Thực hiện Kết luận số 84-KL/TU ngày 1-3-2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, vừa qua Sở Y tế họp bàn phương án tổ chức, sắp xếp lại trung tâm dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tuyến huyện và trung tâm y tế cấp huyện thành 1 đơn vị; không tổ chức trạm y tế tại các phường, thị trấn nơi có trung tâm y tế, bệnh viện tuyến tỉnh. Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đã đồng tình sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ vào trung tâm y tế tuyến huyện. Đối với trạm y tế phường, thị trấn đa số ý kiến cho rằng nên giữ lại để làm công tác dự phòng.

SÁP NHẬP DS-KHHGĐ VÀO KHOA CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN

Bác sĩ Lê Hữu Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bù Đăng cho rằng, thời gian qua công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh chủ yếu thực hiện giám sát, báo cáo, có năm phối hợp tổ chức 1-2 đợt chiến dịch… Vì vậy sáp nhập DS-KHHGĐ vào khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) thuộc trung tâm y tế tuyến huyện là phù hợp, giúp ngành y tế dễ quản lý và tổ chức hoạt động hiệu quả hơn.

Đồng tình với ý kiến của bác sĩ Hòa, nhưng bác sĩ Nguyễn Thanh Long, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long băn khoăn: “Qua rà soát, tôi thấy một số viên chức của trung tâm DS-KHHGĐ không có bằng cấp chuyên môn nên khi sáp nhập không biết xếp vào đâu để trả lương cho phù hợp? Mặt khác, mỗi trung tâm DS-KHHGĐ hiện có trên 10 biên chế, khi sáp nhập khoa chăm sóc SKSS sẽ đông người, mất cân bằng so với các khoa, phòng khác. Vì vậy, tôi đề nghị trước khi sáp nhập phải tinh gọn nhân sự để tiện sắp xếp”.

Bác sĩ Phạm Đức Thành, Phó giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Phước Long trao đổi với nhân viên xử lý ca bệnh

Thời gian qua, mô hình trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện trực thuộc sự quản lý của UBND huyện đã có những thuận lợi nhất định. Đó là được hỗ trợ kinh phí, sự chỉ đạo của UBND huyện và xã, phường để các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành dân số thực hiện tốt công tác. Việc sáp nhập trung tâm DS-KHHGĐ trở thành một bộ phận của khoa chăm sóc SKSS thuộc trung tâm y tế tuyến huyện khiến nhiều người lo ngại công tác DS-KHHGĐ bị cắt giảm nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ, trong khi đó thời gian gần đây ngân sách của ngành y tế liên tục giảm. Có ý kiến còn cho rằng, với vai trò giám đốc hoặc phó giám đốc trung tâm DS-KHHGĐ nếu sáp nhập thì sẽ sắp xếp, bố trí chức danh như thế nào cho phù hợp? Ông Bạch Sỹ Long, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ cũng bày tỏ sự lo ngại phong trào sẽ “đi xuống” nếu bị cắt giảm các nguồn kinh phí vì hiện toàn quốc mô hình sáp nhập DS-KHHGĐ vào sở y tế chỉ có 2 tỉnh áp dụng và hiệu quả chưa được xác nhận.

GIỮ LẠI TRẠM Y TẾ PHƯỜNG, THỊ TRẤN ĐỂ LÀM CÔNG TÁC DỰ PHÒNG

Cùng với sự phát triển của xã hội và chính sách thông tuyến của ngành y tế, những năm gần đây đa số trạm y tế phường, thị trấn gần trung tâm không còn thực hiện chức năng khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, theo bảng thống kê nhiệm vụ (Bộ Y tế hướng dẫn) thì trạm y tế có 9 nhiệm vụ, trong đó quan trọng nhất là thực hiện khám, chữa bệnh. Tuy nhiệm vụ này hiện không còn phù hợp nữa nhưng đa số ý kiến cho rằng không vì vậy mà xóa trạm. Đại diện Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cho rằng: Theo xu hướng của xã hội, ở những nơi càng phát triển thì bệnh tật sẽ tăng, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ người nhiễm lao, HIV/AIDS ngày càng tăng cao tại các thành phố lớn, có đông dân cư. Vì vậy, việc xóa bỏ trạm y tế cấp xã ở thời điểm này là hợp lý, nhưng trong tương lai sẽ thế nào?

Một ca phẫu thuật ở bệnh viện đa khoa tỉnh – Ảnh: C.Liên

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài cho biết: Thị xã hiện có 5/8 trạm y tế phường, nếu xóa các trạm này thì trung tâm y tế rất vất vả, nhất là khi xảy ra dịch bệnh. Bên cạnh đó, thời gian qua do không có phụ cấp nên y tế thôn bản tại các phường đã nghỉ việc. Mạng lưới “chân rết” này rất quan trọng nhưng nay không còn, lại thêm không có người phụ trách công tác dự phòng thì rất bất ổn. Bác sĩ Thảo còn cho rằng, Bình Phước đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ, nhưng phải điều bác sĩ về trạm công tác là chuyện không hợp lý. Vì vậy phương án tốt nhất là nên giữ lại trạm y tế để thực hiện chức năng dự phòng.

Nhiều tháng nay, Trung tâm Y tế thị xã Phước Long đã tạm dừng chức năng khám, chữa bệnh tại 4/7 trạm y tế phường gần trung tâm và rút toàn bộ bác sĩ về làm việc tại Trung tâm Y tế. Bác sĩ Nguyễn Thanh Long cho rằng, đội ngũ này đã hỗ trợ rất tốt trong chuyên môn, giúp bệnh viện ngày càng nâng cao chất lượng về mọi mặt. Theo bác sĩ Long: “Bác sĩ được đào tạo về trạm hiện chủ yếu làm công tác dự phòng nên rất lãng phí. Lâu lâu mới có ca bệnh cần điều trị nhưng 1 bác sĩ không thể giải quyết hết vấn đề của bệnh nhân trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, thuốc men tại trạm. Trong khi đó duy trì chức năng khám, chữa bệnh đồng nghĩa với việc phải giải quyết chế độ trực, nhưng thử hỏi ở trạm y tế 1 tháng có được mấy ca bệnh phải sơ cấp cứu ban đêm?”.

Bác sĩ Nguyễn Đồng Thông, Giám đốc Sở Y tế cho rằng, các ý kiến tại cuộc họp đều xác đáng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao. Vì vậy, sở sẽ tiếp tục bàn phương án tốt nhất để thực hiện kết luận của Tỉnh ủy, đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe người dân. Trước mắt sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, sắp xếp, bố trí công chức, viên chức lãnh đạo quản lý và đội ngũ biên chế, nhân sự cho phù hợp, tinh gọn, đảm bảo quyền lợi người lao động.

Nguồn  Báo Bình Phước

Từ khóa : nhân sựphẫu thuậttinh gọn

Các tin liên quan đến bài viết