Các nhà khoa học, khảo cổ đề xuất niên đại khởi dựng của di tích Chăm Phong Lệ ở Đà Nẵng vào khoảng đầu thế kỷ 10 và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ 12.
Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo của Bảo tàng Điêu khắc Chăm về kết quả đợt khai quật, khảo cổ ở di tích Chăm Phong Lệ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) từ ngày 18/7 – 20/8.
Nhiều hiện vật Chăm có giá trị được phát hiện trong đợt khai quật, khảo cổ ở di tích Chăm Phong Lệ (Đà Nẵng) từ ngày 18/7 – 20/8 vừa qua
Theo đó, trong đợt khai quật khảo cổ tại di tích Chăm Phong Lệ trên diện tích gần 350 m2 vừa qua, các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật có giá trị. Đặc biệt, trong đó có nhiều cổ vật Chăm quý giá như sư tử Sim ha, đầu chim thần Garuda, bệ thờ voi, cùng hiện vật trang trí riềng mái của tháp có hình rắn Laga và kiểu dáng hoa văn đặc sắc, gạch xây đền tháp…
Dựa trên tổ hợp loại hình vật liệu xây dựng và các trang trí kiến trúc bằng đá cát Champa, gốm men thời Tống, các nhà khoa học, khảo cổ đề xuất niên đại khởi dựng của di tích Chăm Phong Lệ vào khoảng đầu thế kỷ 10 và được duy trì thờ tự cho đến ít nhất vào thế kỷ 12.
Kết quả khai quật di tích này trong năm 2018 đã làm rõ một phần bình đồ kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và tín ngưỡng của người Champa, khẳng định hơn về giá trị văn hóa lịch sử kiến trúc của di tích này.
Các nhà khảo cổ đề nghị tiếp tục khai quật mở rộng khu vực phía nam của Khu di tích Chăm Phong Lệ để nghiên cứu sâu về di tích.
Theo Dân Trí