Khác với các nhân vật trong chính quyền Trump ra đi, việc Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis từ chức đang để lại những khoảng trống và nỗi lo trong Nhà Trắng hơn ai hết.
Theo lá đơn từ chức được công bố hôm 20-12 (giờ Mỹ), đầu năm tới ông Mattis không còn đứng đầu Lầu Năm Góc nữa.
Nếu quyết định từ chức này không được cứu vãn, nó sẽ ám ảnh chính quyền này và nước Mỹ trong nhiều năm nữa.
Thượng nghị sĩ Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa
“Người trưởng thành” cuối cùng
Cho đến thời điểm này, tức đã hai năm từ ngày đầu ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, chuyện chính quyền thay đổi nhân sự xem ra không mấy lạ lẫm nữa. Nhưng khác với việc thay từ ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia, đại sứ tại LHQ hay gần đây là chánh văn phòng Nhà Trắng, có vẻ chưa một quyết định ra đi nào khiến nội bộ chính trường Mỹ phản đối và luyến tiếc như với ông Mattis.
Ông Mattis – cựu tướng bốn sao của thủy quân lục chiến Mỹ – là một trong những trụ cột cuối cùng trong “dàn cận vệ lão làng” của Tổng thống Trump, sau khi tướng McMaster (cố vấn an ninh quốc gia) và ông Rex Tillerson (ngoại trưởng) đều đã ra đi.
Ông Mattis cũng là nhân vật hiếm hoi dưới trướng ông Trump được cả hai phe Cộng hòa lẫn Dân chủ nể trọng. Nói như trang Vox thì Mattis là “người trưởng thành” cuối cùng vốn có khả năng khiến ông Trump lắng nghe, làm một chiếc “mỏ neo” cho những chính sách an ninh quốc gia bị mô tả là phiêu lưu của người đứng đầu Nhà Trắng.
Mất ông Mattis lúc này tức là sự ổn định của chính quyền Tổng thống Trump sẽ hứa hẹn tổn hại nặng nề hơn nữa. Thượng nghị sĩ Mark Warner, lãnh đạo phe Dân chủ tại Ủy ban tình báo Thượng viện, cho rằng việc ông Mattis ra đi là “kinh khủng”, gọi ông Mattis là “một sự ổn định hiếm hoi trong chính quyền hỗn loạn của ông Trump”.
Còn thượng nghị sĩ Lindsey Graham của South Carolina, người ủng hộ ông Trump nhiệt thành lâu nay, thậm chí kêu gọi một buổi điều trần trước Quốc hội về quyết định trên.
“Những khác biệt quan điểm”
Báo New York Times cho biết tại Lầu Năm Góc, ông Mattis đã cho in 50 bản sao lá đơn từ chức gửi Tổng thống Trump, yêu cầu phát nó đi khắp tòa nhà. Vị bộ trưởng này không ngần ngại nói rằng ông ra đi vì “những khác biệt trong quan điểm” với Tổng thống Trump.
Trong thư, ông Mattis tái khẳng định “niềm tin cốt lõi” trong các đồng minh và đối tác của Mỹ, đặc biệt là NATO. Điều này dĩ nhiên khiến các lãnh đạo trong NATO cảm thấy mát lòng hơn là những gì họ thường phải nghe ở ông Trump, từ việc phải chi thêm tiền để mua vũ khí, thực hiện nghĩa vụ liên minh, cho đến chuyện hủy bỏ Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) với Nga.
Nói cách khác, khi ông Mattis ra đi, các đồng minh của Mỹ có lý do để lo ngại về việc mình bị “bỏ rơi”. Truyền thông Mỹ xoáy sâu vào bất đồng của ông Mattis với quyết định của ông Trump về việc rút 2.000 lính Mỹ khỏi chiến trường Syria.
Nhưng xét ở góc độ khác, các đối thủ của Mỹ giờ cũng lo ngay ngáy khi mất đi chiếc “mỏ neo” Mattis. Ai cũng hiểu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (cựu sếp tình báo) và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton là những nhân vật có khuynh hướng “diều hâu”.
Việc không còn ông Mattis ở Lầu Năm Góc ít nhất sẽ khiến các chính sách cứng rắn của bộ đôi trên sắp tới gặp ít trở ngại hơn. Vì vậy, những mục tiêu về an ninh của Mỹ như Triều Tiên, Iran hay một vài nước khác chưa biết sắp tới sẽ chứng kiến cách tiếp cận nào về mặt quân sự.
Cần người “trung thành” hay chuyên môn?
Báo chí Mỹ cho rằng bất chấp mâu thuẫn về đường hướng làm việc, ông Mattis vẫn là một trong những người có mối quan hệ cá nhân tốt nhất với ông Trump trong chính quyền.
Từ lâu nay, đơn cử trường hợp sa thải cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) James Comey, ông Trump luôn cho thấy chỉ tin tưởng những ai “trung thành” với mình. Vì vậy vấn đề lựa chọn người kế nhiệm trong mỗi sự thay đổi nội các của tổng thống Mỹ đều không hẳn nằm ở năng lực chuyên môn.
Cả ban bệ của ông Trump, những người được cho là đáp ứng tiêu chí đáng tin cậy ấy, đã ra đi gần hết.
Nguồn: tuoitre.vn