Là người Việt Nam, trong tháng 7 không ai quên Ngày Thương binh liệt sĩ 27-7, bởi đó là ngày tưởng nhớ, tri ân sự hy sinh vô bờ bến của những người con anh dũng đã ngã xuống hoặc phải mang trên mình thương tích để đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm gia đình ông Nguyễn Thế Minh, thương binh
hạng 1/4 tại phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Trong không khí chung của đồng bào, chiến sĩ cả nước hướng tới ngày 27-7, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về việc thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ. Theo đó, trong các ngày từ 19 đến 24-7, tỉnh sẽ tổ chức 11 đoàn đi thăm, tặng quà gia đình chính sách, người có công tiêu biểu trên địa bàn toàn tỉnh. Thành phần các đoàn gồm lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị xã. Tại mỗi huyện, thị xã, đoàn đến thăm, tặng quà 10 gia đình chính sách, người có công tiêu biểu. Từ ngày 25 đến 26-7, các huyện, thị xã trong tỉnh sẽ tổ chức họp mặt biểu dương người có công. Ngày 27-7, tỉnh sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ và biểu dương người có công tiêu biểu.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn chúng ta: “Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Theo lời căn dặn của Bác, từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn nỗ lực cố gắng trong việc thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Sự nỗ lực ấy đã được hiện thực hóa bằng việc đề ra các chính sách và tổ chức thực hiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình thương binh, liệt sĩ trong bất cứ hoàn cảnh nào. Mỗi địa phương, mỗi cấp, mỗi ngành đã làm nhiều việc để phần nào đền đáp sự hy sinh vô bờ bến đó.
Thế nhưng chưa phải tất cả mọi người, mọi nơi đều đã thực hiện đúng, đủ các chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công. Đây đó vẫn còn có những biểu hiện thờ ơ, vô cảm trước khó khăn của các gia đình có công với đất nước. Thậm chí có những người mang danh là cán bộ làm công tác chính sách nhưng lại đang tâm ăn chặn “đồng tiền xương máu” của những người có công. Hẳn nhiều người còn nhớ tháng 11-2016, báo chí phanh phui vụ cán bộ phụ trách công tác người có công ở xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh hàng chục năm qua đã ăn chặn tiền điều dưỡng của thân nhân liệt sĩ. Tháng 12-2016, Công an thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) lại thụ lý vụ việc một cán bộ ở xã Điện Hòa bị tố cáo ăn chặn tiền hỗ trợ người có công trong 2 năm 2013 và 2014. Và gần đây nhất, trong tháng 4-2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Hà Nam đã khởi tố, bắt tạm giam Mai Hiển Dũng, là cán bộ lao động – thương binh và xã hội xã Trịnh Xá đã sai phạm trong chi trả chế độ trợ cấp, lợi dụng chiếm đoạt tài sản của các hộ chính sách trong nhiều năm… Bình Phước nhiều năm qua chưa phát hiện trường hợp nào sai phạm trong thực hiện chế độ, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, nhưng qua các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu dân cử, tình trạng chậm trễ trong thực thi chính sách, hoặc thờ ơ trong hướng dẫn thủ tục để được thụ hưởng chính sách không phải là không có.
Hiện trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tấm gương thương binh, gia đình chính sách tiêu biểu đã vượt qua khó khăn, vươn lên trở thành nông dân sản xuất giỏi, chủ doanh nghiệp tiêu biểu. Làm tốt công tác chính sách, chúng ta không chỉ thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà còn động viên được những thương binh, gia đình chính sách tiêu biểu làm ra nhiều của cải cho gia đình, xã hội và trực tiếp tham gia ổn định xã hội bằng cách tạo ra việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động.
Nguyên Thủy