Với lượng xe cộ tăng nhanh hiện nay cùng với các giải pháp khác, việc triển khai đề án lệch giờ, lệch ca được cho là sẽ kéo giảm kẹt xe đang trên đà bùng phát như hiện nay tại TP.HCM. 
Khởi động lại đề án “lệch giờ, lệch ca” để giảm kẹt xe
Lãnh đạo TP.HCM đề nghị tái khởi động đề án lệch giờ, lệch ca để giảm kẹt xe. Trong ảnh: kẹt xe trên đường Nguyễn Thái Sơn, Q.Gò Vấp

Trong cuộc họp bàn về các giải pháp kéo giảm nạn kẹt xe mới đây, UBND TP.HCM yêu cầu tái khởi động đề án lệch giờ, lệch ca dù trước đó đề án này không được HĐND TP thông qua.

Không nên bàn lùi
Theo đại tá Trần Đức Tài – phó giám đốc Công an TP, hiện nay mỗi ngày TP có hơn 1.000 xe các loại đăng ký mới (trong đó khoảng 200 ôtô) và lượng xe lưu thông trên địa bàn TP hiện nay khoảng 10 triệu lượt/ngày. Trong khi đó quỹ đất, hạ tầng dành cho giao thông thiếu so với quy chuẩn nên nạn kẹt xe ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo Sở GTVT TP, trong năm 2016 có tới 37 điểm thường xuyên kẹt xe. Ngoài hàng loạt giải pháp như phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả vận tải công cộng… Sở GTVT TP đề xuất Sở LĐ-TB&XH TP đánh giá lại việc triển khai đề án lệch ca, lệch giờ tại các khu chế xuất – khu công nghiệp và tại các cơ quan đơn vị trong khu vực trung tâm TP để đề xuất trong thời gian tới. Cũng theo Sở GTVT TP, việc điều chỉnh lệch ca, lệch giờ cần nghiên cứu áp dụng thời gian làm việc theo từng nhóm đối tượng với mục đích chia nhỏ lưu lượng xe cá nhân tập trung cùng một thời điểm trên đường. Ví dụ như học sinh vào học lúc 8g, nhân viên văn phòng và cơ quan nhà nước làm việc lúc 8g30, siêu thị mở cửa lúc 9g…Ông Lê Văn Khoa, phó chủ tịch UBND TP, cho rằng khi triển khai lệch giờ, lệch ca không tránh khỏi đụng chạm lợi ích của các nhóm đối tượng, nhưng không vì thế mà bàn lùi. “Không có giải pháp gì là hoàn hảo cả, quá trình triển khai sẽ có những vấn đề phát sinh rồi điều chỉnh cho phù hợp” – ông Khoa nhận định. Ông Khoa yêu cầu Sở LĐ-TB&XH TP khẩn trương rà soát xây dựng lại đề án này theo hướng có thể áp dụng cho một khu vực hoặc một nhóm đối tượng trước rồi dần dần rút kinh nghiệm để triển khai 
nhân rộng.Trong khi đó ông Cao Thanh Bình, phó Ban kinh tế – ngân sách HĐND TP, lại lo lắng khi cho rằng việc áp dụng lệch giờ, lệch ca có tác dụng giảm kẹt xe nhưng sẽ gây khó khăn cho công nhân, cán bộ đi làm, xáo trộn thời gian, công việc của nhiều người. Theo ông Bình, trước đây do chưa đầy đủ cơ sở dữ liệu để đánh giá về mặt tác động xã hội khi áp dụng lệch ca, lệch giờ nên HĐND TP chưa thông qua đề án này. “Vì vậy muốn triển khai đề án này, tôi nghĩ phải đánh giá lại sự tác động về mặt xã hội, kinh tế, điều kiện sống của người dân… trên cơ sở đó mới cân nhắc nên thực hiện hay không” – ông Bình nói.
Học sinh đã được bố trí học lệch giờ

Một lãnh đạo Sở Giáo dục – đào tạo TP cho biết trước nạn kẹt xe, nhiều năm nay sở đã bố trí cho các khối học lệch giờ nhau. Thậm chí đối với một số trường nằm trên cùng tuyến đường thường xảy ra kẹt xe, sở cũng đã cho học sinh các trường đó học lệch giờ và về cũng lệch giờ. Theo bố trí của Sở Giáo dục – đào tạo TP, bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông giờ học là 7g (học sinh có mặt trước 10-15 phút). Còn bậc tiểu học giờ học là 7g30. Riêng trường mầm non nhận trẻ từ 7g30-8g và phụ huynh rước về lúc 16g, sớm hơn các khối khác. Về tính hiệu quả của việc bố trí lệch giờ này, vị lãnh đạo Sở Giáo dục – đào tạo cho biết trước yêu cầu đặt ra của TP mới đây, sở sẽ đánh giá lại và tổ chức nghiên cứu thêm. Trong đó đặc biệt chú ý việc tổ chức lệch giờ cho nhiều điểm trường bố trí trên một tuyến đường hoặc một khu vực bán kính nhỏ. Ngoài ra, để giảm kẹt xe, lãnh đạo Sở Giáo dục – đào tạo TP cho rằng cần tăng cường việc tổ chức xe đưa rước học sinh, giảm xe cá nhân đến các cổng trường. Riêng về việc tổ chức lệch ca đối với công nhân, vị này cho biết khó thực hiện vì còn phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất của các công ty, doanh nghiệp…Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP, cho biết hiện đã giao Ban An toàn giao thông TP cùng Sở LĐ-TB&XH TP rà soát, đánh giá lại việc thực hiện đề án trước đây. Từ đó, Sở GTVT TP sẽ xem xét trên cơ sở những điều đã làm và thực tiễn hiện nay để đề xuất những giải pháp lệch giờ, lệch ca cụ thể với UBND TP.

Điều chỉnh xe buýt phù hợp với giờ học, giờ làm: Theo ông Trần Quang Lâm – phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cần tập trung xử lý lệch giờ học của nhóm học sinh phổ thông và nhóm sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp và đại học. Đồng thời, cần tổ chức lại giờ làm việc của công nhân phù hợp để có thể kéo giảm kẹt xe. Bên cạnh đó, Sở GTVT TP cũng sẽ điều chỉnh và nâng tần suất hoạt động của xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của học sinh, sinh viên và công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : học sinhkẹt xelệch calệch giờsinh viên

Các tin liên quan đến bài viết