Báo cáo mới đây xác định Trung Quốc hiện nắm giữ số nợ hơn 385 tỉ USD của 165 quốc gia thông qua các dự án Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI), trong đó nợ tại 42 nước thu nhập thấp và trung bình đã vượt quá 10% GDP.
Ngày 30-9, báo Guardian dẫn nghiên cứu thực hiện trong 4 năm của tổ chức nghiên cứu AidData (Mỹ) cho thấy số “nợ ngầm” từ chương trình này thực tế lớn hơn nhiều so với ước tính trước đó.
Điều này là do thay đổi trong cơ chế cho vay khiến các khoản vay không được báo cáo đầy đủ đến các cơ quan quốc tế như Ngân hàng Thế giới.
“Tôi thật sự nín thở khi chúng tôi phát hiện ra (con số 385 tỉ)” – ông Brad Parks, lãnh đạo của nhóm AidData, nói.
Nghiên cứu này đánh giá hơn 13.000 dự án hỗ trợ, cho vay trị giá hơn 843 tỉ USD tại 165 quốc gia trong hơn 18 năm tính đến cuối năm 2017.
Các khoản cho vay từ BRI đã giảm trong 2 năm qua, tuy nhiên báo cáo cho thấy sự chuyển đổi rõ rệt trong chương trình này.
Hoạt động cho vay đã chuyển dần từ chính phủ cho chính phủ vay sang hình thức cho vay từ các ngân hàng, công ty nhà nước, các hình thức hợp tác, tổ chức tư nhân, cơ chế cho vay mục đích đặc biệt, vốn chịu ít sự kiểm soát hơn.
“Phần lớn các khoản nợ này không xuất hiện trên bảng cân đối kế toán của chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình” – báo cáo viết, cảnh báo sự nhập nhằng giữa nợ công và nợ tư này có thể gây ra các thách thức lớn về quản lý tài chính công của những nước đó.
Tại 42 quốc gia thu nhập thấp và trung bình – như Lào, Papua New Guinea, Maldives, Brunei, Campuchia, Myanmar – các khoản vay đã vượt 10% GDP.
Trong đó, Lào hiện đang mắc khoản “nợ ngầm” đáng kể. Theo AidData, dự án đường sắt Trung Quốc – Lào hiện được chi hoàn toàn từ các khoản nợ không chính thức tương đương 1/3 GDP.
Theo ông Parks, các khoản vay không chính thức cũng làm tăng nguy cơ cho các chủ nợ Trung Quốc, tuy nhiên họ buộc phải “đi đường vòng” để đạt mục tiêu của chương trình BRI.
“Các nước nghèo không thể mượn nợ (chính thức) thêm được nữa. Vì vậy, Trung Quốc phải sáng tạo” – ông Parks nói.
AidData cho biết các tổ chức như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế đã biết về vấn đề này, nhưng báo cáo cho thấy quy mô nợ đáng báo động từ BRI.
Thời gian qua đã có nhiều dư luận về việc Trung Quốc “giăng” bẫy nợ tại các nước đang phát triển nhằm thâu tóm một số tài sản chiến lược khi các nước này không thể trả được nợ.
Nguồn: tuoitre.vn