Bình Phước là tỉnh nông nghiệp với các cây trồng chủ lực là điều, cao-su và hồ tiêu. Hiện tại, cao-su đang trong giai đoạn ngưng khai thác; hồ tiêu và điều đang chính vụ nhưng nông dân lại điêu đứng vì giá bán sản phẩm đang giảm mạnh, nhân công thu hoạch mùa vụ khan hiếm… Ðây là một hệ lụy của việc phá vỡ quy hoạch cây trồng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Khó khăn vì phá vỡ quy hoạch cây trồng

Năm nay giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân còn gặp khó khăn trong việc thuê nhân công hái hồ tiêu.

“Vỡ trận” cây chủ lực

Bình Phước có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, nhất là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, trong đó hồ tiêu hơn 17.000 ha. Vụ hồ tiêu năm 2018 – 2019, nông dân Bình Phước điêu đứng vì giá tiêu xuống thấp. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Bình Phước, vụ tiêu năm nay, khoảng 1.000 ha hồ tiêu nhiễm bệnh, chết nhanh. Nguyên nhân chủ yếu do vài năm trở lại đây, giá hồ tiêu xuống thấp, nông dân không mặn mà chăm sóc cây trồng. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết cực đoan gây tác động quá trình sinh trưởng và phát triển của cây tiêu. Sau hạn hán nặng nề, tiêu chưa kịp hồi phục, lại phải tiếp tục gánh chịu những đợt mưa kéo dài làm cho sâu bệnh hại tiêu phát triển mạnh.

Là một trong những địa bàn trọng điểm trồng hồ tiêu của Bình Phước, huyện biên giới Bù Ðốp có khoảng 5.500 ha tiêu, sản lượng hằng năm đạt hơn 7.000 tấn. Vụ tiêu năm nay, năng suất tương đối khá, nhưng người nông dân chưa kịp vui mừng thì phải đối diện điệp khúc “được mùa, mất giá”. Với giá tiêu như hiện nay (khoảng 50 nghìn đồng/kg, so với cùng kỳ năm 2018 giảm khoảng 35%), người trồng hồ tiêu lỗ nặng. Việc thuê nhân công thu hoạch hồ tiêu vào chính vụ cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều vườn hồ tiêu đang chín rộ nhưng không có người hái. Ðã nhiều ngày qua, gia đình bà Ðỗ Thị Dinh, xã Thiện Hưng vẫn chưa thuê được người hái tiêu. Vườn tiêu hơn hai nghìn trụ đang chín rộ nhưng chỉ có một mình bà Dinh thu hoạch.

Bà Dinh cho biết: “Tiền công hái tiêu hiện nay phải 200 nghìn đồng /ngày, một người hái một ngày được khoảng 6 đến 7 kg tiêu khô. Như vậy, với giá bán hiện nay, chi phí thuê nhân công hái tiêu chiếm hơn một nửa doanh thu, phần còn lại không đủ mua phân bón và công chăm sóc. Tính ra, năm nay người trồng tiêu gần như không có lãi”. May mắn hơn nhiều chủ vườn khác, gia đình ông Trần Văn Lương ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành lại tìm được đủ nhân công. Tuy nhiên, ông Lương phải trả cao hơn vụ trước từ 20 đến 50 nghìn đồng/người/ngày.

Bình Phước được mệnh danh là “thủ phủ” điều của cả nước với 134.300 ha, song mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% sản lượng hạt điều cho doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động. Những năm gần đây, cây điều liên tục bị tác động tiêu cực bởi thời tiết và sâu bệnh. Nông dân Bình Phước phải chi hàng chục tỷ đồng để cứu vãn cây điều. Vừa hết dịch bệnh hoành hành thì niên vụ 2019, cây điều lại bị “cơn bão” giảm giá đe dọa. Hiện đang chính vụ nhưng giá hạt điều tươi chỉ từ 26 đến 30 nghìn đồng/kg, thấp hơn 15 nghìn đồng so với đầu năm 2018.

Ðầu vụ điều, nhiều điểm thu mua nông sản ở huyện Ðồng Phú khá trầm lắng, không còn cảnh nông dân tất bật chở điều đi bán như các năm trước. Gia đình bà Ðoàn Thị Sen ở ấp Quân Y, xã Tân Lợi, huyện Ðồng Phú có 6 ha điều. Năm nay, gia đình bà Sen thong thả thu hoạch vì điều chín lác đác, cách một tuần thu hoạch một lần, mỗi lần được khoảng 60 kg điều tươi. Nhiều cây điều có chùm bị khô, hạt non cháy đen và rụng; một số cây không có trái. Ðây là tình cảnh chung của các hộ dân trồng điều tại huyện Ðồng Phú và một phần các huyện Phú Riềng và Bù Ðăng.

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước cho biết: Vụ điều năm nay được mùa. Nhưng vẫn có một số nơi mất mùa cục bộ. Nguyên nhân chính là vào thời điểm điều ra hoa, đậu trái thì xuất hiện mưa trái mùa làm thối hoa, rụng trái non. Mặc dù chính quyền các cấp, cùng ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân kinh phí mua các loại thuốc phun để cứu vãn vụ điều nhưng hiệu quả thấp. Những cây đậu trái thì chất lượng hạt giảm, thương lái thu mua với giá thấp.

Cần sớm có giải pháp hỗ trợ hiệu quả

Những năm qua, Bình Phước có nhiều nỗ lực hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, đáng kể nhất là xây dựng thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh và chỉ dẫn địa lý vùng điều Bình Phước. Tuy nhiên, Bình Phước chưa phát huy được thế mạnh của hai loại cây này. Giá hồ tiêu trong vùng có thương hiệu vẫn được thương lái thu mua bằng vùng lân cận. Hạt điều Bình Phước nổi tiếng thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng, nhưng hiện nay thương lái chỉ mua ngang giá hạt điều nhập khẩu.

Ðến nay, mô hình hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu hiệu quả nhất có lẽ là dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” được triển khai từ năm 2013 do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước phối hợp Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam thực hiện. Ðây là mô hình sản xuất hồ tiêu bền vững thông qua việc hình thành các tổ, nhóm nông hộ sản xuất hồ tiêu, giúp nông dân kết nối nhiều kênh tiêu thụ. Nông dân được tập huấn kỹ năng, kiến thức về sản xuất tiêu bền vững theo tiêu chuẩn “rừng mưa nhiệt đới” (R.A) và hợp tác lâu dài với Công ty Nedspice. Hiện nay, toàn tỉnh đã có sáu câu lạc bộ, 1.500 hộ dân tham gia dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” với tổng cộng 2.000 ha hồ tiêu, sản lượng đạt hơn 3.000 tấn với giá bán cao hơn giá thị trường từ 5.000 đồng/kg trở lên. Ngoài ra, khi tham gia chương trình này, nông dân có thể ký gửi hồ tiêu tại Công ty Nedspice và được ứng trước 70% số tiền theo giá thị trường. Khi nào giá lên thì nông dân chốt giá với công ty để hưởng lợi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh cho biết: Hằng năm, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo sản xuất và phòng, chống bệnh trên cây hồ tiêu; phòng trừ sâu bệnh trên cây điều; xây dựng các chính sách khuyến khích nông dân liên kết sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Bình Phước tuyển chọn giống hồ tiêu có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt để dần thay thế giống hồ tiêu hiện có; khuyến khích nông dân hợp tác với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hồ tiêu để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Ðối với diện tích tiêu chết hàng loạt, khuyến cáo người dân không trồng tiêu trở lại vì nguy cơ dịch bệnh rất cao, khuyến khích chuyển sang trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao như nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, cây có múi… Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền cho người dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời, không để bệnh lây lan ra diện rộng, vận động người dân không mở rộng diện tích tiêu, nhất là các vùng không thích nghi điều kiện sinh trưởng và phát triển của cây hồ tiêu. Ðối với những hộ dân vay vốn trồng điều, hồ tiêu, tỉnh kiến nghị các ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ.

Theo Nhân dân

Từ khóa : BÌNH PHƯỚCgiá tiêu

Các tin liên quan đến bài viết