Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016 cho thấy, trong số hơn 1,2 triệu tỷ vốn ngân sách chi cho đầu tư phát triển đã để xảy ra không ít sai phạm. Đáng nói, một số tỉnh còn dùng tiền ngân sách chi cho các công ty bóng đá của tỉnh.
Dự án vừa xong đã hỏng
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, công tác giám sát thi công tại một số dự án tỉnh lộ không chặt chẽ theo quy định; tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát còn thấp; một số chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư, đặc biệt tại hạng mục công trình Cầu Ô Rô, tỉnh Cà Mau đã để xảy ra sự cố sập cầu trong quá trình thi công; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng…
Hay như tại tỉnh An Giang, Dự án Hồ chứa nước Thanh Long xảy ra hiện tượng thấm của đập sau khi tích nước, nhưng vẫn chưa khắc phục hoàn toàn hiện tượng thấm theo kết luận của Tổng Cục Thủy lợi.
Dự án Công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1153 – Km1212+400, tỉnh Bình Định. Một số vị trí mặt đường bị bong bật ổ gà đã được đơn vị sủa chữa 3.290m2; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (mặt cầu bê tông xi măng một số vị trí bị bong tróc, lộ cốt thép, xà mũ mố, trụ đọng đất cát, ẩm ướt…)…
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công hoặc không đúng thực tế… Qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 10 nghìn tỷ đồng.
Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Kiểm toán Nhà nước phát hiện việc lập và giao kế hoạch vốn còn chưa sát thực tế, có trường hợp không giao kế hoạch vốn nhưng vẫn được giải ngân…
Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng vẫn còn tình trạng sử dụng vốn của dự án sai mục đích, không đúng đối tượng, ví dụ tại Dự án Đường ống Nam Côn Sơn 2 – giai đoạn 1 của Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas).
Đáng lưu ý, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện chưa có cơ chế kiểm soát tỷ giá giữa đồng ngoại tệ và Việt Nam đồng để rút vốn giải ngân làm tăng số tiền ngoại tệ vay nợ nước ngoài. Trong đó, việc áp dụng theo tỷ giá VND/JPY (đồng Yên) mà Vietcombank thông báo cho ngân hàng Tokyo – Mitsubishi UFJ sẽ làm tăng số tiền ngoại tệ vay nợ nước ngoài.
Cụ thể: Dự án Đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng tăng 260,3 triệu JPY, tương đương khoảng 52 tỷ đồng; Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội – Dự án II tăng 127 triệu Yên tương đương 24,85 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng (hợp phần A) – Giai đoạn khởi động tăng 469,7 triệu JPY, tương đương 92,1 tỷ đồng, ước tính giải ngân cho toàn bộ Dự án sẽ tăng khoảng 1.075 triệu JPY tương đương 210 tỷ đồng (bằng 2,6% tổng giá trị khoản vay đã nhận nợ).
Nhiều dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ hoặc ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, đến 31/12/2016 có 60 dự án vay lại chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) hơn 10,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại. Trong đó các dự án Vinashin 8,1 nghìn tỷ đồng; 9 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ với dư nợ 4,6 nghìn tỷ đồng (đã được khoanh nợ), gồm: Dự án Nhà máy xi măng Sông Thao; Nhà máy xi măng Hạ Long; Nhà máy giấy Phương Nam; Nhà máy xi măng Thái Nguyên; Nhà máy thủy điện Xekaman 3; Nhà máy xi măng Đồng Bành; Nhà máy mía đường Sông Con; Xi măng Tam Điệp và Giấy Việt Trì.
Tỉnh lấy tiền ngân sách chi cho đội bóng
Trong công tác chi thường xuyên vốn chiếm tới 2/3 chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước phát hiện một số bộ, ngành, cơ quan trung ương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn…; mua sắm vượt nhu cầu gây lãng phí ngân sách nhà nước. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách trên 211 tỷ đồng.
Qua kiểm toán giai đoạn 2015-2016 của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” (Đề án 2020) do Bộ GD&ĐT là cơ quan chủ trì thực hiện cho thấy từ năm 2015 đến 2017, Đề án chi 9,8 tỷ đồng mua 43.200 bộ phần mềm và giáo trình thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng nâng cao khả năng ngoại ngữ cho giáo viên với số lượng 4.220 chỉ tiêu. Đáng nói số lượng bộ phần mềm và giáo trình mua gấp 10,2 lần chỉ tiêu giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng.
Có 39/47 địa phương được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách, giảm thanh toán, dự toán năm sau 670 tỷ đồng. Cụ thể là TP. Hồ Chí Minh 19 tỷ đồng, Hà Nội 17 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận 171 tỷ đồng; Tây Ninh 132 tỷ đồng; Quảng Bình 177 tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu 74 tỷ đồng; Bình Định 49 tỷ đồng …
Ngoài ra, có 31/47 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Vĩnh Phúc 691 tỷ đồng, Sóc Trăng 399 tỷ đồng, Vĩnh Long 281 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng 141 tỷ đồng. 18 địa phương còn sử dụng 156 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất… để bổ sung chi thường xuyên sai quy định…
22/47 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng, trong đó một số địa phương còn hỗ trợ cho các công ty bóng đá. Cụ thể tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Công ty cổ phần bóng đá Tây Ninh từ năm 2014 đến 2016 mỗi năm 4 tỷ đồng. Quảng Ninh hỗ trợ đội bóng đá của Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của công ty 10 tỷ đồng.
Theo Dân Trí