Bình Phước có 110 ngàn hộ kinh doanh cá thể. Đây là lực lượng kinh tế quan trọng, góp phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách địa phương, đồng thời giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động. Tuy nhiên việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp ở tỉnh còn chậm do các hộ kinh doanh chưa mặn mà với chủ trương này.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuyến ở khu phố Phú Cường, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài có truyền thống chế biến, xuất khẩu nhân hạt điều và nông sản. Đến nay, cơ sở sản xuất – kinh doanh của chị có quy mô tương đối lớn với số lao động có lúc lên tới 60 người. Nhưng khi đề cập đến việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp, chị lại tỏ ra khá ngần ngại. Chị cho biết: “Chúng tôi không muốn chuyển đổi vì thủ tục hành chính phức tạp. Mấy chị bạn tôi chuyển đổi thành doanh nghiệp xong nhiều người ca thán vì kê khai thuế rắc rối, các lực lượng chức năng thường xuyên vào kiểm tra… Thôi thì mình làm quy mô nhỏ cho đỡ phiền phức”.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm thương hiệu Công cà phê – một trong những hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp tại Đồng Xoài
Theo số liệu thống kê của Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh, Bình Phước hiện có trên 3.000 doanh nghiệp dân doanh. Tuy nhiên số hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 39%. Lý giải về tình trạng này ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh nói: “Lý do chính là các hộ kinh doanh cá thể ngại làm các thủ tục hành chính, kê khai thuế, xuất hóa đơn, báo cáo thuế hằng tháng khi chuyển đổi thành doanh nghiệp. Nhiều lao động lại không quan tâm đến tổ chức họ làm việc, nhiều hộ tuyển lao động theo thời vụ, chẳng cần hợp đồng ràng buộc”.
Theo Luật Doanh nghiệp năm 2014, những hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động trở lên thì từ ngày 1-7-2015 phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, những rắc rối về môi trường kinh doanh, gánh nặng thanh – kiểm tra, chi phí không chính thức khiến việc chuyển đổi chậm so với kỳ vọng. Thực tế, hầu hết các hộ kinh doanh cá thể đều mong muốn “nâng cấp” cơ sở, thương hiệu của mình, bởi hơn ai hết, họ hiểu rõ muốn hội nhập, ra biển lớn thì phải hội đủ điều kiện như mở rộng quy mô, sử dụng công nghệ cao, lao động tay nghề giỏi… Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh nhiều hộ kinh doanh đủ điều kiện về số lao động, tiềm năng, quy mô nhưng vẫn quen hình thức cá thể nên chưa phát triển đúng khả năng.
Anh Lê Hoàng Công, chủ thương hiệu Công cà phê tại thị xã Đồng Xoài đã chuyển đổi thành doanh nghiệp chia sẻ: “Chuyển đổi doanh nghiệp hộ kinh doanh cá thể có rất nhiều ưu đãi như huy động được sự tham gia góp vốn của tổ chức, cá nhân; hoạt động dưới tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, dễ dàng hơn khi vay vốn ngân hàng… Từ đó phát huy được hết tiềm năng, lợi thế để nâng cao năng suất và hiệu quả lao động để phát triển ngày càng bền vững”.
Để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, người viết thiết nghĩ trước tiên phải tháo gỡ rào cản về pháp lý, chính sách liên quan đến hoạt động doanh nghiệp cho các hộ kinh doanh cá thể. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, để các hộ kinh doanh cá thể không lúng túng khi chuyển đổi thành doanh nghiệp, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là Luật Doanh nghiệp cho người dân. Song song với đó, nhà nước cần rút gọn thủ tục nộp thuế và sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm cho người lao động…
Lê Hưng