Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 sẽ chính thức triển khai vào năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và hoàn thiện cấp tiểu học năm học 2024-2025. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, kỳ vọng sẽ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
Phóng viên (PV) Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước có cuộc phỏng vấn Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hải Đăng về vấn đề này.
PV: Thực trạng ngành GD-ĐT Bình Phước trước khi triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông như thế nào, thưa ông?
Ông LÊ HẢI ĐĂNG: Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 167 trường tiểu học, TH&THCS (trong đó 134 trường tiểu học và 33 trường TH&THCS) với 3.544 lớp/102.245 học sinh. 65,02% học sinh học 2 buổi/ngày; 17,76% học sinh học bán trú; 49,69% học sinh học tiếng Anh và 21,1% học sinh học Tin học.
Toàn tỉnh có 3.217 phòng học, trong đó 1.715 phòng học kiên cố, chiếm 53,31%; 1.484 phòng học cấp 4, chiếm 46,13%; có 55 phòng học tiếng Anh và 78 phòng học Tin học.
Hiện toàn tỉnh có 4.864 giáo viên cấp tiểu học, tỷ lệ 1,36 giáo viên/lớp. Trong đó, 123 giáo viên Âm nhạc, 127 giáo viên Mỹ thuật, 221 giáo viên Thể dục, 121 giáo viên tiếng Anh và 38 giáo viên Tin học.
PV: Triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, ngành giáo dục tỉnh gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Ông LÊ HẢI ĐĂNG: Chương trình giáo dục phổ thông 2018 yêu cầu 100% học sinh học 2 buổi/ngày và tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày của tỉnh chỉ 65,02%, thấp hơn so với cả nước là 80%; học sinh học bán trú chỉ có 17,76%. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh học tiếng Anh và Tin học của tỉnh vẫn rất thấp.
Trường tiểu học Tân Bình B, TP. Đồng Xoài sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong ảnh, học sinh lớp 1 của trường trong giờ học
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học yêu cầu sĩ số theo chuẩn tối đa không quá 35 học sinh/lớp. Ngoài ra, lớp học phải đảm bảo điều kiện có thể kê được bàn ghế để tổ chức dạy học theo nhóm. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay của nhiều trường tiểu học trong tỉnh có sĩ số vượt quá quy định 35 học sinh/lớp. Đặc biệt là trường học ở vùng công nghiệp, đô thị như thành phố Đồng Xoài, huyện Chơn Thành… có những lớp sĩ số 45-50 học sinh/lớp. Đây sẽ là những khó khăn, thách thức không nhỏ trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Hiện nay, tỷ lệ phòng học cấp tiểu học cả tỉnh đạt bình quân 0,9 phòng/lớp. Tuy nhiên, tỷ lệ phòng học không đồng đều giữa các vùng và giữa các trường, có những trường dư phòng học do không có giáo viên đứng lớp (như thành phố Đồng Xoài, huyện Hớn Quản), nhưng cũng có những trường chỉ đủ phòng học để tổ chức dạy 5 buổi/tuần, đặc biệt là những trường ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn. Để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cấp tiểu học, tỷ lệ phòng học phải đạt 1 phòng/lớp học. Trong khi đó, hiện nay toàn tỉnh có 18 phòng học mượn, tạm và 404 phòng học xuống cấp cần thay thế, chiếm 12,55%. Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tiếng Anh, Tin học sẽ là môn bắt buộc, nhưng hiện nay còn khoảng 2/3 số trường tiểu học chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học 2 môn này.
Theo lộ trình đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh cần xây mới 315 phòng học và dự kiến đến năm học 2024-2025, sẽ cần xây mới bổ sung 2.195 phòng học (trong đó 1.686 phòng học xuống cấp cần thay thế) và cần xây bổ sung 270 phòng học tiếng Anh, 248 phòng Tin học.
Đội ngũ giáo viên tiểu học chưa đảm bảo để tổ chức 100% cho các trường tiểu học dạy học 2 buổi/ngày; trình độ đào tạo, cơ cấu không đồng đều, hiện còn thiếu giáo viên các môn chuyên, Tin học và ngoại ngữ. Việc thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn yếu. Tiếp cận thông tin của giáo viên vùng sâu, xa còn hạn chế, chưa đáp ứng với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học cũng như kiểm tra đánh giá theo yêu cầu đổi mới giai đoạn hiện nay.
Với số lượng biên chế giáo viên tiểu học hiện tại, dự kiến đến năm học 2020-2021, toàn tỉnh thiếu 366 giáo viên và đến năm học 2024-2025 thiếu 1.208 giáo viên (trong đó có 483 giáo viên nghỉ chế độ), đặc biệt thiếu nhiều giáo viên tiếng Anh, Tin học…
PV: Vậy thưa ông, để chương trình khởi động hiệu quả, ngành đã chuẩn bị những gì?
Ông LÊ HẢI ĐĂNG: Chỉ còn 8 tháng nữa chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức triển khai đối với lớp 1. Để chương trình khởi động hiệu quả, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Ban chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Hiện ban chỉ đạo đã họp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Sở GD-ĐT cũng đã tổ chức hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học cho cán bộ lãnh đạo và ngành GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố toàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn chuẩn bị các điều kiện triển khai, thực hiện chương trình. Hiện các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thiện các bước này.
Sở GD-ĐT đã ban hành văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, báo cáo thực trạng các trường tiểu học năm học 2019-2020 và kế hoạch từ năm học 2020-2021 đến 2024-2025. Trên cơ sở đó rà soát thực trạng về quy mô trường lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; đối chiếu với các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 để xây dựng kế hoạch nhằm bổ sung cơ sở vật chất, phòng học, đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học, đảm bảo tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho 100% học sinh theo đúng lộ trình. Sở GD-ĐT cũng đã xây dựng xong dự thảo đề án đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho chương trình trình UBND tỉnh ban hành.
Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT trong thời gian tới, nhưng cũng đồng thời là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Vì vậy, để thực hiện tốt, đòi hỏi phải có sự phối hợp, hỗ trợ, góp sức của các cấp ủy, chính quyền; các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội, phụ huynh và cộng đồng chung tay với ngành GD-ĐT thực hiện theo đúng lộ trình đã đề ra. Ông LÊ HẢI ĐĂNG, Phó giám đốc Sở GD-ĐT |
Về bồi dưỡng giáo viên, Sở GD-ĐT đã phối hợp Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Học viện Quản lý giáo dục tổ chức bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của tỉnh. Thời gian tới, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp các đơn vị để tổ chức tập huấn đại trà cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học trong tỉnh.
Về chuyên môn, Sở GD-ĐT đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học; hướng dẫn triển khai, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học; hướng dẫn thực hiện nội dung hoạt động trải nghiệm cấp tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021; hướng dẫn tổ chức dạy học môn Tin học và tổ chức hoạt động giáo dục Tin học cấp tiểu học từ năm học 2019-2020; hướng dẫn chuẩn bị tổ chức dạy học đối với lớp 1 năm học 2020-2021…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo Bình Phước