Không chỉ khiến các lái xe ôm và hãng xe taxi truyền thống lao đao, Grab đang “bành trướng” rất nhanh sang các mảng khác “béo bở” hơn như đồ ăn, thanh toán ví điện tử, cho vay tiêu dùng…
Không ít người thắc mắc về kết quả kinh doanh của Grab như thế nào sau 6 năm có mặt tại Việt Nam?
Grab đang thống trị trong lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng xe công nghệ tại Việt Nam |
Grab gia nhập thị trường Việt Nam từ đầu năm 2014, doanh nghiệp này đăng kí hoạt động với danh nghĩa là dịch vụ kết nối cho loại xe chở khách dưới 9 chỗ (theo hình thức xe hợp đồng điện tử). Nhằm thu hút người dùng, trong thời gian đầu Grab nhắm đến chiến lược giảm giá cho những người sử dụng thường xuyên dùng dịch vụ gọi đồ ăn, gọi xe… nhằm biến họ trở thành những người sử dụng quen thuộc.
Về phía tài xế, những gói thưởng hấp dẫn khi đạt được số chuyến xe được tung ra. Giai đoạn 2015-2016, vì thưởng quá hấp dẫn, có một làn sóng người vay tiền ngân hàng mua xe để chạy Grab.
Chỉ sau 5 năm hoạt động, Grab tuyên bố đã có đến 25% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ Grab với 190.000 tài xế (hãng gọi là đối tác chứ không phải nhân viên) tham gia mạng lưới vận chuyển này.
Sau khi thâu tóm Uber, Grab giữ thế độc tôn tại thị trường Việt Nam và từ đây bắt đầu kế hoạch “bành trướng” rất nhanh. Trong 2 năm qua, Grab liên tục ra mắt các dịch vụ mới như GrabFood (giao đồ ăn), GrabExpress (giao hàng), thanh toán (GrabPay), khách sạn, cho vay tiêu dùng… Mới đây nhất là Grab nhảy vào làm cổng thông tin điện tử, Grab TV.
Trong đó, Moca – đối tác chiến lược của Grab – đang là một trong những công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán điện tử. Tổng giá trị thanh toán qua ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab đạt mức tăng trưởng đến 150% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng người dùng tương tác hàng tháng tăng đến hơn 70%.
GrabFood, nền tảng giao nhận thức ăn hàng đầu Việt Nam, đạt tổng giá trị giao dịch tăng đến 400% trong nửa đầu năm 2019, với số lượng đơn hàng trung bình hàng ngày đạt đến 300.000 đơn hàng.
Cựu Giám đốc Grab Việt Nam, Jerry Lim từng chia sẻ đến cuối năm 2019, tổng số vốn đầu tư của Grab vào Việt Nam sẽ là 200 triệu USD. Vào tháng 8/2019, Grab cũng đã công bố sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD (khoảng 11.500 tỷ đồng) vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới để phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, công nghệ di động mới và logistics.
Đầu tư rất lớn vào Việt Nam, tốc độ tăng trưởng các dịch vụ liên tục tăng, không ít người nghĩ rằng Grab đang lãi đậm. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của hãng gọi xe công nghệ này hoàn toàn trái ngược.
Theo đó, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Grab Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018 lần lượt là 1,47 tỷ đồng, 32,3 tỷ đồng, 187,9 tỷ đồng, 758,8 tỷ đồng và 2.194,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2014, Grab thua lỗ 51,7 tỷ đồng. Năm 2015, số lỗ vọt lên 442 tỷ đồng. Năm 2016 lỗ 445 tỷ đồng. Năm 2017 lỗ 789 tỷ đồng. Năm 2018, doanh nghiệp gọi xe công nghệ này tiếp tục báo lỗ 885 tỷ đồng, nâng tổng lỗ luỹ kế sau 5 năm hoạt động ở Việt Nam lên mức hơn 2.600 tỷ đồng. Và trong báo cáo tài chính của mình, năm 2019 Grab tiếp tục lỗ gần 1.700 tỷ đồng, gấp đôi năm 2018.
Tại thời điểm 31/12/2018, vốn góp chủ sở hữu của Grab Việt Nam chỉ là 20 tỷ đồng. Thế nhưng nợ phải trả lên đến 3.537 tỷ đồng, cao gấp… 177 vốn góp chủ sở hữu. Đa số nợ phải trả đến từ những khoản vay Grab Inc. dành cho Grab Việt Nam.
Cụ thể, về vay ngắn hạn, số tiền mà GrabTaxi Holdings Pte Ltd. và Grab Inc. cho Grab Việt Nam vay lần lượt là 860 tỷ đồng và 465 tỷ đồng. Về vay dài hạn, hai công ty này lần lượt cho Grab Việt Nam vay 512 tỷ đồng và 869 tỷ đồng.
Theo đại diện của Grab, thu nhập của tài xế sẽ chỉ giảm khoảng 1% mỗi năm sau khi điều chỉnh cước và Thuế VAT tăng lên 10% theo Nghị định 126 |
Tuy nhiên, với việc đầu tư lớn, nhưng không sở hữu xe, không kiểm soát tài xế, tương lai của Grab đang phụ thuộc lớn vào sự trung thành của khách hàng, điều vẫn còn là dấu hỏi khi mới đây hãng xe công nghệ này thông báo tăng giá cước các dịch vụ của mình.
Theo đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi Thuế VAT tăng lên 10% theo Nghị định 126, Grab đã tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.
Cụ thể giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.
Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.
Đại diện Grab lý giải, việc điều chỉnh tăng giá cước một số dịch vụ lần này nhằm đảm bảo thu nhập cho tài xế. Theo tính toán của Grab, trong trường hợp không tăng giá cước cơ bản, thu nhập đối tác tài xế sẽ giảm khoảng 7% một năm. Và sau khi điều chỉnh cước, thu nhập của tài xế sẽ chỉ giảm khoảng 1% mỗi năm.
Hiện Grab cũng đã thông báo đến tài xế mức tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe. Với GrabBike, tỷ lệ này là hơn 27,2% gồm 20% phí sử dụng ứng dụng (không đổi) + thuế VAT. Tuy nhiên, mức thu trên chưa gồm 1,5% thuế thu nhập cá nhân khi tài xế đạt doanh thu trên 100 triệu đồng một năm.
Với GrabCar, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe (gồm phí sử dụng ứng dụng, thuế thu nhập cá nhân, VAT) cũng tăng lên lần lượt hơn 28,3%, 32,8% với các tài xế chịu phí sử dụng ứng 20% và 25%.
Nguồn: vietnamnet