Một lãnh đạo bệnh viện ở Hà Nội đã nêu một vấn đề rất khó giải quyết hiện nay: quy định về phân nhóm thiết bị y tế chưa ổn, thiết bị của các nước Âu, Mỹ, Nhật xếp cùng nhóm với Ấn Độ, Trung Quốc dẫn đến mua sắm thiết bị khó khăn.

Khi bệnh viện phải mua hàng giá rẻ, gây đau đớn cho bệnh nhân - Ảnh 1.

Máy mượn tại một bệnh viện 

Ý kiến này được nêu tại hội nghị của hai bộ Y tế, Tài chính gần đây để gỡ rối những vướng mắc trong mua sắm thiết bị y tế và thuốc cho bệnh viện.

“Bệnh viện chúng tôi đã rơi vào “bẫy” mua phải vật tư không đáp ứng yêu cầu, do quy định đấu thầu khi mua phải chọn giá rẻ nhất. Chúng tôi đã mua hàng trăm sonde hút dịch phế quản cho bệnh nhân hồi sức hô hấp, thở máy loại 160.000 đồng/chiếc, khi đưa vào sử dụng thì ống sonde rất cứng, bệnh nhân bị đau hoặc chảy máu, tổn thương niêm mạc hô hấp. Trong khi loại tốt hơn, mềm hơn chỉ có 220.000 đồng/chiếc thì chúng tôi lại không thể mua”, vị giám đốc này nói.

Không chỉ vật tư loại đơn giản, ít tiền đang vướng vấn đề này mà ngay cả những thiết bị đắt tiền cũng đang vướng, khó mua.

Bệnh viện kể trên hiện có nhu cầu sắm một số máy cộng hưởng từ, xạ trị. Nếu so về cấu hình thì rất khó chọn bởi các hãng kém uy tín hơn cũng có những điều kiện không kém hãng uy tín cao nhưng hiệu quả ảnh chụp và chạy thực tế thiết bị, độ bền thì kém uy tín kém luôn cả chất lượng. Nhưng quy định hiện hành xếp chung nhóm, bệnh viện cũng phải chịu.

Đang có một thực tế các bệnh viện, viện… gặp khó khăn trong mua thuốc, hóa chất, vật tư… Một viện đầu ngành phía Nam hiện phải ngưng nhiều loại dịch vụ do hết hóa chất. Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gần đây chia sẻ một số vật tư kỹ thuật cao đã hết, bệnh nhân đến sẽ phải chờ.

Nhưng khác với các loại dịch vụ khác có thể chờ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, đặc biệt ở nhóm bệnh nhân cấp cứu, chờ đợi đồng nghĩa với việc mất đi thời gian vàng để cứu người.

Ở nhóm dịch vụ xét nghiệm, dự phòng, tầm soát phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa quan trọng để giảm gánh nặng cho khối điều trị, do 2 năm dịch COVID-19 bệnh viện tập trung chống dịch nên hiện người mắc các nhóm bệnh thông thường đã quay trở lại với số lượng gấp rưỡi, gấp đôi công suất và bệnh viện đã quá tải.

Trả lời lý do các cơ sở thiếu thiết bị và vật tư, một chuyên gia chia sẻ ngoài vấn đề giá và vận chuyển ngưng trệ còn có lý do các thành viên hội đồng thầu e ngại vị trí này, vì thế việc mua sắm vốn đã khó, chậm lại càng bị cản trở.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : dịch vụ chăm sóc sức khỏethiết bị y tếvật tư y tế

Các tin liên quan đến bài viết