuyến đường này đông dần xe cộ theo thời gian từ buổi sáng, với hơn 50.000 phương tiện di chuyển từ cả hai hướng thông qua giao lộ Khoda. Chưa từng trải qua trường lớp đào tạo, nhưng bà Dorris vẫn chủ động thực hiện công việc của mình từ tháng 7-2010 đến nay, không lâu sau vụ tai nạn xảy ra ngày 9-11-2009 khiến con gái út mới 20 tuổi Nikki qua đời. Bà Dorris không thể quên ngày định mệnh đó. Buổi trưa, bà cùng chồng Victor và Nikki đi xe lam từ Bệnh viện Lal Bahadur Shastri ở Kalyanpuri (phía đông thủ đô Delhi) trở về nhà. Khi xe của họ đang qua đường thì một chiếc ôtô Wagon-R lao rất nhanh từ hướng ngược lại, tạt mạnh vào sườn chiếc xe lam chở họ. Cú va chạm mạnh tới nỗi hất tung cả ba người ngồi trong ra ngoài. Ông Victor và bà Dorris bị thương nặng, nhưng sau đó may mắn thoát chết. Còn Nikki do thận bị tổn thương quá nặng nên không thể qua khỏi. Nỗi đau khiến vợ chồng bà Dorris choáng váng. Họ ước ao có thể làm gì đó để không còn tai nạn xảy ra ở nơi con gái mình đã qua đời. Thái độ sống dũng cảm khi phải đương đầu với những trắc trở của số phận dường như đã là một phần trong bản năng của bà Dorris. Năm bà mới 10 tuổi, mẹ bà đã bỏ nhà đi, để lại ba đứa con bơ vơ cho người cha nghiện ngập và bỏ bê con cái. Cô bé Dorris lúc đó đã thay cả cha lẫn mẹ cáng đáng việc nhà và nuôi dạy hai em – em trai chưa đầy 2 tuổi và em gái mới 1 tuổi. Năm 22 tuổi, bà giúp việc nhà ở Delhi. Trong khoảng thời gian này, bà gặp ông Victor và chỉ chấp nhận lấy ông khi ông đồng ý cưu mang hai người em của bà. Họ may mắn có sáu người con và Nikki là một trong năm cô con gái. Cuộc sống tưởng đã yên ổn sau khi gia đình họ chuyển về sống ở vùng Ghaziabad năm 2000. Khi đó, bốn con gái đã thành gia thất và con trai Bunti là tài xế ôtô, ông bà Victor và Dorris đã nghỉ hưu. Nhưng cái chết của Nikki đã khiến cuộc sống của họ thêm một lần nữa bị đảo lộn. Ông Victor nói: “Cứ mỗi khi tới gần nơi xảy ra tai nạn với con, tôi lại không thể cầm được nước mắt. Chúng tôi thường ngồi đó và nhìn dòng xe cộ đi qua hết giờ này sang giờ khác”. Bà Dorris nói: “Có lẽ tôi chẳng bao giờ quên được tai nạn kinh hoàng đó và những thời khắc Nikki gắng gượng để sống sau tai nạn”. Và giờ đây quên cả đói khát trong nhiều giờ liên tiếp, bà Dorris vẫn tự nguyện làm công việc của mình, không chờ đợi bất cứ điều gì. Là một người theo đạo Thiên Chúa, bà bảo có lẽ Chúa đã đoái thương mà truyền cho bà một sức khỏe dẻo dai để làm công việc này suốt 7 năm qua. Cũng theo cảm nhận của bà, dường như giao thông ở khu vực bà tham gia điều tiết đã phần nào bớt lộn xộn hơn trước. Có vẻ như các tay lái đã có ý thức hơn trong việc giảm tốc khi đi đến nút giao thông này. Trong thời gian từ năm 2010 – 2016, những lúc bà không có mặt ở đó, các vụ tai nạn tại đây đã khiến 11 người thiệt mạng. Thi thoảng các cảnh sát giao thông cũng phải nhờ bà tới hỗ trợ vào buổi tối, khoảng 18h – 20h khi tình hình giao thông quá hỗn loạn. Mặc dù dành rất nhiều thời gian và sức khỏe cho công việc tự nguyện, nhưng bà Dorris không nhận bất cứ khoản thù lao nào ngoài sự thanh thản tâm hồn. Bà bảo thậm chí có người còn nói xấu và chê trách bà nữa. Tuy nhiên, người mẹ ấy cảm thấy nhẹ nhõm khi mọi người cảm ơn bà vì sự giúp đỡ đó. Và niềm an ủi lớn nhất với bà chính là: “Linh hồn của con gái tôi chắc chắn được thanh thản”.