Có những giờ học online, cả lớp (bao gồm cả giáo viên) tắt camera. Giao diện lớp học khi đó chỉ là những ô vuông đơn sắc vô cảm và chỉ còn tiếng giảng đều đều của giáo viên.

Khi lớp học là những ô vuông vô cảm - Ảnh 1.

Con trai tôi đang học lớp 9 tại một trường THCS ở TP.HCM. Quan sát những buổi học trực tuyến của con, tôi thấy có một điểm chưa hợp lý: hầu như cả lớp đều tắt camera của thiết bị đang dùng kết nối với lớp học (laptop, máy tính bảng, điện thoại…).

Không bắt buộc

Khi tôi hỏi vì sao không bật camera, con nói “ngại vì không ai bật cả”! Tôi nhắn tin hỏi thêm thầy giáo chủ nhiệm, thầy giải thích hiện tại nhà trường không bắt buộc học sinh phải bật camera, dù giáo viên luôn khuyến khích học sinh làm việc này nhưng các em nêu nhiều lý do để không bật như mạng yếu, điện thoại cũ, không có phòng riêng…

Vì chỉ là một lựa chọn “được khuyến khích” nên có lẽ một phần do tâm lý ngại ngùng chưa quen của một số em và do lựa chọn “tắt” chiếm số đông nên nhóm thiểu số dù không ngại bật camera cũng cảm thấy việc “hiện hình” trở thành “khác thường” so với các bạn cùng lớp.

Và kết quả là gần như các giờ học đều chỉ nghe thấy lời giảng của giáo viên và vài câu trả lời của học trò khi phát biểu. Lâu lâu tôi lại nghe thấy tiếng giáo viên nhắc tên em nào đó vài lần vì cô gọi mà không đáp lời, sau đó mới biết em ấy đã thoát khỏi lớp sau khi điểm danh từ lúc nào và không rõ vì sao.

Theo nhà nhân chủng học người Mỹ Edward T. Hall, trong giao tiếp bình thường, ngôn ngữ cơ thể (như giọng điệu, nụ cười, âm lượng, vẻ mặt, tư thế…), hay còn gọi là “ngôn ngữ im lặng”, có thể chiếm tới gần 3/4 nội dung trao đổi thực tế.

Nhưng ở thời đại con người chủ yếu liên lạc, trao đổi với nhau qua mạng Internet như hiện nay, “ngôn ngữ im lặng” đó bị triệt tiêu khá nhiều trong các trao đổi online. Nhưng nói thế không có nghĩa những điều này không còn ý nghĩa.

Nghiêm túc hơn khi có camera

Tâm lý con người nhìn chung giống nhau: khi biết trạng thái hoạt động của mình đang được quan sát (hoặc từ người khác hoặc trên camera), tất cả đều sẽ nghiêm túc và chỉn chu hơn, từ trang phục, tác phong cho tới thái độ. Do đó, việc bật camera trong giờ học trở thành điều kiện tất yếu khiến trẻ có tâm lý nghiêm túc không khác nhiều so với khi ngồi trong lớp học thực tế. Trước camera, dù đang học trực tuyến ở nhà, người học cũng không thể nằm bò ra mặt bàn, ngủ gật hay một tay bấm chuột một tay bốc đồ ăn vặt, hay thậm chí lăn ra giường nằm nghỉ một lát…

Không phải vô lý khi ai đó bảo việc tắt camera khiến việc học trực tuyến trở nên lý tưởng đối với học sinh và cả những giáo viên lười, bởi vì camera không chỉ là cách khiến người học cần nghiêm túc, tập trung mà cũng buộc giáo viên phải có sự chỉn chu tương tự.

Ngoài việc giúp tăng cường tập trung cho cả giáo viên và người học, việc bật camera khi học trực tuyến cũng sẽ giúp các tương tác qua “ngôn ngữ im lặng” như đã nói ở trên được duy trì ở mức tối thiểu, qua đó tạo sự gắn kết tự nhiên giữa các thành viên trong lớp cũng như giữa học trò và thầy cô giáo.

Hiện một số trường đã có những điều chỉnh về thời gian tiết học từ 45 phút xuống còn 30 phút để giảm bớt áp lực căng thẳng khi học online cho học sinh. Do đó, việc yêu cầu người học phải tập trung trong một khoảng thời gian như vậy cũng không quá nặng nề.

Nên có quy định bắt buộc bật camera

Các trường nên có một quy định cụ thể (có thể là bắt buộc) về việc bật camera trong giờ học online vì điều này sẽ tạo tâm lý nghiêm túc cần có cho một buổi học mà có lẽ nhiều phụ huynh mong muốn, trong bối cảnh phương thức học này có thể sẽ kéo dài chứ không chỉ là tình thế ngày một ngày hai. Dù học online thì vẫn phải là học ra học, chơi ra chơi.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : camerahọc onlinehọc trực tuyếnPhương thức dạy học

Các tin liên quan đến bài viết