Ngày 14-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can với 8 đối tượng bị bắt trước đó trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.

Trong đó công an đã bắt tạm giam ba đối tượng là người Đài Loan, Trung Quốc.

Một cú điện thoại, hơn 6 tỷ đồng ra đi

Khởi tố 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh 1.

Nhóm đối tượng bị bắt tại khu vực TP.HCM được dẫn giải ra để nhận quyết định khởi tố bị can

Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết, trong tháng 3, bà N.T.D (74 tuổi, ngụ Hà Nội) bất ngờ nhận một cuộc điện thoại tới số máy bàn, người ở đầu dây bên kia tự giới thiệu là “cán bộ điều tra” liên lạc để hỏi thông tin cá nhân bà D và thông báo bà có liên quan tới một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Đã lớn tuổi, nghe thông tin mình có liên quan tới tổ chức tội phạm xuyên quốc gia khiến bà D choáng váng, mất tỉnh táo.

Biết nạn nhân đã lọt vào “ma trận”, các đối tượng “diễn” vai cán bộ điều tra, thông báo bà D đứng tên mở tài khoản ở hàng loạt ngân hàng, có trong tay số tiền nhiều tỷ đồng, thậm chí nhiều triệu USD. “Chúng tôi đang chuẩn bị để thực hiện lệnh bắt tạm giam bà ba tháng, đóng toàn bộ các tài khoản ngân hàng của bà để điều tra”, kẻ lừa đảo dọa.

Càng nghe, bà D càng kinh sợ, nài nỉ các “cán bộ điều tra” có cách nào giải oan, cứu giúp cho bà chứ cả đời bà chưa từng liên hệ gì với tổ chức tội phạm nào.

Biết nạn nhân đã mất kiểm soát, các đối tượng dò hỏi chi tiết từng số tiền bà D có trong tài khoản, trong nhà, thậm chí buộc phải khai báo cả các vật dụng có giá trị khác với lời dụ: “Tích cực hợp tác thì chúng tôi sẽ xin lãnh đạo không phong toả tài khoản, không bắt tạm giam”.

Tin tưởng rằng hợp tác tích cực sẽ được giải oan, bà D thành thật khai báo có nhiều tỷ tiết kiệm trong ngân hàng và tiền mặt, tải sản khác.

Các đối tượng lừa đảo đã yêu cầu bà D phải rút tiền từ sổ tiết kiệm, mở tài khoản có sử dụng internet banking, đăng ký số điện thoại của bà D để nhận mã OTP, đồng thời phải đăng ký thêm một số điện thoại do chúng chỉ định để đồng thời nhận mã OTP.

Cơ quan điều tra không làm việc qua điện thoại

Một cán bộ điều tra của Bộ Công an khẳng định, Cơ quan điều tra khi cần thực hiện các biện pháp tố tụng, sẽ có văn bản gửi tới đương sự thông qua chính quyền địa phương chứ không thông báo, làm việc qua điện thoại.

Do đó, người dân cần lưu ý khi nhận các cuộc điện thoại xưng danh cơ quan điều tra, yêu cầu chuyển tiền khỏi tài khoản của mình cho người khác hoặc mở tài khoản mới, cung cấp thông tin cho người tự xưng là cơ quan điều tra, viện kiểm sát.

Người dân cần hết sức chú ý, nếu nhận các cuộc gọi thông báo nợ cước điện thoại, có bưu phẩm ở bưu điện có chứa đồ giá trị, đứng tên tài khoản có nhiều tiền của tổ chức tội phạm… rồi sau đó đe doạ, đề nghị chuyển tiền cho người khác hoặc tự mở tài khoản rồi cung cấp thông tin cho chúng thì phải tỉnh táo, không được làm theo. Tốt nhất, khi nhận cuộc gọi thông báo bất thường, đề nghị họ tới làm việc, không trao đổi qua điện thoại.

Ngay khi bà D ra ngân hàng, rút sổ tiết kiệm, gửi vào tài khoản của mình thì các đối tượng lừa đảo cũng nhận được thông báo. Do đã có số tài khoản, mã đăng nhập và nhận được luôn cả mã OTP nên các đối tượng chuyển khoản lần lượt cho nhiều số tài khoản khác để nhóm này rút tiền, chiếm đoạt. Chỉ riêng bà D, với chiêu lừa này đã mất hơn 6 tỷ đồng.

Mở tài khoản, rút tiền dùm cũng bị khởi tố

Khởi tố 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo xuyên quốc gia - Ảnh 2.

Các đối tượng được cán bộ điều tra dẫn giải để nhận quyết định khởi tố bị can

Nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết, 8 đối tượng bị khởi tố thì 7 người bị bắt tạm giam, duy nhất một bị can được cho tại ngoại vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Đáng chú ý là Cơ quan điều tra đã bắt giữ tới 3 đối tượng là người Đài Loan, Trung Quốc – những thành viên của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia mà trước đây hầu hết đều kịp tẩu thoát khi các “cấp dưới” người Việt Nam bị bắt giữ.

Ba người Đài Loan bị bắt là: Pan Chu Lin, Chiu Po (cùng 21 tuổi) và Hou Po Ta (25 tuổi). Nhóm bốn người Việt Nam bị khởi tố gồm: Bùi Quang Hải, Nguyễn Tông Long (cùng 23 tuổi), Nguyễn Doãn Phong (26 tuổi, cùng quê Hà Tĩnh), Dương Văn Tùng (22 tuổi, quê Bình Định, đều bị bắt tạm giam) và Trang Thị Châu Đoan (22 tuổi, quê Kiên Giang).

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, Bùi Quang Hải được một người quen đang làm việc ở Đài Loan, Trung Quốc giới thiệu với một người Đài Loan tại Việt Nam để phối hợp làm việc từ đầu tháng 2-2018.

Do có biết tiếng Trung Quốc, Hải nhanh chóng được đối tượng này kết nối với một tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, chuyên đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng chiêu thức như đã thực hiện với bà D để tổ chức mạng lưới tại Việt Nam.

Khi đã bắt đầu công việc bằng cách tự mình đi mở tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau, ở nhiều địa phương khác nhau và trực tiếp rút tiền xong, thấy các khoản lợi quá dễ dàng, Hải tiếp tục dụ dỗ nhiều người khác tham gia.

Các đối tượng còn lại, theo nguồn tin thì đều biết rõ việc mình làm là phạm pháp, biết được nguồn tiền rút ra, giao lại cho các đối tượng là tiền do lừa đảo mà có được những vẫn cố tình thực hiện.

Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 4, nhóm lừa đảo này đã chiếm đoạt được của nhiều nạn nhân trên cả nước với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : cán bộchiếm đoạtđường dây lừa đảolừa đảongười Đài Loanquốc gia

Các tin liên quan đến bài viết