Số trẻ em nhiễm COVID-19 đang tăng. Trẻ sau khi khỏi bệnh, phụ huynh lại lo lắng đến hội chứng hậu COVID-19 nên vội đưa trẻ đi khám dù trẻ không có biểu hiện nào.

Khi nào mới đưa trẻ khám hậu COVID-19? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cho biết theo nghiên cứu ở các nước, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 đã khỏi nhưng vẫn bị triệu chứng hậu COVID-19 chiếm 6 – 15%. Một thống kê ở Anh nêu, có 15% trẻ ở lứa tuổi 12 – 16 có triệu chứng hậu COVID-19.

Tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố, sau gần hai tháng từ khi triển khai khám, điều trị hậu COVID-19 cho trẻ, số phụ huynh đưa trẻ đi khám hậu COVID-19 khá đông. Sau khi khám ban đầu, số trẻ cần tiếp tục thăm khám, điều trị hậu COVID-19 không nhiều, chỉ hơn 20 em.

Về tỉ lệ trẻ bị hậu COVID-19 tại bệnh viện, bác sĩ Tiến cho biết không nhiều nhưng khó thống kê và tính toán được vì phần lớn bệnh nhi được phụ huynh đưa đến khám hậu COVID-19 từng điều trị COVID-19 ở những cơ sở y tế khác.

PGS Phạm Văn Quang – trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1, phó trưởng bộ môn nhi Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho biết tại Việt Nam, hiện chưa có báo cáo khoa học về tình trạng di chứng hậu COVID-19 ở trẻ em.

Vấn đề hậu COVID-19 được ghi nhận ở các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em, nhưng rất ít.

Đây là hội chứng thường xảy ra ở trẻ 6 – 15 tuổi, do rối loạn đáp ứng miễn dịch. Những trẻ này thường nhập viện trong tình trạng nặng, bị sốc tim, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim… Nhưng nếu được phát hiện sớm và kịp thời hầu hết đáp ứng tốt.

Để xác định trẻ có thể mắc hội chứng hậu COVID-19 hay không, bác sĩ Tiến khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi, quan sát trẻ sau khi khỏi COVID-19. Nếu phát hiện con thay đổi tính tình, cách sinh hoạt, hành vi và có các biểu hiện như thở mệt, hồi hộp, đánh trống ngực, mệt khi gắng sức, hụt hơi, rụng tóc, giảm tập trung… cần đưa trẻ đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ tư vấn và tiếp tục thăm khám, điều trị hậu COVID-19 cho trẻ khi cần thiết. Tùy theo triệu chứng của bệnh nhi gặp phải, các bác sĩ sẽ khám và điều trị triệu chứng đó mà không gợi ý sẽ áp dụng khám gói khám sức khỏe hậu COVID-19, nhằm giảm chi phí điều trị.

“Ở nước ngoài, họ chỉ nghĩ đến hậu COVID-19 khi đã loại trừ các nguyên nhân khác. Ví dụ có biểu hiện thần kinh, hô hấp, tim mạch… thì phải tìm nguyên nhân.

Nếu không giải thích được mà bác sĩ vẫn ghi nhận nhiều bệnh cảnh cùng lúc mới nghĩ đến hậu COVID-19. Nếu nghĩ hậu COVID-19 ngay từ đầu thì sẽ vô tình gán ghép trẻ bị hậu COVID-19, gây bất ổn tâm lý cho phụ huynh và trẻ, dù trẻ không gặp hậu COVID-19″, bác sĩ Tiến nói.

Nên theo dõi sát diễn tiến của trẻ F0

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Diệu Hiền – trưởng khoa nội tim mạch – khớp, Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ – cho hay mới đây có một bệnh nhân nữ 16 tuổi nhiễm COVID-19, nhiễm trùng ở phổi, sau đó gây tổn thương viêm cơ tim, suy tim rất nặng, phải lọc máu và dùng ECMO, đến nay bé đã gần hồi phục.

Đây có thể coi là trường hợp hậu COVID-19 gây tổn thương viêm cơ tim, suy tim ở trẻ. Vì vậy nên chú ý khi trẻ có những triệu chứng mắc COVID-19, dù nhẹ và gia đình cần theo dõi thật sát diễn biến tình trạng sau thời gian trẻ mắc COVID-19. Có thể đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có phòng khám hậu COVID-19 để theo dõi kịp thời.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19Hội chứng hậu COVIDHỏi đáp cùng thầy thuốc

Các tin liên quan đến bài viết