Dân số khiêm tốn (5,5 triệu người), yêu cầu khắt khe về chuyên môn và kỹ năng với giáo viên, tôn trọng sự tự chủ và các giá trị bình đẳng đã giúp nền giáo dục Phần Lan vươn tầm thế giới.

Đối với các quốc gia đặt nặng tiêu chuẩn và trách nhiệm giải trình như Vương quốc Anh và Mỹ hoặc có nền giáo dục kém phát triển hơn như ở Mỹ Latinh và Caribe, công thức của Phần Lan tựa như như một phép màu: Hầu hết giáo viên đều có bằng thạc sĩ, không có bài kiểm tra học sinh, không có thanh tra hoặc xếp hạng.

Học sinh có ít bài tập về nhà, giáo viên làm việc ít giờ và là những chuyên gia giáo dục đáng tin cậy với toàn quyền tự chủ trong lớp học.

Không dễ bước chân vào trường sư phạm

Để dạy học sinh từ lớp 1 đến lớp 6, giáo viên ở Phần Lan phải đạt trình độ thạc sĩ giáo dục trở lên. Để dạy học sinh từ lớp 7 đến lớp 9, ngoài bằng cấp về giáo dục, giáo viên phải là thạc sĩ trong lĩnh vực họ giảng dạy.

Giáo viên Phần Lan là những chuyên gia giáo dục đáng tin cậy với toàn quyền tự chủ trong lớp. 

Chương trình đào tạo giáo viên có yêu cầu rất cao và không dễ bước chân vào các trường sư phạm. Năm 2014, chỉ có 9% thí sinh đăng ký thi vào khoa giáo viên của ĐH Helsinki được nhận.

“Bản chất của hệ thống đào tạo giáo viên là phải không ngừng học. Có như vậy, Phần Lan mới tiếp tục sản sinh ra một đội ngũ giảng viên chất lượng”, giáo sư ngành đào tạo giảng dạy Leena Krokfors tại ĐH Helsinki lý giải.

Chính nhờ quá trình đào tạo gắt gao nên ngay cả khi Chính phủ không tiến hành các cuộc thanh tra, đánh giá và kiểm định giáo viên thường xuyên, quốc gia Bắc Âu này vẫn đảm bảo được chất lượng giảng dạy.

“Điều quan trọng nhất để trở thành giáo viên là khả năng đưa ra quyết định và các phán đoán về mặt sư phạm”, giáo sư Leena Krokfors nhấn mạnh.

Đúng nghĩa tự chủ, người học ở trung tâm 

Từ những năm 1980, các nhà giáo dục Phần Lan đã tập trung ưu tiên những điều cốt lõi sau:

(1) Khẩu hiệu “Giáo dục là công cụ để cân bằng bất công xã hội“.

(2) Tất cả học sinh được ăn miễn phí tại trường (kể từ năm 1948).

(3) Dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe và tư vấn tâm lý.

(4) Dẫn dắt, hướng dẫn cá nhân, định hướng phù hợp với từng học sinh.

Các trường được trao rất nhiều quyền tự chủ, không chịu sự quản lý vi mô cũng như kiểm soát chặt chẽ từ một cơ quan có thẩm quyền tập trung. Trên thực tế, có sự tin tưởng và phân chia trách nhiệm cao giữa chính quyền trung ương và địa phương.

Luật Giáo dục năm 1998 của Phần Lan đặt học sinh vào trung tâm của việc học, các em có quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về mọi quyết định của mình. Học sinh có thể yêu cầu giờ học ngắn hơn, ít bài tập về nhà hơn và bữa trưa bổ dưỡng hơn… Trong lớp, học sinh có thể tự chọn chỗ ngồi theo sở thích, tự do bày tỏ ý kiến, được khuyến khích học và chơi theo sở trường.

Học sinh Phần Lan bắt đầu học lúc 9h45 sáng và kết thúc lúc 2h30 chiều, với số lượng bài tập về nhà ít nhất trên thế giới, thậm chí không có. Học sinh cũng không học thêm hay có gia sư, nhưng các em luôn vượt trội về kiến thức và văn hóa nhờ một nền giáo dục bài bản và ít căng thẳng.

Phần Lan chú ý đến xây dựng môi trường học đường lành mạnh hơn là những thành tích trên giấy. Giáo dục mầm non chỉ tập chung vào vui chơi và giao tiếp xã hội. Tạo sự thoải mái trong quá trình khởi đầu việc học sẽ thúc đẩy sự phát triển của các kỹ năng nhận thức, xã hội, ngôn ngữ cũng như tạo động lực và niềm vui cho quá trình tiếp theo.

Đơm hoa trái ngọt

Bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực giáo dục đều từng đôi lần biết đến cũng như ngưỡng mộ câu chuyện về sự phát triển vượt bậc của nền giáo dục Phần Lan.

Đất nước này xếp hạng nhất trong chỉ số Giáo dục cho tương lai (theo tạp chí The Economist), đứng thứ 2 về sinh viên tốt nghiệp có thành tích cao nhất (nghiên cứu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế -OECD).

Đội ngũ giáo viên Phần Lan cũng được mệnh danh là tốt nhất thế giới. 93% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nhiều hơn cả Mỹ.

Một số điều thú vị khác:

#1: Trẻ em Phần Lan đi học muộn hơn, bắt đầu đến trường từ 7 tuổi với niềm tin rằng “việc cho trẻ đi học trước khi chúng sẵn sàng phát triển một cách tự nhiên không có lợi về lâu dài”.

#2: Cứ học 45 phút, học sinh được nghỉ 15 phút.

#3: Trường học chỉ bắt buộc trong 9 năm, học sinh có thể ngừng vào tuổi 16 và mọi thứ sau đó là tùy chọn. Ý tưởng này được cho là để chuẩn bị cho học sinh bước vào thế giới thực bên ngoài.

#4: Học sinh không bị xếp hạng trong 6 năm học đầu tiên. Học sinh chỉ phải tham gia kỳ thi tập trung – thi xét tuyển đại học – ở tuổi 16.

#5: Không có trường chọn hay trường tư thục bởi tất cả các trường đều được tài trợ thông qua quỹ công của Chính phủ.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : giáo dục Phần Langiáo viênPhần Lan

Các tin liên quan đến bài viết