Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương rà soát việc thực hiện điều chỉnh mức phí sử dụng đường bộ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các văn bản số 3291/2019 và số 4139/2018, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng trạm thu phí quá dày khiến cho chi phí thành gánh nặng, khó cạnh tranh với các địa phương khác, nhất là nông sản.
Liên quan đến vấn đề trên, theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Bình Phước, hiện đơn vị này có năm dự án BOT, trong đó có bốn dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng trên các tuyến đường hiện hữu do địa phương quản lý và một dự án BOT QL14 (đoạn qua cầu 38 đến TP Đồng Xoài) do Bộ GTVT quản lý. Tổng cộng có bảy trạm thu phí của năm dự án này. Số trạm sẽ tăng lên chín khi dự án BOT tuyến Đồng Phú – Bình Dương hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2020.
Tại buổi đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, các công ty BOT trên địa bàn tỉnh Bình Phước với hiệp hội vận tải tỉnh Bình Phước, hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình phước mong muốn tỉnh xem xét bỏ bớt các trạm thu phí đặt không phù hợp để giảm chi phí cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.
Sau đó, nhiều doanh nghiệp cũng như người dân và các tài xế cũng bức xúc kêu cứu vì tình trạng các trạm thu phí BOT đặt ra quá dày trên địa bàn tỉnh Bình Phước, trung bình cứ trên 20 km lại xuất hiện trạm thu phí.
Theo đại diện các doanh nghiệp và người dân địa phương, việc có quá nhiều trạm thu phí không chỉ đặt lên gánh nặng chi phí của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn tới sự đi lại của người dân.
Tiếp đó, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước báo cáo về vấn đề trạm thu phí dày đặc trên địa bàn tỉnh này.
Theo Plo.vn