Năm nay vừa tròn 30 tuổi, anh Nguyễn Chí Thành, GĐ Cty TNHH Linh chi Trường Thọ ở ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước đã được vinh danh trong TOP 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc nhất Việt Nam.

11-12-12_nh_5
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Phước chúc mừng sự thành công của doanh nhân trẻ Nguyễn Chí Thành trong buổi gặp mặt doanh nhân trẻ Bình Phước năm 2017.

Thành đang điều hành Cty sở hữu 1,7ha sản xuất nấm khép kín từ khâu nhân giống invitro, ươm sợi đến đóng gói, quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-SSOP về an toàn thực phẩm và sinh thái môi trường.

Ý chí đáng nể

Sinh ra tại tỉnh Hải Dương, năm 9 tuổi Thành theo cha mẹ vào xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương lập nghiệp. Đó là thời điểm khó khăn nhất của gia đình. Năm 2007, Thành xin vào làm công nhân ở Nông trường Cao su Đồng Sen (huyện Phú Giáo). Cuộc sống vất vả với đồng lương ít ỏi khiến anh luôn trăn trở, nung nấu ý chí làm giàu. Thế rồi cơ duyên trồng nấm cũng đến với Thành. Trong 1 lần ngồi ăn sáng giữa vườn cao su, Thành bất chợt nhìn thấy trên tờ báo gói ổ bánh mì đang ăn có bài viết về một trang trại nấm ở miền Tây. Anh vội vàng giở tờ báo đọc ngấu nghiến. Trong đầu anh loé lên ý tưởng về một trang trại nấm.

Không lâu sau đó, Thành xin nghỉ làm công nhân để đi học trồng nấm. Chàng trai trẻ bắt đầu những tháng ngày “rong ruổi” góp nhặt kiến thức trồng nấm, từ huyện Củ Chi, Hóc Môn, TP.HCM đến các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng rồi quay trở về Bình Phước… nơi nào có người trồng nấm giỏi là anh tìm đến xin làm để học.

Sau gần 1 năm học nghề, Thành trở về tận dụng 30m2 đất của gia đình mở trại trồng nấm. Dựng xong trại, anh không còn đồng vốn nào nên phải mượn hàng xóm 7 triệu đồng mua được 3.000 bịch meo nấm rơm. Sau 3 tháng chăm sóc, anh lãi 12 triệu đồng và tiếp tục đầu tư, trồng thêm nấm mèo, nấm sò và nấm bào ngư.

“Lần đầu tôi mang nấm bào ngư ra chợ bán, 10 người hỏi thì 9 người bỏ đi. Đơn giản là người dân thấy cây nấm lạ nên không ai dám mua. Có hôm, ngồi phơi nắng cả buổi ngoài chợ mà chỉ bán được vài ký. Nhưng những người mua rồi, họ ăn thấy ngon nên dần dần mới được thị trường chấp nhận”, Thành kể.

Năm 2011, khi nguồn vốn đã lên cả tỷ đồng, Thành dốc hết vào mua 3.000m2 đất ở ấp 4, xã Tân Lập, huyện Đồng Phú để lập trang trại trồng các loại nấm, trong đó có nấm linh chi.

11-12-12_nh_3
Một góc nhà nấm của Cty Linh chi Trường Thọ

Lần đầu trồng nấm linh chi, với mẻ phôi đầu tiên chứa đựng biết bao sự kỳ vọng nhưng rồi anh sớm thất vọng khi toàn bộ 10.000 phôi nấm đều bị hỏng. Số tiền 2 tỷ đầu tư coi như mất trắng, Thành trở về vạch xuất phát với con số 0. Đây chính là thời điểm chứng tỏ bản lĩnh quyết không lùi bước trước thất bại của Thành. Anh tiếp tục xoay xở, vay mượn bạn bè, “khăn gói quả mướp” đi học trồng nấm linh chi.

Sau một thời gian học hỏi và tìm hiểu trên sách, báo… Thành mới tìm ra nguyên nhân thất bại của lần đầu. “Trồng nấm linh chi phụ thuộc nhiều yếu tố, từ thời tiết, độ ẩm… đến nhà nấm phải làm bằng chất liệu gì. Do tôi làm nhà nấm trong vườn cao su, mái lợp bằng bạt, nên lúc cao su rụng lá, nắng chiếu trực tiếp vào làm nhiệt độ, độ ẩm bên trong không bảo đảm”, Thành cho biết.

Tạo giá trị từ công nghệ

Sau khi nắm được kỹ thuật trồng nấm linh chi, Thành về thiết kế lại nhà nấm, một trong những yếu tố quan trọng là thay mái nhà nấm từ bạt nhựa sang lá dừa nước, nhằm giữ được nhiệt độ bên trong nhà nấm khi cao su rụng lá, nắng chiếu trực tiếp xuống mái nhà. Quả nhiên, sau thất bại, cuối cùng Thành cũng đã trút bỏ khối áp lực đè nặng trong lòng để nở nụ cười trước thành công.

11-12-12_nh_1
Giám đốc trẻ Nguyễn Chí Thành trong phòng nghiên cứu

Năm 2009, Thành quyết định mở rộng nhà xưởng và lò hấp làm phôi giống bán ra thị trường. Từ 600 bịch phôi giống/ngày, dần lên 1.700. Đến năm 2010 là 10.000 bịch/ngày. Trên đà thành công, tháng 10/2010 Cty TNHH Linh chi Trường Thọ được thành lập trên diện tích 1,7ha, sản xuất khép kín từ khâu nhân giống invitro, ươm sợi đến đóng gói. Quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-SSOP về an toàn thực phẩm, sinh thái và môi trường.

Nhằm đạt hiệu quả cao hơn về lợi nhuận, ngoài linh chi nguyên tai và thái lát đóng gói, Cty còn sản xuất nhiều sản phẩm từ nấm linh chi như trà, rượu, cao… Các sản phẩm có giá bán từ 1 – 2 triệu đồng/kg. Đặc biệt, sản phẩm mỹ phẩm làm từ bào tử nấm linh chi (lớp phấn mỏng bên ngoài cây nấm linh chi đủ tuổi) có giá bán hơn 6 triệu đồng/kg, vẫn được thị trường chấp nhận.

Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm linh chi, Thành nói: “Quan trọng nhất là khâu lựa chọn, ủ nguyên liệu và xử lý môi trường. Về nguyên liệu, nên chọn mùn cưa cây cao su, trộn với vôi, lò hấp phải được khử trùng và đảm bảo nhiệt độ luôn ở mức 100 độ C trong 12 tiếng. Khu cấy mô phải đảm bảo đạt chuẩn với yêu cầu kín gió và có thiết bị để tiêu diệt bào tử nấm dại. Hom mỳ (sắn) làm phôi phải già, không bị nhiễm vi sinh, nấm hại…

Sau đó là giai đoạn ươm giống. Nhà ươm phải sạch sẽ, thông thoáng, độ ẩm từ 75 – 85%, đủ ánh sáng, nhiệt độ từ 20 – 30 độ C. Túi giống đặt trên giàn, khoảng cách giữa các túi từ 2 – 3cm, miệng túi quay ngang hoặc hướng lên trên. Giữa các giàn có lối đi để thuận tiện cho việc kiểm tra và chăm sóc. Khi bịch phôi lên men và chuyển sang màu trắng thì xuất giống.

Kỹ thuật nuôi nấm linh chi cũng đơn giản, khi đưa bịch phôi treo lên giàn tưới nước ngày 2 lần bảo đảm độ ẩm là nấm phát triển tốt, chăm sóc khoảng 2 tháng rưỡi là có thể thu hoạch, mỗi bịch phôi nếu chăm sóc tốt sẽ đạt khoảng 20gram”.

11-12-12_nh_711-12-12_nh_6
Nguyễn Chí Thành đã gặt hái thành công nhờ ý chí và quyết tâm cao (ảnh nhân vật cung cấp)

“Làm kinh tế đương nhiên phải nghĩ đến lợi nhuận, nhưng chúng tôi không chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình, mà đặt song song lợi ích giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Với Trường Thọ, lợi ích của người tiêu dùng là sức khoẻ. Đây cũng là yếu tố then chốt để tồn tại và phát triển. Mục tiêu của tôi là sản phẩm “Linh chi made in Binh Phuoc” được xuất ngoại”, anh Thành tâm sự.

Nguồn nongnghiep.vn

Từ khóa : "Linh chi made in Binh Phuoc"Linh chi Trường Thọsản xuất nấm khép kín

Các tin liên quan đến bài viết