Những ngày gần đây, nhiều bệnh viện liên tục phát đi cảnh báo người bệnh khi đi khám phải chú ý tránh bị nhiều kẻ xấu từ bên ngoài vào lừa đảo trong bệnh viện.
Sau dịch COVID-19, bệnh nhân đổ dồn về các bệnh viện khám đông, khiến bệnh viện trở nên đông đúc. Lợi dụng cơ hội này, nhiều kẻ xấu dàn cảnh đủ kiểu lừa người bệnh.
Từ lừa mua thuốc đến lừa tiền
Ngày 7-6, chị A. (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đang ngồi chờ khám ở phòng nội soi dạ dày, Bệnh viện 108 thì được một người tự xưng là bệnh nhân giới thiệu về loại thuốc có tên là “tam thất nam” có thể chữa dứt điểm bệnh dạ dày. Đang trong tâm thế lo lắng, mệt mỏi, cộng thêm lời chào mời thuyết phục, chị A. đã tin tưởng người này và đi theo đến địa điểm mua thuốc tại cổng nhà tang lễ quốc gia.
Người này khẳng định với chị A. thuốc “tam thất nam” này do chính bác sĩ kê đơn nên yên tâm, nếu uống thuốc tây chỉ có thể giảm tình trạng bệnh đau dạ dày tức thời. Vì tin người này cũng là người bệnh giống mình, chị A. liền mua thuốc.
Trong sáng cùng ngày, trước cửa phòng nội soi dạ dày bệnh viện, ông D. cũng bị những người này dẫn dắt. Ông D. cho biết chỗ bán thuốc không cố định, chỉ có 1-2 người bán hàng cùng chiếc xe máy màu đỏ xách túi đen đựng thuốc bên trong. Sau mỗi đợt dụ dỗ khách và mua bán thành công, nhóm này di chuyển đến nơi khác, do đó bệnh nhân sau khi nhận ra mình bị nhóm người bán dàn cảnh lừa mua, không thể trả lại thuốc và lấy lại tiền. Loại thuốc mà nhóm đối tượng trên bán đựng trong túi bóng kính và buộc dây thun sơ sài, không có nhãn mác và hướng dẫn sử dụng, mỗi gói giá khoảng 1 triệu đồng.
Ngày 3-6, anh N.B.K. đưa người thân đến Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) để phẫu thuật tuyến tiền liệt. Khi đang ngồi tại hàng ghế chờ trước phòng mổ, một người đàn ông cỡ 60 tuổi đã bắt chuyện với anh K., sau đó kể về hoàn cảnh mình cũng có người nhà đang mổ. Khi vắng người, ông này xin số điện thoại anh K. và cho biết con gái đang trên đường tới thăm, ông phải ra ngoài đón, dặn anh K. khi nào bác sĩ kêu người nhà thì hãy gọi ông.
Một lúc sau người đàn ông quay lại, nghe điện thoại và nói to rằng bác sĩ kêu đóng tiền thêm gấp. Người này nói với vẻ gấp gáp và cho anh K. biết con đang đem tiền vô bệnh viện nhưng không kịp, nhờ anh K. cho mượn đỡ và sẽ hoàn trả ngay khi con đến. Do cả tin nên anh K. đã rút túi 2 triệu đồng cho mượn. Một lúc sau không thấy ông này quay trở lại trả tiền, anh K. mới biết mình bị lừa.
“Tôi muốn cảnh báo đến người bệnh không nên nhẹ dạ để bị lừa giống tôi, những kẻ xấu này lợi dụng tâm lý thương người, người dân ở nơi khác đến nên rất dễ bị lừa”, anh K. nói.
Cò tung hoành
Sau dịch COVID-19, Bệnh viện Phụ sản trung ương thường xuyên phát đi cảnh báo về tình trạng cò mồi tung hoành, hoạt động mạnh trước cổng bệnh viện. Theo lãnh đạo bệnh viện này, tình trạng cò mồi trước cổng bệnh viện đã có từ rất lâu, tuy nhiên khu vực bên ngoài cổng không thuộc quản lý của bệnh viện nên mặc dù biết nhưng bệnh viện cũng không thể can thiệp.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, rất nhiều “cò bệnh viện” quay trở lại sau dịch. Vừa gửi xe bước ra khỏi cửa, một sản phụ được một phụ nữ tiếp cận: “Em đi khám bệnh hả, khám lần đầu hay khám theo lịch hẹn”. Khi nhận được câu trả lời khám lần đầu tại bệnh viện, người phụ nữ này liền níu sản phụ lại: “Em khám dịch vụ phải đăng ký trước cơ, nếu không thì không khám được đâu. Chị đưa ra phòng khám của bác sĩ trưởng khoa ngay đây khám cho nhanh đỡ mệt”. Vừa nói, người phụ này vừa bíu lấy tay sản phụ. Sản phụ lớ ngớ chưa hiểu đầu đuôi đã bị người phụ nữ này dẫn đi.
Theo lãnh đạo Công an phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm), rất khó để xử lý triệt để tình trạng “cò bệnh viện” tại Bệnh viện Phụ sản trung ương. “Gần đây nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo hành vi gây rối trật tự với mức phạt chỉ 200.000 đồng/trường hợp. Với mức xử phạt chỉ như vậy là chưa có tính răn đe nên tình trạng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Chủ yếu người dân cần nâng cao cảnh giác, truyền thông cần đưa tin cảnh báo cho người dân để tránh bị lừa gạt”, vị này nói.
Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cảnh báo người dân đến khám bệnh tại bệnh viện lưu ý cần tỉnh táo để không bị lừa đảo, thiệt hại về tài sản cũng như sức khỏe. Tuyệt đối không tin lời mời chào, mua thuốc của những người không rõ lai lịch, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm định. Người bệnh chỉ nên mua thuốc khi có đơn kê của bác sĩ.
Ông Lê Minh Hiển – trưởng phòng công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) – cho biết cuối tháng 3-2022 bệnh viện đã phát đi cảnh báo một số kẻ xấu mượn danh nghĩa bệnh viện để lừa đảo. Họ lấy thông tin của một người bệnh từng điều trị tại bệnh viện từ rất lâu, rồi đổi thành tên bệnh nhân khác có hoàn cảnh thương tâm đăng lên mạng xã hội để kêu gọi chuyển tiền giúp đỡ.
Ông Hiển cũng thông tin tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các nhân viên y tế liên tục nhắc nhở bệnh nhân nếu có khó khăn liên hệ với phòng công tác xã hội, không đưa tiền, chuyển tiền cho bất cứ người xa lạ nào.
Giả danh website, fanpage bệnh viện
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều fanpage, trang mạng xã hội mạo danh, sử dụng tên các bệnh viện lớn để lừa đảo tư vấn, khám bệnh trực tuyến, bán thuốc nhằm trục lợi từ người bệnh.
Những trang này mạo danh là trang của các bệnh viện lớn có tên tuổi như Bệnh viện trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện 198…, sao chép và đăng tải lại những bài đăng, dùng logo, ảnh bìa trang của các bệnh viện khiến nhiều người dân nhầm lẫn. Sau đó đăng các bài viết nhằm mục đích kê đơn, bán thuốc cho người bệnh.
Kẻ xấu còn cắt ghép hình ảnh, video về bệnh viện lồng tiếng quảng cáo cho sản phẩm, khám chữa bệnh online, bán các loại thuốc giả, kém chất lượng. Các bệnh viện khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, bệnh viện chỉ khám bệnh trực tiếp, không kê đơn hay bán thuốc online.
Nguồn: tuoitre.vn