Bằng khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, anh Nguyễn Văn Ngọc, 31 tuổi, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước đã nỗ lực không biết mệt mỏi để trở thành chàng thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi.
Năm 2009, khi cây ca cao được đưa về Bình Phước, nhiều người đang nghiên cứu tìm hiểu thì anh Ngọc đã mạnh dạn cùng đầu tư trồng loại cây này. Là giống cây mới, chưa nắm bắt được kỹ thuật chăm sóc nên hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Thất bại với ca cao, anh Ngọc chuyển sang trồng cây điều và bắt đầu cho hiệu quả kinh tế.
Khi có thu nhập, anh Ngọc lại tiếp tục nghiên cứu, đầu tư trồng ghép cây tiêu dưới gốc điều. Tận dụng thân cây điều làm nọc, anh trồng thử nghiệm một số loại giống tiêu khác nhau với số lượng ít. Sau một thời gian theo dõi, anh nhận thấy giống tiêu dây lươn có đặc điểm chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, khả năng kháng bệnh cao, thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đến nay, anh Ngọc đã trồng được hơn 400 trụ dây tiêu lươn dưới gốc điều, bình quân mỗi vụ thu khoảng 10 kg tiêu tươi/trụ.
Không dừng lại ở đó, năm 2012, anh Ngọc tiếp tục tận dụng thân cây điều đã được bao phủ tiêu để trồng xen canh thêm cây cà phê. Cách trồng xen này có lợi thế là khi bón phân và tưới nước thì cả ba loại cây trồng đều được hấp thụ chất dinh dưỡng. Ngoài ra, anh còn tạo dựng mô hình kép, tự ủ phân hữu cơ từ vỏ cà phê và xác thực vật là lá điều, lân, kali và men sinh học với tỷ lệ thích hợp bón cho vườn cây của mình. Do đó đã tiết kiệm phần lớn chi phí chăm sóc vườn cây.
Với tính tình siêng năng, ham học hỏi, từ hơn 1ha ban đầu, hiện anh Ngọc đã phát triển diện tích lên gần 4ha cây trồng tổng hợp điều, tiêu, cà phê cho hiệu quả kinh tế cao. “Sau khi trừ các khoản chi phí, hàng năm mô hình trồng hỗn hợp điều, tiêu, cà phê cho thu hơn 300 triệu đồng lợi nhuận” – anh Ngọc nói.
Với số tiền dành dụm được cộng với mượn từ người thân, bạn bè, đầu năm 2016, anh Ngọc bỏ ra gần 1 tỉ đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ và mua bò giống lai Sind và bò cỏ về nuôi. “Tôi tự tìm tòi từ sách vở, tài liệu trên mạng cũng như học hỏi kinh nghiệm qua những người bạn về chăn nuôi, đàn bò dần phát triển khỏe mạnh và bắt đầu cho sinh sản. Qua gần 2 năm cất công chăm sóc, những chú bê con lần lượt ra đời trong niềm vui sướng khôn tả. Từ 13 con giống ban đầu, đến nay đàn bò nhà tôi đã phát triển thành 22 con” – anh Ngọc chia sẻ.
![]() |
Anh Nguyễn Văn Ngọc chăm sóc đàn bò của gia đình mình |
![]() |
Anh Nguyễn Văn Ngọc thái cỏ cho bò ăn |
Ngoài ra, anh Ngọc còn đứng ra cùng bạn bè trong xã thành lập “Câu lạc bộ hỗ trợ nông nghiệp”, gồm 22 thành viên do anh làm chủ nhiệm. Câu lạc bộ thường sinh hoạt định kỳ hàng tháng để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ kỹ thuật trồng trọt.
Không chỉ sản xuất giỏi, với cương vị là Phó bí thư Đoàn xã Phú Trung, anh Ngọc luôn gương mẫu, tham gia nhiệt tình các phong trào thi đua do Đoàn cấp trên và địa phương phát động. Anh cũng sẵn sàng giúp đỡ và là “địa chỉ đỏ” chia sẻ những kinh nghiệm phát triển kinh tế để thanh niên ở địa phương có điều kiện lập nghiệp vươn lên làm giàu chính đáng.
Anh Trần Quốc Tuấn – Bí thư xã Đoàn Phú Trung cho biết: “Anh Ngọc là thanh niên giàu nghị lực, là một cán bộ Đoàn năng nổ luôn nhiệt tình trong công tác, thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên cùng phát triển kinh tế. Mô hình nuôi bò và vườn cây đa canh của anh không những mang lại thu nhập cao mà còn để mọi người học hỏi kinh nghiệm trong bước đường lập thân lập nghiệp”.
Nguồn khoahocthoidai.vn