Giá khí đốt ở châu Âu liên tục giảm trong những tháng qua, xuống gần bằng mức trước chiến sự Nga – Ukraine dù khối này đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung do Nga cắt giảm dòng khí đốt sang phương Tây.

Kho dự trữ đầy, giá khí đốt ở châu Âu giảm liên tục dù bị Nga siết cung ứng - Ảnh 1.

Trạm nén khí Goleniow ở Ba Lan ngày 27-9-2022

EU đã dự trữ đầy khí đốt

Theo Hãng tin Reuters, mặc dù nguồn cung từ đường ống dẫn khí đốt của Nga hầu như dừng lại, giá khí đốt tiêu chuẩn TRNLTTFMc1 của Hà Lan đã giảm 67% so với mức giá cao nhất mọi thời đại hồi tháng 8 năm nay.

Giá khí đốt tháng 10-2022 ở châu Âu chỉ cao hơn mức giá cùng kỳ năm ngoái 12,6%. Dù nhu cầu sưởi đã bắt đầu từ đầu tháng 10, năm nay châu Âu có thời tiết ấm hơn bình thường nên nhu cầu sưởi ấm giảm xuống.

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đạt mục tiêu trữ đầy 80% các kho chứa khí đốt trước 1-11 trước thời hạn.

Dữ liệu của cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy các kho khí đốt ở châu Âu hiện đã đầy đến 93%, cao hơn mức 77% của cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) và nguồn cung khí đốt từ đường ống của Na Uy cũng dồi dào. Tính đến cuối tuần qua, nhập khẩu LNG vào châu Âu đạt tổng cộng 2,81 triệu tấn, theo Nikoline Bromander, nhà phân tích tại công ty tư vấn Rystad Energy.

“Thiên thời” còn ở chỗ sản lượng điện gió cũng khá cao, tiếp tục làm giảm nhu cầu về khí đốt của các nhà máy điện. Thỏa thuận hợp tác giữa các nước EU về giảm giá và giảm sử dụng cũng có hiệu quả.

Theo các nhà phân tích, những thảo luận của EU về các biện pháp kiềm chế chi phí nhiên liệu, trong đó có thảo luận về giá trần khí đốt trên toàn EU và hạn chế biến động giá trong ngày cũng đã gây áp lực lên giá khí đốt.

Giá khí đốt hiện nay có kéo dài?

Theo Reuters, câu trả lời phụ thuộc vào “ông trời” – tức thời tiết. Các dự báo cho thấy châu Âu sẽ tiếp tục có nhiệt độ ấm hơn mọi năm trong hai tuần tới nên các kho dự trữ khí đốt sẽ không nhanh vơi.

Các dự báo dài hạn cho thấy phần lớn châu Âu sẽ có mùa đông ấm hơn bình thường năm nay. Sự khác biệt giữa mùa đông lạnh và mùa đông ôn hòa là khoảng 25 tỉ mét khối, tương đương khoảng 7-8% tổng nhu cầu khí đốt của EU, chuyên gia Bromander cho biết.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo châu Âu đừng chủ quan. Rất có khả năng “châu Âu sẽ thở phào nhẹ nhõm, nghĩ rằng những khó khăn trong nỗ lực tiết kiệm khí đốt đã xong và lại tiêu dùng tẹt ga”, Bromander nói.

Những tác động khác như nhu cầu LNG cao từ châu Á trong trường hợp khu vực này có mùa đông lạnh và bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung ứng LNG cho các kho dự trữ đã cạn hoặc nếu xảy ra sự cố thiếu khí đốt diện rộng đều có thể ảnh hưởng đến giá khí đốt.

Ông Tom Marzec-Manser, trưởng bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tư vấn ICIS cho rằng châu Âu chưa qua giai đoạn khó khăn. Dù thời tiết đang ôn hòa, nếu trời lạnh kéo dài cũng sẽ làm tăng giá khí đốt vào cuối mùa đông tới.

Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ING Research cho biết: “Rủi ro của giá khí đốt rẻ trên thị trường khí đốt châu Âu là nó làm tăng nhu cầu sử dụng trở lại. Điều này sẽ khiến châu Âu khó xây dựng lại mức dự trữ khí đốt trước mùa đông năm 2023 – 2024”.

Theo Reuters, dù giá khí đốt giảm, điều này không có nghĩa là giá bán lẻ đến người tiêu dùng cũng giảm do độ trễ trên thị trường. Các nhà cung cấp năng lượng thường phải mua trước khoảng sáu tháng để dự trữ.

Do đó, giá khí đốt trên thị trường tăng hay giảm đều cần có đủ thời gian để phản ánh trên hóa đơn của các gia đình.

Do giá năng lượng tăng, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều khí đốt ở châu Âu như phân bón, gốm, thủy tinh, xi măng đã giảm công suất trong năm nay.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : châu ÂuEUGiá khí đốtkhỉ đột

Các tin liên quan đến bài viết