Ngày 20-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thực hiện chuyến thăm lịch sử và đầy bất ngờ tới Ukraine, thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết với Kiev khi sắp tròn một năm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine (24-2).
Tổng thống Biden có chuyến thăm bất ngờ đến Kiev vào ngày 20-2 và gặp Tổng thống Zelensky
Nhân dịp này, ông Biden thông báo Washington sẽ cung cấp gói viện trợ vũ khí mới trị giá 500 triệu USD cho Ukraine. Cùng ngày, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU – ông Josep Borrell – kêu gọi tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraine.
Không ai nhượng bộ ai
Các tuyên bố ủng hộ dành cho Kiev nói trên của lãnh đạo phương Tây diễn ra trong bối cảnh cả Ukraine lẫn Nga chưa có đủ năng lực giành chiến thắng quân sự hoàn toàn trên chiến trường và triển vọng hòa đàm cũng mịt mờ.
Năm thứ hai của cuộc xung đột chứng kiến quyết tâm “chơi tới cùng” của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khi không ai chịu nhượng bộ ai.
Khi nhìn về phía trước của cuộc chiến, lo ngại ngày càng tăng lên về một cuộc xung đột rộng lớn hơn (có thể liên quan hạt nhân), khi quan hệ giữa Nga và các đồng minh phương Tây của Ukraine ngày càng xấu đi.
Ông Putin chắc chắn không thể dễ dàng rút lui khỏi cuộc chiến mà ông đã khởi sự, nếu không đạt được kết quả thắng lợi trên chiến trường. Còn ông Zelensky hoàn toàn không thể chấp nhận hy sinh sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Bất kỳ một nhượng bộ nào cả về quân sự hay lãnh thổ được coi là không khả thi đối với cả hai bên. Một bên thì không muốn “mất thể diện”, còn bên kia không muốn trở thành “người phản quốc”.
Chính vì vậy, ngoài quyết tâm chính trị, sức mạnh quân sự của hai bên sẽ góp phần định hình cục diện cuộc xung đột trong thời gian tới. Kể từ khi Ukraine thực hiện một cuộc phản công đầy kịch tính và bất ngờ vào mùa thu vừa qua bằng việc đẩy được lực lượng quân đội Nga ra khỏi một số khu vực phía nam và phía đông thì đến nay không bên nào đạt được tiến bộ đáng kể.
Mặc dù phía Nga sau đó đã thay đổi chiến thuật bằng cách sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine, cũng như thực hiện một chiến dịch tấn công khốc liệt để kiểm soát thành phố Bakhmut ở phía đông, nhưng cũng không tạo ra chuyển biến đáng kể trên chiến trường.
Bài toán vũ khí
Phương Tây cho rằng Nga đang phải cố gắng bù đắp ngành công nghiệp vũ khí vốn không sản xuất kịp cho chiến trường bằng cách tìm kiếm nguồn cung vũ khí từ bên ngoài, để Matxcơva có thể tiếp tục duy trì thế thượng phong trong xung đột với Ukraine. Các quốc gia phương Tây cáo buộc Nga mua tên lửa từ Triều Tiên cũng như máy bay không người lái từ Iran.
Tuy nhiên thật khó để tin rằng Nga cũng như Ukraine đã tích lũy đủ nhân lực và nguồn lực để có thể đạt được những thành tựu đáng kể trong cuộc xung đột năm thứ hai.
Một yếu tố có thể gây bất ngờ đối với những người ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine chính là viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine không hề sụt giảm sau một năm chiến sự.
Tài chính và vũ khí hiện đại vẫn tiếp tục đổ vào Kiev để duy trì nền kinh tế và quân sự của Ukraine, bất chấp những cảnh báo của chính quyền Nga rằng hành động đó có thể dẫn đến việc đối đầu trực tiếp giữa Nga và liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Tuy vậy, binh lính Ukraine cũng cần thời gian để làm quen với xe tăng, xe chiến đấu và các thiết bị vũ khí khác của phương Tây. Ngoài ra các quốc gia phương Tây không muốn “chọc giận” người Nga nên số lượng và chủng loại vũ khí không bao giờ được cung cấp đủ cho Ukraine như yêu cầu.
Do đó các cuộc tấn công và phản công sẽ tiếp tục khốc liệt và tổn hao. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuần trước nói rằng một cuộc tấn công mùa xuân của Nga đã bắt đầu.
Có vẻ như Nga sẽ tấn công dữ dội hơn vào nhiều điểm khác nhau dọc theo chiến tuyến quanh co từ Kharkov đến Zaporizhzhia để hoàn thành mục tiêu kiểm soát phần còn lại của vùng Lugansk và Donetsk.
Tuy nhiên Ukraine cũng có kế hoạch sẽ thực hiện nhiều cuộc phản công trong thời gian tới khi xe tăng và pháo tầm xa viện trợ của phương Tây tới.
Cuộc chiến tranh có vẻ không có hồi kết rõ ràng trong thời gian tới, nhưng đối với những người dân thường bị kẹt trong làn đạn, điều đó có nghĩa đổ máu và đau khổ vẫn tiếp tục.
Ông Biden khẳng định ủng hộ Ukraine đến cùng
Trong chuyến thăm bất ngờ đến Kiev vào ngày 20-2, ông Biden đã tuyên bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu USD, gồm đạn dược, radar giám sát và hệ thống chống thiết giáp cho Kiev, đồng thời tiết lộ sẽ trừng phạt thêm Nga.Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine và cho rằng Nga đã sai lầm khi đánh giá thấp Kiev và nghĩ phương Tây bị chia rẽ.”Sau một năm, Ukraine vẫn đứng vững”, Hãng tin AFP dẫn lời ông Biden nói. Đối với chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sự hiện diện của ông Biden ngay trước kỷ niệm một năm chiến sự còn mang ý nghĩa lớn hơn cho thấy Mỹ luôn sát cánh với Ukraine.
Trung Quốc muốn làm trung gian hòa giải
Trong cuộc gặp Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bên lề Hội nghị an ninh Munich ở Đức ngày 19-2, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh nước này không muốn thấy cuộc khủng hoảng ở Ukraine kéo dài và lan rộng.
“Chúng tôi sẵn sàng phối hợp với cộng đồng quốc tế để tránh làm xấu thêm tình hình và kiên trì đấu tranh cho hòa bình”, báo SCMP dẫn lời ông Vương Nghị – chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc – nói.
Ông Vương Nghị dự kiến cũng sẽ đến thăm Nga vào ngày 22-2. Dù vậy, xét điểm chung không có giữa Nga và Ukraine hiện tại, cho dù bất kỳ cường quốc nào làm trung gian hòa giải cũng khó mang lại tín hiệu khả quan.
Nguồn: tuoitre.vn