Động lực thắt chặt quan hệ song phương Việt – Anh được bổ sung bằng những thay đổi trong cục diện quốc tế: Brexit và Biển Đông.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Sunday Telegraph tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tiết lộ kế hoạch xây dựng một căn cứ hải quân Anh ở khu vực Đông Nam Á, có thể tại Singapore hoặc Brunei. Việc này gần như lập tức khiến giới quan sát Trung Quốc lưu tâm.
Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lời Xu Liping, giáo sư tại Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương của Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nhận xét rằng Anh đã “phô diễn sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc” và thể hiện “sự tham gia sâu hơn của các thế lực bên ngoài trong tranh chấp Biển Đông”.
Triết lý “Global reach”
Thực tế không nhiều bất ngờ về chuyện Anh muốn mở căn cứ hải quân ở nước ngoài.
Thứ nhất, triết lý “Global reach” (tạm dịch “Vươn ra toàn cầu”) đã và đang là đề tài tranh cãi của truyền thông Anh. Nó bắt nguồn từ một quan niệm chính trị có từ đầu thế kỷ 20, theo đó Anh mong muốn đáp ứng cam kết quốc phòng trong nước trong lúc có thể duy trì khả năng kiểm soát phần còn lại của thế giới.
Năm 2015, chính sách “Global reach” hiện đại lần đầu tiên xuất hiện trong đánh giá quốc phòng của thủ tướng David Cameron thông qua một căn cứ quân sự đặt tại quốc gia Ả Rập Bahrain, và dự tính dùng một lực lượng 50.000 quân nhân cho tham vọng triển khai ở bất cứ nơi nào trên thế giới.
Ông Cameron và bộ trưởng tài chính khi ấy George Osborne đã công khai liên kết tầm nhìn này với chiến lược xây dựng mạng lưới thương mại ngoài châu Âu.
Tạp chí New Statesman nhận xét rằng ý tưởng trên tương tự những gì cựu ngoại trưởng Mỹ và là người từng thất bại trước ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ 2016 – bà Hillary Clinton – từng đặt ra trong chính sách “Xoay trục về châu Á”: trật tự thương mại dựa trên luật lệ cần phải được củng cố bằng sự hiện diện của quân đội phương Tây gần Ấn Độ và Trung Quốc.
Thứ hai, nếu nói như Ni Lexiong, chuyên gia hải quân tại Đại học Khoa học chính trị và luật Thượng Hải (Trung Quốc), thì kế hoạch xây căn cứ của Anh ở Đông Nam Á chẳng qua là cách London bước cùng nhịp với đồng minh Mỹ trong cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, còn đó một động lực khác đang khiến Anh quyết tâm với “Global reach” hơn nữa.
Ngày 29-3 tới là lúc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit. Và bất chấp việc cả nội bộ Anh còn chưa thống nhất được thỏa thuận Brexit, công cuộc chuẩn bị cho các thị trường thay thế phải được thực hiện song song.
Và tất nhiên, xét mối quan hệ Anh – Trung Quốc hậu “kỷ nguyên vàng” như tuyên bố năm 2015 lẫn sự khó đoán của chính quyền ông Trump, hai thị trường khổng lồ Mỹ – Trung không thể gọi là tối ưu. Vậy thì phải có cách khác ngoài phương Tây, ngoài Trung Quốc.
Cụ thể, các tories (thành viên Đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Anh Theresa May) đang ủng hộ ý tưởng xoay trục về châu Á, mà truyền thông Anh đang gọi là “Look East” (Nhìn về phương Đông).
Sắp tới, doanh nghiệp Anh sẽ khó khăn hơn trong việc mở rộng hoạt động tại một số quốc gia thuộc EU. Vì vậy, tôi tin rằng một vài doanh nghiệp sẽ cho rằng châu Âu ngày càng khó tiếp cận, nên hãy tập trung hơn vào châu Á
Ông Alain Cany (chủ tịch Tập đoàn Jardine Matheson tại Việt Nam) nói với Tuổi Trẻ
Hướng về ASEAN, Việt Nam hậu Brexit
Bất chấp bị tranh cãi, có rất nhiều lý do để Đảng Bảo thủ tin vào thành công của “Look East” với ASEAN và đặc biệt là Việt Nam. Về kinh tế, đây là một lựa chọn không tồi.
Tháng 6-2018, Hội đồng Kinh tế Anh – ASEAN và Trung tâm Saw Swee Hock Đông Nam Á thuộc Trường Kinh tế London (LSE) công bố nghiên cứu mang tên Lựa chọn tương lai cho quan hệ kinh tế Anh – ASEAN, trong đó khẳng định ý tưởng hướng về Đông Nam Á hậu Brexit.
Theo nghiên cứu này, EU đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN sau Trung Quốc. Thương mại song phương ASEAN-EU liên tục tăng kể từ năm 2013, đạt 227 tỉ euro (hơn 258 tỉ USD) năm 2017. EU cũng đầu tư vào thị trường ASEAN nhiều hơn cả Mỹ và Trung Quốc. Lượng cổ phiếu đầu tư của EU gần bằng 1/4 tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn ASEAN.
Song hành cùng EU, Anh cũng có mối quan hệ hợp tác đáng chú ý với ASEAN. Xuất khẩu của nước này sang ASEAN cao hơn cả sang Nhật Bản, Ấn Độ hay Hàn Quốc, theo báo cáo của LSE. Cụ thể trong năm 2016, thương mại hai chiều giữa Anh và ASEAN đạt 32,4 tỉ bảng Anh (hơn 41,2 tỉ USD), tăng 9,1% so với năm 2015.
Trong khi Singapore là đối tác lớn nhất của Anh ở Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ ba trong thang đo này và là thị trường duy nhất Anh giữ thị phần, trong khi nước này đã mất thị phần ở Thái Lan vào tay Pháp và Đức. Việt Nam cùng Singapore cũng là hai nước EU đang đàm phán Thỏa thuận thương mại tự do (FTA), vốn dĩ sẽ được Anh căn cứ cho viễn cảnh ký kết FTA cho riêng mình.
Báo cáo của LSE cũng vạch ra ba lựa chọn cho Anh và ASEAN hậu Brexit: đầu tiên là Hiệp định đối tác chiến lược toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thỏa thuận có các quốc gia ASEAN đã tham gia trước; thứ hai là ký thỏa thuận thương mại song phương với từng nước ASEAN và thứ ba là một thỏa thuận giữa Anh với toàn khối ASEAN.
Trong số này, nếu lựa chọn từng nước, Việt Nam trở thành một mục tiêu khả dĩ hơn khi đang có sẵn nền tảng từ Thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam – EU (EUFTA).
Anh quan tâm Biển Đông
Về địa chính trị, ASEAN và Việt Nam nói riêng phù hợp với “Global reach” cũng như chính sách ủng hộ đồng minh Mỹ của người Anh. Trong chuyến thăm tháng 10 qua, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã thống nhất thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược hai nước.
Đáng chú ý, trong tuyên bố chung, hai bên nhấn mạnh chú trọng cam kết với phán quyết của tòa trọng tài về tự do hàng hải và hàng không. Điều này phần nào phản ánh mối quan tâm của Anh đối với Biển Đông.
Người Anh cũng thúc đẩy quan hệ quốc phòng với các đối tác ở ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, với việc lần đầu tiên Đối thoại Chính sách quốc phòng hai nước diễn ra trong chuyến thăm Anh của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từ ngày 27-11 đến 1-12 năm ngoái.
Sự tham gia của các nước như Anh vào câu chuyện Biển Đông, xét trên một số khía cạnh, là điều cần thiết trong việc gây sức ép lên các tuyên bố chủ quyền lẫn hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc.
Nguồn: tuoitre.vn