Theo số liệu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, gần 50% doanh nghiệp hiện sản xuất cầm chừng, giữ lao động, hầu như không có nhu cầu tín dụng do không có thị trường.
Rất nhiều mặt bằng tại TP.HCM chờ khách hàng thuê
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ KH- ĐT Nguyễn Chí Dũng nói: “Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản…”.
Theo các chuyên gia, với tình hình hiện nay có thể thấy khó khăn đã lan rộng ra các ngành nghề chứ không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp bất động sản như trước.
Doanh nghiệp “gồng toàn tập”
Là vùng kinh tế trọng điểm với tỉ trọng đóng góp vào GDP luôn khoảng 30%, thế nhưng quý 1 vừa qua tín dụng tại khu vực Đông Nam Bộ đang tăng thấp hơn nhiều so với mức tăng chung của cả nước.
Theo số liệu của Ngân hàng (NH) Nhà nước, đến ngày 27-4 tín dụng toàn nền kinh tế tăng 3,04% so với cuối năm 2022, đạt trên 12,28 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên tại khu vực Đông Nam Bộ tín dụng tính đến hết quý 1 mới tăng 1,7%, thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý 1 là 2,6%. Trong khi tín dụng khu vực Đông Nam Bộ chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cầu cả trong và ngoài nước đều bị thu hẹp. Doanh nghiệp chủ yếu cầm cự, giữ đơn hàng. Một số doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản để trả nợ khi đáo hạn để không bị xếp vào nhóm nợ xấu.
Cuối năm ngoái doanh nghiệp liên tục kiến nghị nới “room” tín dụng để có thể tiếp cận vốn nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay mới.
Với các khoản đang vay, mức lãi suất phổ biến hiện xoay quanh mức 10%/năm, theo các doanh nghiệp là quá sức chịu đựng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một công ty tại quận Gò Vấp (TP.HCM) cho biết dù là doanh nghiệp kinh doanh lâu năm, có uy tín với NH nhưng NH vẫn đang áp lãi suất cho vay khá cao, xoay quanh mức 10%/năm.
Có NH thông báo giảm lãi vay nhưng mức giảm chỉ 0,5%/năm và chỉ áp dụng trong ba tháng, không thấm vào đâu.
“Năm ngoái doanh nghiệp của tôi chỉ vay với lãi suất 6 – 7%/năm, bất ngờ cuối năm lãi suất tăng vọt lên 10%/năm. Sau hơn nửa năm cầm cự và qua nhiều đợt NH giảm lãi suất huy động thì lãi vay được giảm 0,5%/năm.
Chúng tôi mong muốn NH Nhà nước có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ để NH có thể giảm lãi vay nhanh hơn chứ với tình hình hiện tại thì không kham nổi lãi suất”, vị giám đốc này nói.
Trường hợp trên không phải là cá biệt. Chủ một công ty kinh doanh sắt thép tại quận 12 nói sức mua trên thị trường giảm sút nghiêm trọng.
“Nếu dùng một từ để mô tả tình trạng doanh nghiệp lúc này thì tôi dùng từ “gồng”. Gồng lỗ, gồng hàng tồn kho và gồng lãi, gồng chi phí để duy trì. Chúng tôi mong có các chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, vị này nói.
Ông Phạm Văn Việt, tổng giám đốc Việt Thắng Jeans – cho biết do ngành dệt may gặp khó cả đầu vào lẫn đầu ra khiến dòng tiền doanh nghiệp rất eo hẹp, áp lực trả lãi NH lớn.
Điều này khiến có những doanh nghiệp trong ngành không trụ nổi đã phải đóng cửa trong khi cũng đã có những doanh nghiệp phải bán tài sản, nhà cửa để trả nợ.
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may – thêu đan TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp trong ngành này đang hết sức “đau đầu” bởi thị trường đầu ra chưa có tín hiệu lạc quan, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
“Tình hình đơn hàng các tháng tới thì đến nay chưa có gì chắc chắn, kể cả khách hàng cũng bất ổn, thị trường bất ổn nên các nhà sản xuất cầm cự vượt qua giai đoạn khó”, ông Hồng nói.
Dữ liệu
Phải phối hợp đồng bộ các chính sách
Thời gian qua, một số ý kiến cho rằng để thúc đẩy lãi suất cho vay giảm nhanh hơn, NH Nhà nước cũng nên cân nhắc giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, đồng thời nới tỉ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để các NH có thể giảm bớt giá vốn, trên cơ sở đó NH có thể giảm lãi suất cho vay.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng – tổng giám đốc NH Phương Đông (OCB), nếu căn cứ theo các yếu tố hiện nay thì NH Nhà nước có điều kiện giảm lãi suất điều hành để định hướng và dẫn dắt thị trường vì lạm phát và tỉ giá đang ổn định.
Về việc nới thời hạn đưa tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về mức 30% thay vì vào tháng 10 năm nay, theo ông Tùng, việc nới thời hạn này sẽ giảm bớt áp lực cho các NH trong việc huy động vốn.
Vì lãi suất huy động các kỳ hạn trung dài hạn luôn cao hơn lãi suất huy động ngắn hạn và cũng làm cho giá vốn cao hơn, trở thành gánh nặng cho NH trong tương lai.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, đó chỉ là mong muốn từ các NH thương mại, còn về phía NH Nhà nước sẽ phải cân nhắc ở nhiều góc độ.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, thời điểm này có thể cân nhắc giảm lãi suất điều hành nhưng cũng phải tính toán đến nhiều yếu tố như lạm phát, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Chưa kể nếu lãi suất huy động giảm quá nhanh, người dân không mặn mà gửi tiền mà chuyển dịch qua kênh đầu tư khác. Đó cũng là điều nên cân nhắc.
Về đề xuất giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, ông Lực cho rằng dự trữ bắt buộc không còn nhiều dư địa vì tỉ lệ này ở Việt Nam đã khá thấp.
“Quan trọng nhất trong hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế là không chỉ có chính sách tiền tệ mà phải phối hợp đồng bộ với các chính sách khác. Đồng thời phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ tâm lý sợ trách nhiệm, sợ rủi ro. Đây là vấn đề ách tắc rất lớn hiện nay”, ông Lực nói.
Dữ liệu
Sẽ khởi sắc hơn vào quý 3, quý 4?
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, thời gian gần đây các bộ, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn bằng nhiều chính sách. Tuy nhiên, những chính sách đó có thể chưa có hiệu quả ngay như doanh nghiệp mong muốn mà sẽ tích lũy trong vòng 1 – 2 tháng nữa.
“Khi lãi suất toàn thị trường thấp xuống thì dòng vốn tín dụng sẽ ra thị trường. Cộng với dòng tiền từ đầu tư công sẽ khiến cho thị trường khởi sắc hơn.
Tình hình hiện đang rất khó nhưng nếu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được duy trì và phát huy thì kinh tế trong nước sẽ khởi sắc, chậm nhất là quý 3 và quý 4 năm nay”, ông Tùng dự báo.
Nói về điểm nghẽn chung về đầu tư công, ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – cho rằng một trong những nút thắt hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay đó là nguồn lực đầu tư công, do đó ông Hòa cho hay cần đẩy mạnh và nhanh các dự án đầu tư công để tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp dự thầu.
“Đây là nguồn bù đắp cho đầu tư tư nhân đang bị thu hẹp do cầu thị trường sụt giảm”, ông Hòa nói và đề xuất các NH cần chấp nhận cho doanh nghiệp được thế chấp bằng các hợp đồng trúng thầu để vay vốn trong bối cảnh hiện nay.
Doanh nghiệp đề xuất thay đổi tiếp cận nguồn vốn
Ông Nguyễn Ngô Long, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH cơ khí thương mại Nhật Long, cho hay công ty của ông đã từng kỳ vọng gói 40.000 tỉ đồng với lãi suất 2% nhưng doanh nghiệp vẫn bị tắc, chưa tìm ra hướng tiếp cận để được hỗ trợ. Hơn cả một năm rồi, Thủ tướng đã yêu cầu triển khai thì vẫn bị ách lại.Vì vậy để giải ngân được cần phải có cách tiếp cận xử lý linh hoạt hơn. Chẳng hạn sau năm 2022 thống kê những doanh nghiệp vay NH đã hoặc đang trả lãi và tiếp tục vay thì ngành NH sao kê ra số liệu về những doanh nghiệp vẫn còn đang hoạt động.Từ đó lấy số liệu DN đủ điều kiện hoạt động vay trong năm 2022 để cấp bù lãi suất 2% cho khoản vay 2023.”Tôi cho rằng đây sẽ không có gì quá khó khăn với nghiệp vụ NH và đây cũng là cách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, NH có cơ sở để giải ngân nguồn vốn kịp thời tới tay doanh nghiệp.Công ty của tôi trước đây chỉ vay lãi suất 7,5% nhưng nay phải gồng trả lãi suất 9,5%. Rõ ràng nếu có bù lãi suất 2% năm trước bù qua hiện nay, DN tự tin nhận thêm đơn hàng, chuyển tiếp một giai đoạn phát triển khi nguồn tài chính được đảm bảo an toàn”, ông Long nói.
Ngân hàng bị “mắc kẹt” vốn lãi cao
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ngày 12-5 có thêm nhiều NH nhập cuộc đua giảm lãi suất giữa lúc sức ép giảm lãi suất cho vay đang lớn hơn bao giờ hết, nhất là sau khi thống đốc NH Nhà nước cho biết NH Nhà nước sẽ cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành.Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là lần giảm lãi suất điều hành thứ ba chỉ trong vòng ba tháng gần đây.Từ đầu năm đến nay, có NH đã giảm lãi suất huy động đến lần thứ tư, thứ năm. Lý do buộc các NH phải liên tục giảm lãi suất huy động là vì tín dụng tăng chậm. NH “mắc kẹt” vì huy động vốn lãi cao, không cho vay được nhưng vẫn phải trả lãi cho người gửi tiền thì sẽ lỗ.Do vậy các NH phải đua hạ lãi suất huy động để hạ giá vốn, từ đó có thể đẩy vốn ra thị trường.
Công nhân vận hành máy ở Công ty Lập Phúc, quận 7, TP.HCM
“Đạp phanh khẩn cấp”, kiến nghị và chờ đợi
Từng là doanh nghiệp có tiếng tăm trong ngành khuôn mẫu sản xuất hàng cung cấp cho GM Motor, Tesla, Panasonic…, Công ty Lập Phúc (quận 7, TP.HCM) cũng phải “đạp phanh khẩn cấp” để tìm đường duy trì hoạt động.
Ông Nguyễn Văn Trí, tổng giám đốc Công ty Lập Phúc, cho hay sau khi tạo dựng được thương hiệu doanh nghiệp Việt sản xuất hàng “chất lượng Nhật Bản, giá thành rẻ hơn Trung Quốc”, xuất khẩu hàng sang thị trường Mỹ, công ty mở rộng cơ sở nhà máy, mua thêm thiết bị máy móc.
Trong đó ông Trí nhắc đến chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của TP.HCM, công ty đã lọt vào top 10 doanh nghiệp hưởng chính sách này.
Sau khi được phê duyệt chương trình, Công ty Lập Phúc mạnh dạn đầu tư nhà máy mới với tổng mức xây dựng 120 tỉ đồng.
Theo ông Trí, khoản tiền vay ngân hàng được hỗ trợ chính sách lãi suất là 75 tỉ đồng, công ty đã giải ngân 57 tỉ đồng.
Thế nhưng hai năm qua, ông vẫn chưa nhận được hỗ trợ lãi suất, buộc doanh nghiệp tự gồng. Mỗi tháng gốc lẫn lãi Công ty Lập Phúc nộp ngân hàng là 1,5 tỉ đồng.
Trong khi đó, muốn giữ đơn hàng hoặc là nhà cung cấp chính cho công ty lớn của Mỹ, Nhật, Hàn hoặc châu Âu thì phải duy trì chất lượng nhà máy, đầu tư trang thiết bị mới, nhà xưởng quy mô rất tốn kém chi phí. Trong khi doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất của TP.HCM đã bỏ vốn tự có và vay ngân hàng đầu tư nhà máy.
Cách đây một tuần, công ty này gửi đơn xin gia hạn khoản tiền ký quỹ 3,6 tỉ đồng công trình xây dựng với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM.
“Trong lúc doanh nghiệp gồng mình trả lãi vay, công trình thi công gặp nhiều khó khăn do chưa tiếp cận vốn kích cầu, thủ tục phòng chống chữa cháy nhiêu khê nên chưa kịp hoàn công theo tiến độ. Tôi đã nộp đơn xin gia hạn rồi, không biết có được không mà chưa thấy hồi âm”, ông Trí nói.
Cần hỗ trợ nhiều mặt
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa – chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trong bối cảnh tiêu thụ kém như hiện nay, cần có các chính sách kích cầu nội địa thông qua các chính sách giảm thuế như thuế giá trị gia tăng, trước bạ, tiêu thụ đặc biệt và cần tính đến giảm thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, ông Hòa cũng cho rằng cần nghiên cứu gia hạn thời gian nộp thuế và giải quyết nhanh hoàn thuế để giúp doanh nghiệp giảm áp lực và cải thiện dòng tiền.
Ngoài ra, ông Hòa cho rằng cần kích hoạt chương trình kích cầu đầu tư, bù lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành kinh tế trọng điểm, các chương trình mục tiêu, đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đầu tư kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Liên quan đến lãi suất cho vay, ông Hòa cho rằng để hỗ trợ doanh nghiệp, ngân hàng cần tiếp tục có giải pháp kéo giảm lãi suất thay vì trên 10% như hiện nay.
Nguồn: tuoitre.vn